" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 13 : BÀ ÁN THUYẾT PHỤC ÔNG ÁN

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Như thường lệ, bữa cơm chiều hôm nay đã dọn ra trên bộ phản ở căn nhà lớn. Quan Án một mình ngồi đối diện với mâm cơm, bà Án ngồi bên cạnh để tiếp chồng. Không phải vì kiểu cách mà bà dọn cho quan Án dùng cơm riêng một mình, nhưng là vì bà muốn hạn chế sự ăn uống cho đỡ tốn kém: bà và các con có thể ăn thế nào cũng được, nhưng quan Án thì phải được tẩm bổ để đủ sức làm việc. Chiều hôm nay, mâm cơm có vẻ thịnh soạn hơn mọi ngày, có rượu và đồ nhấm. Bà Án vui vẻ ngồi bên cạnh chồng kể lể hết chuyện này đến chuyện khác, trong ấy có chuyện viếng thăm của bà huyện Minh, nhưng tất nhiên là bà giấu chuyện bốn lon trà. Ðột nhiên bà đề cập đến vụ án chánh tổng Hàm:

– À, bà huyện có hỏi thăm vụ án chánh Hàm đã đi đến đâu. Tôi cũng không biết sao mà trả lời.

– Vụ ấy còn nhiều bí ẩn lắm. tôi đang cho người điều tra lại. Theo tờ trình của quan huyện Minh thì đứa tớ gái của lão chánh Hàm vì buồn chuyện gia đình nên đêm khuya trốn đi mất. Nhưng theo tôi thì thấy có nhiều điểm mập mờ, phi lý.

Quan Án dừng lại một lúc, rồi nói như tự hỏi:

– Nhưng vụ này đã đệ trình lên tỉnh rồi, không dính dấp gì đến quan huyện Minh nữa, thì bà ta hỏi thăm làm gì?

Bà Án thấy cần binh vực cho bà huyện Minh:

– Có lẽ đây là vụ án quan trọng xảy ra trong hạt bà, và do ông huyện Minh xét xử sơ thẩm, nên bà cũng muốn biết ra sao …

Bà thêm:

– … Và nghe nói hình như ông chánh Hàm là bà con bên ngoại của bà huyên. Nếu ông chánh Hàm mà có chuyện gì, thì cũng xấu lây cho họ hàng nhà bà huyện, cho nên, bà ta có vẻ lo ngại … Ông xem nếu có thể được, thì cũng nên châm chước cho lão chánh Hàm nhờ.

Quan Án nể vợ trả lời nước đôi:

– Vụ này cũng chưa biết thiệt hư ra làm sao, tôi còn phải xem lại rồi mới quyết định được.

Câu chuyện giữa ông bà Án chấm dứt ngang đó. Nhưng ngay tối hôm đó quan Án lật hồ sơ vụ án chánh tổng Hàm ra xem lại, cho đến một giờ khuya mới đi nghỉ.

Theo tờ trình của quan huyện Minh thì nội vụ xảy ra như sau:

Chánh Tổng Hàm là một đại điền chủ ở tổng Hàm Long. Nhà lão ta có nuôi rất nhiều tôi tớ, cả trai lẫn gái. Trong số tôi tớ này có một đứa tớ gái là Thị Nguyệt, con một nông phu nghèo ở làng bên cạnh. Thị Nguyệt được cha mẹ cầm cho tổng Hàm một thời hạn là 5 năm, lấy một số tiền 200 quan. Nhưng mới ở được ba năm thì cha mẹ Thị Nguyệt muốn chuộc con gái về để gã làm thiếp cho một phú nông già trong làng. Thị Nguyệt là một cô gái có chút ít nhan sắc, được trai tráng trong làng ngấp nghé, trong số ấy, hình như Thị Nguyệt cũng đã nặng lời thề ước, trao thân gởi phận cho một lực điền mồ côi cha mẹ, hiện đang ở làm tại nhà chánh Hàm. Khi được biết cha mẹ muuốn bán mình làm thiếp cho một lão già, Thị Nguyệt buồn phiền, bỏ ăn bỏ ngủ, rồi một đêm khuya, đã lẻn trốn khỏi nhà tổng Hàm đi mất. Nhưng trong khi ấy thì gia đình Thị Nguyệt cũng đầu đơn lên tỉnh, kêu oan là con mình dã bị mất tích một cách ám muội.

Theo đơn kiện của gia đình Thị Nguyệt thì thấy có nhiều điều khác hẳn với lời khai của chánh Hàm:

Nguyên gia đình Thị Nguyệt làm ăn lỗ lã, nên đến cầm mấy thửa ruộng cho tổng Hàm là đại địa chủ gian ác. Hắn ta đã làm giàu trên xương máu của đám nông dân nghèo khó trong tổng. Hắn đã cho vay nặng lãi, cầm lúa non, làm nhiều điều thất nhân ác đức nên bao nhiêu ruộng đất của cải của đám dân chúng trong vùng đều lần hồi vào trong tay hắn hết. Hắn có cả thảy năm bà vợ chính và hầu. Nhưng hễ thấy ở đâu có con gái mặt mày dễ coi thì hắn tìm cách này cách khác gạt gẫm đem về làm thê, thiếp. Thị Nguyệt cũng ở trong trường hợp như vậy. Tổng Hàm âm mưu cho cha mẹ Thị Nguyệt vay, chồng chất mỗi khi một ít và gia tăng tiền lãi mỗi ngày mỗi nhiều. Thế rồi một ngày, biết cha mẹ Thị Nguyệt không trả nổi món mợ, hắn cho người đòi ráo riết và hăm dọa đi kiện nếu cha mẹ Thị Nguyệt không trả. Cuối cùng không còn cách nào hơn, cha mẹ Thị Nguyệt đành phải nuốt nước mắt cho Thị Nguyệt đi ở đợ cho gia đình tổng Hàm. Thị Nguyệt một ngày một lớn và trở thành một cô gái duyên dáng mặn mà. Trong nhà tổng Hàm có nhiều trai tráng nông phu đến giúp việc. Nhưng hễ anh chàng nào có tình ý muốn làm thân với Thị Nguyệt thì đều bị tổng Hàm tìm cớ hăm doạ và đuổi đi. Trong số trai tráng ấy có một anh lực điền được lọt vào mắt xanh của Thị Nguyệt. Hai người cùng lén tính chuyện se tơ kết tóc trăm năm. Nhưng rồi tổng Hàm cũng khám phá ra được dự tính thầm lén của họ. Hắn âm mưu xúi dục bọn tôi tớ tay chân của hắn gây sự đánh cho anh lực điền ấy một trận và hăm nếu còn lai vãng đến trò chuyện với Thị Nguyệt thì sẽ bị chúng đánh chết bỏ mạng. Nhưng anh lực điền kia đã lỡ thề nguyền gắn bó vói Thị Nguyệt, đến thú thật với cha mẹ thị nổi lòng của mình và xin hỏi Nguyệt về làm vợ. Tất nhiên là hắn hứa sẽ đem đủ số tiền dành dụm bấy lâu để chuộc Thị Nguyệt về. Cha mẹ Thị Nguyệt vô cùng mừng rỡ ưng thuận ngay lời đề nghị của anh chàng kia. Nhưng khi cha mẹ Thị Nguyệt đem tiền chuộc con về thì tổng Hàm làm khó dễ, bảo số tiền chưa đủ, giấy tờ chưa xong, và hẹn một ngày khác. Nhưng mấy hôm sau, cha mẹ Thị Nguyệt trở lại nhất định đem con về thì được tổng Hàm cho biết rằng Thị Nguyệt đêm khuya đã lẻn trốn đi đâu mất. Cha mẹ Thị Nguyệt không tin được lời giải thích ấy mà đinh ninh con mình đang bị tổng Hàm giam giữ đâu đó, hay có thể đã bị thủ tiêu rồi cũng nên. Sau mấy lần đòi con không có hiệu quả, họ bèn làm đơn lên huyện kiện tổng Hàm. Nhưng quan Huyện lại bênh tổng Hàm không xét xử. Cha mẹ Thị Nguyệt lại đầu đớn lên tỉnh, hy vọng quan Án Qúy, ông quan thanh liêm nổi tiếng trong vùng, sẽ đem vụ này ra ánh sáng công lý.

Qua Án Quý, đọc đi đọc lại nhiều lần tập hồ sơ, thấy vụ án có nhiều điều bí ẩn, biết chắc cha mẹ Thị Nguyệt có điều oan ức và đoán chắc quan huyện Minh đã được chánh tổng hàm hối lộ nên ém nhẹm vụ án. Nhưng vì chưa tìm ra được bằng chứng xác thực, nên quan tạm gác vụ án, chờ đợi cuộc điều tra mật hoàn thành.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 12 : BÀ HUYỆN ÐEM BIẾU BÀ ÁN BỐN HỘP TRÀ

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Bà Án Quý đang ngồi gọt bí làm mứt thì một tên lính lệ vào báo tin có bà huyện Minh đến thăm. Bà Án lật đật rửa tay rồi đi lên nhà trên. Bà huyện Minh khép nép vái chào, rồi quay lùi bảo tên lính đặt khay trà lên án. Bà huyện bảo tên lính lui ra rồi trịnh trọng nói với bà Án:

– Bẩm bà lớn, hôm nay nhân ra tỉnh có việc cần, con xin đến hầu thăm ông bà lớn. Nhà con vì bận công việc không ra hầu thăm ông bà được, có bảo con hỏi thăm xem vụ án chánh tổng Hàm đã được quan lớn xét xử ra sao chưa?

Bà Án chậm rãi bảo bà huyện ngồi xuống chiếc xập gỗ bên cạnh mình, gọi bảo con bé hầu pha trà, nhưng không đả động gì về vụ của chánh tổng Hàm cả. Bà Án nhìn chiếc khay có 4 lon trà tàu mới nguyên, nói như trách:

– Bà huyện có lòng đến thăm vợ chồng tôi là quý rồi, đem theo quà cáp làm gì; ông nhà tôi đã dặn nhiều lần là không được nhận quà cáp của một ai.

Bà huyện xoa hai bàn tay vào nhau, rụt rè định nói gì rồi lại ngồi yên. Không khí bỗng trở thành ngột ngạt. Thương hại cho sự lúng túng ngượng ngịu của bà huyện, Bà Án đẩy khay trầu đến gần gần bà huyện, mời:

– Bà dùng một miếng trầu cho ấm bụng … Chắc bà cũng biết tính ông nhà tôi nghiêm lắm, không bao giờ chịu nhận lễ vật của ai đem cho.

Bà huyện chống chế:

– Bà lớn thương cho vợ chồng chúng con mà xem như con cháu trong nhà. Chúng con cũng biết tánh liêm của quan lớn, nêm không dám đem gì nhiều, chỉ có 4 lon trà tàu thôi. Vật mọn, xin bà lớn nhận cho để vợ chồng con mừng.

Bà Án nhượng bộ:

– Thôi thì đường sá xa xôi, bà đã có lòng đem đến cho vợ chồng tôi, thì tôi cũng xin giữ lại đó. Nhưng lần sau bà có đến chơi, xin bà đừng bày vẽ như thế này nữa; nếu không, chúng tôi sẽ buộc lòng từ chối.

Bà huyện thấy bà Án đã hoan hỷ nhận lễ vật, vui vẻ hẳn lên.

– Dạ, vợ chồng chúng con xin đa tạ quan lớn, bà lớn đã rũ lòng thương chúng con, không nỡ từ chối món quà mọn …

Câu chuyện quà cáp chấm dứt ở đó. Hai bà vui vẻ hàn huyên về chuyên gia đình, hỏi thăm nhau về sức khỏe của chồng con, trao đổi ý kiến về thời tiết ấm lạnh. Nhưng rồi bà huyện lại quay trở lại câu chuyện vụ án chánh tổng Hàm:

– Thưa bà lớn, không biết bà lớn có nghe quan lớn dạy như thế nào về vụ án lão tổng Hàm chưa? Vụ án nhà con đã trình lên với quan lớn hơn một tháng rồi, chắc cũng đã đến ngày đem ra xử. Nhà con thường bảo con là lão chánh Hàm ấy mắc hàm oan, thật đáng thương. Nếu quan lớn lấy đèn trời soi xét mà tha bỗng cho lão ta, thì thật là phúc đức vô cùng.

Bà Án phân trần:

– Việc  xử kiện là việc của ông nhà tôi, tôi là phận đàn bà, coi việc bếp nước, cũng ít khi được biết đến.

– Bẩm con cũng biết vậy. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt; bà lớn là người phúc đức thấy việc oan ức không thể dửng dưng được. Dạ, tục ngữ có câu: “dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Nếu bà lớn thương tình gia cảnh của lão ta, nói giúp vào một tiếng, thì chắc quan lớn cũng nể bà lớn mà châm chước cho lão ta được nhờ. Lão chánh Hàm mà thoát khỏi nạn lao tù, thì chắc chắn muôn đời lão không quên ơn ông bà lớn.

Không biết chối từ làm sao được, bà Án đành hứa qua loa:

– Tôi được, bà cứ yên tâm, tôi chẳng biết vụ án tiết ấy ra làm sao, nhưng tôi cứ thử thưa lại với ông tôi một tiếng, còn được hay không thì tôi chưa dám hứa.

Bà huyện vội vã đỡ lời:

– Dạ dạ, bà lớn đoái thương lão ta mà cho một tiếng là qúy lắm rồi, vợ chồng con không dám mong gì hơn.

Nói xong, bà huyện đứng dậy cáo từ. Bà nhìn mấy lon trà tàu để trên án, định nói gì, rồi lại thôi. Nhưng cử chỉ ấy không qua mắt bà Án được. Cho nên khi đưa tiễn bà huyện ra cửa, bà liền quay vào, đến nắm mấy lon trà ngắm nghía. Bà lấy làm lạ khi nhắc bốn lon trà thấy nằng nặng. Bà vội vã nhìn sau nhìn trước, rồi mở nắp lon trà ra xem. Bà thọc ngón tay sâu xuống dưới, cảm thấy có vật gì cưng cứng. Bà đổ hết trà trong lon ra và thấy một thoi vàng. Bà mở ba lon trà còn lại và thấy lon nào cũng có một thoi vàng ở phía dưới. Bà đứng tần ngần một lúc, rồi vội vã ôm hết cả 4 lon trà vào trong phòng riêng của mình. Cảm tưởng của bà thực là phức tạp khó phân tách. Bà vừa choáng ngợp, vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ, vừa lo lắng vì số vàng quá nhiều mà suốt đời làm vợ của một ông quan lớn chưa bao giờ bà được thấy. Có lẽ đối với một bà quan khác, thì số vàng ấy không đáng kể vào đâu. Nhưng đối với bà, thì đó là cả gia tài lớn lao mà chưa bao giờ bà dám mơ tưởng đến.

Quan Án Qúy, chồng bà là một quan thanh liêm nổi tiếng. Từ ngày thi đỗ ra làm quan, và lần hồi lên đến chức Án sát ở một tỉnh thuộc miền sơn cước nước Nhục Chi cho đến nay, đã hơn hai mươi năm, quan Án vẫn giữ đạo thanh bần, Những bạn đồng song của quan Án hết thảy đều là những bực giàu sang chức trọng, có nhà cao cửa lớn, tiền kho, thóc đụn, trong khi ấy thì quan Án vẫn nghèo xác, nghèo xơ, quanh năm suốt tháng chỉ nhờ vào đồng lương để sanh sống. Nhiều lúc bà Án không khỏi thở vắn than dài, vì cái tánh thanh liêm của chồng đã làm cho bà thua sút bạn bè, bà con xa lánh. Người ta thì ” một người làm quan, cả họ được nhờ”, còn quan Án thì mặc dù làm đến chức Án sát, vợ con vẫn thiếu trước hụt sau, như một kẻ hàn nho! Nhiều khi bà nghĩ đến tương lai mà không khỏi sốt ruột: con cái mỗi ngày mỗi lớn, lấy gì để dựng vợ gã chồng cho chúng? Và ông Án cũng sắp hồi hưu, lấy gì để đắp đổi tuổi già? Hơn nữa, tiếng là có con lấy chồng quan, mà song thân bà chưa một lần nào nếm được của ngon vật lạ, hưởng được cái cảnh sung túc, nhàn hạ như những người khác. Nghĩ đến đó, nhiều khi bà ứa nước mắt, thấy tủi hổ vì trên thì chưa báo đáp được ơn sinh thành, dưới thì chưa tròn bổn phận đối với con cái. Có chăng, bà chỉ an ủi được khi cảm thấy cái vẻ kính cẩn mến phục của dân chúng khắp nơi, mỗi khi bà có dịp tiếp xúc với họ.

Thế rồi hôm nay, bà bị đặt trước một việc vô cùng bất ngờ, chưa bao giờ bà nghĩ tới. Bà phải xử trí làm sao đây? Trả số vàng lại cho bà huyện chăng? – Thật quá uổng! Cả một đời làm quan của chồng, vẫn không làm sao có được một số vàng như thế! – Nhưng giữ lấy được chăng? – Làm sao để thuyết phục cho chồng bà chấp thuận? Và lấy của phi nghĩa chắc phải trả bằng việc làm phi nghĩa! Bà chưa rõ vụ án của chánh Hàm ra làm sao, nhưng khi bà huyện đem đến cho bà chừng ấy thoi vàng, chắc chắn trong ấy có điều ám muội! Không lẽ viên chánh tổng ấy vô tội, mà lại phải đem nạp cho bà đến chừng ấy thoi vàng. Bà nắm 4 thoi vàng trong tay, ngắm nghía lật qua trở lại, nâng lên để xuống ra chiều quyến luyến. Khi chưa có số vàng ấy ở trong tay, thì bà không bao giờ tưởng đến nó. Nhưng bây giờ nắm được nó trong tay, thì bà bỗng quý chuộng nó nâng niu nó. Bà nghĩ đến bao nhiêu chuyện đáng làm phải làm khi có nó: Nào may thêm một ít áo quần cho con cái; sắm cho đứa con gái đầu lòng một ít tư trang để nó đi về nhà chồng, để dành cho hai thằng con trai một ít lộ phí cho chúng về kinh dự thi; nào mua một vài mẫu ruộng, một sở vườn để dưỡng già, đem một ít tiền về quê xây lăng cho song thân quan Án; cúng một số tiền để xây nhà thờ họ ngoại của bà … nào và nào … toàn là những việc đáng làm, phải làm cả …

Cuối cùng, không biết quyết định ra sao, bà tạm giấu thoi vàng trong bao gối của bà, rồi sẽ liệu sau.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 11 : LỘ NGUYÊN HÌNH

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Từ ngày thứ phi Hoàng Hoa được Lý Mậu chữa khỏi bệnh điên, Tây cung vẫn sống trong cảnh im lìm, không người lai vãng. Lý Mậu dã tâu với vua để cho thứ phi được tịnh dưỡng, không một ai, kể cả vua, được lui tới khuấy phá sự yên tĩnh của nàng, sợ bệnh điên lại tái phát.

Thứ phi nhờ thế, được sống một mình thư thả trong cung, và không sợ một ai bên ngoài dòm ngó. Tuy thế, Tây cung chỉ yên tĩnh ở bên ngoài, chứ bên trong, qua đường hầm bí mật, Lý Bá và Lý Mậu vẫn lui tới thăm viếng, yến ẩm vui vầy. Chính Tây cung là nơi hội hợp, bàn mưu sắp kế của họ. Cứ năm bảy hôm, họ lại họp mặt nhau ở đây một lần. Mỗi người đều theo đuổi một mục đích riêng, một tham vọng riêng, nhưng họ đã hợp lực với nhau trong một công tác chung: thứ phi Hoàng Hoa thì mong sao cho việc của mình được giữ kín và sự sanh nở của mình được vuông tròn mà không ai hay; Lý Bá thì hy vọng sẽ nắm hết quyền hành trong tay, hất Hoàng Cái khỏi chức Thừa tướng để chờ cơ hội thuận tiện chiếm đoạt ngôi vua; còn Lý Mậu thì đêm ngày nuôi mộng bành trướng cái đạo phù thủy của mình thành một quốc giáo và mình trở thành quốc sư. Ba người ba chí hướng, nhưng họ rất hợp ý với nhau, và vui mừng nhận thấy âm mưu của họ dần dần được thực hiện đúng theo kế hoạch và đã thành công gần chín phần mười.

Hôm nay, sau khi Hoàng Cái bị giáng chức và Lý Bá được vua giao phó chức Thừa tướng, bộ ba ấy lại họp mặt nhau tại Tây cung vào lúc đầu canh ba.

Hoàng Hoa, mẵc dù đã gần ngày sanh nở nhưng cũng đứng ra tự tay mình chúc rượu mừng đạo sĩ và quan Thừa tướng mới. Họ mừng rỡ vì không ngờ đoạt được chức Thừa tướng của Hoàng Cái một cách dễ dàng giản dị như vậy. Theo họ, từ đấy, địa vị cũng như thế lực của Hoàng Cái sẽ lu mờ dần trước khi vào bóng tối, và giai đoạn chót của âm mưu của họ sẽ được thực hiện dễ dàng hơn.

Nhưng Hoàng Hoa không khỏi thắc mắc lo ngại về sự sắp sanh nở của mình. Nàng nói:

– Xin đạo sĩ và tân Thừa tướng hãy trù nghĩ gấp kế hoạch bảo toàn sự sinh nở cho thiếp. Thiếp không khỏi lo ngại mỗi khi nghĩ đến vấn đề này.

Lý Bá để chén rượu xuống bàn, cười ha hả, nói vẻ trêu cợt:

– Lo làm gì cho mệt xác! Một vị Thừa tướng nắm trọn quyền sinh sát trong tay mà không bảo đảm được cho một đứa hài nhi sắp ra đời hay sao?

Lý Mậu tiếp lời:

– Hãy gác chuyện ấy lại! Chúng ta hãy say sưa một đêm cho thỏa thích để mừng quan Thừa tướng mới. Chuyện sinh nở sẽ bàn sau.

Hoàng Hoa, mặc dù trong lòng không yên, nhất là từ chiều hôm nay, đứa nữ tỳ thân tín bỗng nhiên biệt tích, nhưng thấy vẻ tự tin của hai người đàn ông, nên nàng cũng không buồn khẩn khoản thêm nữa để khỏi mất vui trong bữa dạ yến. Nàng định bụng để đến cuối buổi tiệc sẽ gợi lại chuyện ấy.

Trong khi ba người đang yến ẩm vui vầy như vậy, thì tại tư thất quan Binh Bộ đại thần Hoàng Cái, các võ quan thân tín đang hỏi cung con nữ tỳ của thứ phi Hoàng Hoa. Nó bị bọn tình báo của Hoàng Cái bắt cóc từ chiều trong khi đi ra chợ mua một ít thức ăn cho buổi dạ tiệc. Nó bịt bịt mắt và đem vào tư dinh quan đại thần Hoàng Cái. Khi được mở mắt ra, nó kinh hãi nhận thấy hai hàng lính hộ vệ gươmg giáo sáng ngời, đứng hai bên và phía trong cùng, đại thần Hoàng Cái và các võ quan cao cấp đang ngồi nghiêm chỉnh trên những chiếc ghế tràng kỷ và đang nghiêm khắc nhìn nó. Ở chính giữa, các dụng cụ tra tấn như roi sắt, kềm kẹp, đinh ba, hỏa lò, chảo dầu … được bày quanh nó.

Hoàng Cái dõng dạc hỏi:

– Nữ tỳ kia! Mi biết vì sao? Vì mi bị bắt dẫn đến đây không?

Nữ tỳ run cầm cập trả lời:

– Bẩm … bẩm đại thần, con không hiểu gì cả. Con đang mua thức ăn bỗng bị bốn người đến bịt mắt, bắt dẫn đi.

– Mi mua thức ăn để làm gì?

Nữ tỳ ấp úng không trả lời được.

Hoàng Cái nạt:

– Ta hỏi mi mua thức ăn để làm gì, sao mi không trả lời? Quân bay, căng nọc nó ra đánh một trăm hèo!

Có tiếng dạ rân tứ phía. Nữ tỳ hốt hoảng thưa:

– Dạ, dạ, dạ, con xin trả lời. Con mua thức ăn vì hôm nay  thứ phi có thiết tiệc đãi …

– Ðãi ai?

– Dạ, dạ! Ðãi Thừa tướng Lý Bá và đạo sĩ Lý Mậu.

Hoàng Cái làm ra vẻ không tin:

– Con này to gan thật! Mi dám đặt điều nói dối cho thứ phi và quan Thừa tướng mới. Quân bay! căng nọc nó ra …

– Da … dạ, con đâu dám đặt điều nói dối. Chính  đại thần Lý Bá và đạo sĩ Lý Mậu thường đến họp mặt nhiều làn tại Tây cung, chứ không phải một lần này.

– Tây cung là nơi Hoàng Thượng đã truyền lịnh không ai được lui tới, đêm ngày cửa đóng then gài, sao ngươi lại bảo các người ấy thường họp mặt tại đấy? Họ đi ngã nào vào đấy được?

– Da, họ đi theo một đường hầm từ ngoài thành vào thẳng Tây cung.

Quan đại thần Hoàng Cái bỗng truyền lệnh dẫn một tên tù vào. Tên này tay chân đều bị xiềng xích, mình mẩy đầy những vết phỏng. Ðại thần Hoàng Cái chỉ vào tên tù nói với con nữ tỳ :

– Mi có biết tên tù này vì sao mà bị phỏng cả mình mẩy như vậy chăng? Nó bị tra bằng kềm nóng, nghĩa là kềm đốt nóng và kẹp vào thịt. Nó bị như vậy vì đã khai gian dối. Mi là tay chân thân tín của thứ phi, mi biết tất cả công việc bí mật trong Tây cung. Vậy nếu mi biết ăn năn hối cải, cứ sự thật mà khai ra thì ta tha tội mà còn trọng thưởng. Nếu mi khai gian dối thì sẽ bị tra tấn như thế đó, mà tánh mạng cũng không thể nào bảo toàn được.

Nữ tỳ giương đôi mắt kinh hãi nhìn tên tù, mình mẩy lở lói và cháy nám từng đám lớn, nó run cầm cập xin cam đoan khai tất cả sự thật tại Tây cung.

Do lời khai ấy, đại thần Hoàng Cái biết được thứ phi Hoàng Hoa tư thông với Lý Bá đã có thai gần ngày sanh; để đánh lừa vua và triều đình, nàng đã giả điên, đập phá đồ đạc trong Tây cung. Lý Bá bàn mưu với nàng mời tên phù thủy Lý Mậu là bà con chú bác với Lý Bá về chữa cho nàng. Trước khi ra đi mời, Lý Bá đã cho người thân tín đi phao đồn có thánh nhân ra đời, bằng cách bắt cá lóc khắc chữ trên đầu rồi đem ra chợ bán, lấy mật viết lên trái cây và lá cây để kiến gặm thành chữ … Lý Bá lại còn gây uy tín cho Lý Mậu bằng cách đi bộ theo đám rước và mỗi bước là mỗi lạy, và bày đặt ra vụ hồn ma của quan đề đốc Thanh Phong nhập vào thứ phi Hoàng Hoa để chữa trị cho nàng khỏi bệnh điên … Tất cả mọi chi tiết nhỏ nhặt, tên nữ tỳ đều rành mạch khai ra không sót.

Ðại thần Hoàng Cái lại bảo:

– Ngươi đã thành thật khai ra nhiều sự việc quan trọng, ta sẽ tâu với hoàng thượng tha tội cho ngươi. Nhưng còn một điều ta muốn biết là “tấm kính hiện nguyên hình” của tên phù thủy Lý Mậu. Ngươi có nghe thứ phi nói gì về tấm kính ấy không?

Tên nữ tỳ im lặng một lúc, như để nhớ lại chuyện gì, rồi thưa:

– Thưa Ðại thần, một hôm Lý Bá và Lý Mậu đăng ăn uống say sưa trong cung, thì thứ phi lén lấy tấm kính ấy ra chiếu vào hai người. Lý Bá nhìn thấy, hốt hoảng đứng dậy, định giựt tấm kính trên tay thứ phi. Nhưng Lý Mậu trong cơn say, không kiểm soát được lời nói và cử chỉ của mình, đã điềm nhiên ngồi cười “ha hả”, như không quan tâm đến việc bửu bối của mình đã bị người lấy. Lý Mậu để cho thứ phi soi một hồi rồi hỏi:

– Có thấy gì không?

Thứ phi lắc đầu. Lý Mậu cười ngất rồi đưa cái đãy cho thứ phi và bảo:

– Muốn thấy ma quỷ, thú vật thì hãy lắp thêm những tấm kính có vẽ sẵn hình ảnh này vào. Nhưng phải tập làm cho lẹ tay để đừng bị bắt quả tang đấy.

Sau khi tỉnh rượu, Lý Mậu tỏ vẻ hối tiếc vì đã cho thứ phi biết trò lừa bịp của mình, nhưng đã muộn.

Ðại thần Hoàng Cái lại hỏi:

– Buổi họp mặt hôm nay tại Tây cung sẽ bắt đầu vào lúc mấy giờ?

– Thưa đại thần, thường thường các buổi họp đều bắt đầu vào lúc canh ba.

Hoàng Cái vội vàng truyền lệnh cho các võ tướng sẵn sàng chuẩn bị đi vào Hoàng cung, bố trí mai phục tại các ngã đường và bảo con nữ tỳ cùng ba vệ sĩ đợi sẵn mình tại đầu miệng hầm. Hoàng Cái nai nịt gọn gàng và mang theo thanh bảo kiếm đi vào điện vua Ðột Quyết.

Vua đang ngồi học niệm phù chú nghe quan  ngự lâm tâu có quan đại thần Hoàng Cái xin vào yết kiến, ngài rất ngạc nhiên và truyền cho vào. Hoàng Cái vái chào vua và tâu ngay:

– Tâu Hoàng Thượng, thần được mật báo có âm mưu cướp đoạt ngai vàng. Xin Hoàng Thượng hãy mau mau đi theo đại thần để chứng kiến tậm mắt những hành động bội phản của một nhóm đình thần.

Vua hỏi vẻ lo lắng:

– Mật báo có chắc đúng không?

– Xin Hoàng Thượng hãy kíp theo hạ thần để thấy đúng hay sai.

Vua vội vã choàng áo bào vào, rồi đi theo Hoàng Cái. Hoàng Cái dẫn vua đến miệng hầm là nơi đang có nữ tỳ và ba vệ sĩ đợi sẵn. Nữ tỳ hướng dẫn đoàn người đi xuống hầm. Ðường hầm tối om, dài độ năm trăm thước, nhưng để giữ bí mật. Hoàng Cái không cho thắp đèn đuốc và truyền lệnh tuyệt đối giữ im lặng, ai bất tuân sẽ chém đầu ngay. Khi đi gần đến cuối hầm, thấy lờ mờ có ánh sáng từ bên kia cửa hầm lọt vào và nghe có tiếng cười nói. Hoàng Cái ra hiệu cho mọi người dừng lại, đứng nghe ngóng.

Tiếng ba người ở trong phòng nghe rõ mồn một. Hình như buổi tiệc đã gần tàn và họ sắp sửa giải tán. Có tiếng xô ghế đứng dậy và tiếng chào từ giã. Nhưng thứ phi Hoàng Hoa cầm Lý Bá ở lại để bàn vấn đề giữ bí mật cho sự sinh nở của nàng, và kế hoạch tráo đổi hài nhi như Lý Bá đã có nói cho nàng biết trước kia. Lý Bá bỗng cười chế riễu thứ phi, chàng nói:

– Kế hoạch tráo đổi hài nhi xưa rồi! Trưóc kia, khi ta chưa nắm được thế lực trong tay thì còn phải che giấu, tráo đổi hài nhi, chứ bây giờ tất cả quyền hành đã vào trong tay ta rồi, thì cần gì phải làm như vậy? Trong một ngày không xa nữa, ta sẽ buộc lão Ðột Quyết nhường ngôi lại cho ta, khi ấy nàng sẽ là chánh hậu, con nàng sẽ là Ðông cung thái từ, còn ai vào đó nữa mà phải bày trò tráo đổi hài nhi cho mệt xác?

Câu nói của Lý Bá vừa dứt, thì Hoàng Cái và bọn vệ sĩ cũng vừa phá cửa hàm nhảy vào phòng. Ba người bất ngờ không kịp đề phòng đã bị bắt quả tang trước sự chứng kiến của vua Ðột Quyết. Họ bị ba vệ sĩ bắt trói lại dẫn vào ngục thất để chờ ngày ra pháp trường đền tội.

Ngồi trong ngục thất, ca ba người đều rất hối hận: vì không tin “Bài học ngàn vàng” (hay luật nhơn quả” nên mới đưa đến “hậu quả rất tai hại” thế này!! …

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 10 : VUA ÐỘT QUYẾT BỊ LÝ MẬU MÊ HOẶC

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Lý Mậu ở lại Kinh đô đã hơn sáu tháng nay rồi, và mỗi ngày thêm được vua Ðột Quyết tin dùng. Nghe theo lời xúi dục của Lý Mậu, vua quyết định sẽ truyền lịnh đập phá, chùi rửa tất cả những vật dụng có ghi khắc bài học ngàn vàng trong các cung điện. Quyết định ấy đã làm cho triều đình chia làm hai phía chống đối nhau rõ rệt: một phái đứng về phía đại thần Lý Bá, và đạo sĩ Lý Mậu, và một phái đứng sau lưng Thừa tướng Hoàng Cái. Thừa tướng đã cực lực phản đối quyết định thủ tiêu bài học ngàn vàng của vua. Nhưng vua đã nổi giận đòi cất chức Thừa tướng, nếu Hoàng Cái cứ một mực chống đối lịnh của Ngài. Hoàng Cái buồn rầu,mất ăn bỏ ngủ và không thiết vào triều nữa. Nhưng vua có vẻ không thiết đến sự hiện diện của quan Thừa tướng ở trong các buổi chầu. Bên cạnh ngài đã có Lý Bá và Lý Mậu làm quân sư. Tất cả những việc lớn nhỏ trong hoàng cung, vua đều làm theo ý kiến của hai người họ Lý ấy cả. Vua hoàn toàn bị Lý Mậu thu hút, sai sử không còn tự chủ được nữa. Phe Hoàng Cái cho rằng vua bị Lý Mậu mê hoặc vì bùa phép; trái lại phe Lý Mậu thì lại bảo rằng Hoàng Cái vì bất lực không được vua tin dùng nữa, nên bất mãn, ganh ghét, gièm pha bọn Lý Mậu.

Từ ngày bị Lý Mậu mê hoặc, vua không còn nghĩ nhớ đến “Bài học ngàn vàng” nữa. Tất cả mọi việc đều ỷ lại có Lý Mậu giải quyết, sắp xếp dùm, khỏi phải mệt trí suy nghĩ đến hậu quả của mọi việc mình làm. Mỗi ngày vua cứ say mê theo bùa phép, phù chú của Lý Mậu, không thiết gì đến việc nước việc dân.

Vua hy vọng một ngày kia, khi sự tu luyên của mình thành công, mình có thể trị vì đất nước mình bằng phép thuật, thần thông biến hóa, lấy đậu xanh đậu đỏ làm âm binh, sai sử loài ác thú như cọp beo, rắn rít đi đánh giặc; nếu trời làm đại hạn, thì mình làm mưa cho dân cày bừa, nếu trời làm lụt thì mình gọi rồng đến hút nước; mình có thể xử kiện bằng cách dùng “kính chiếu nguyên hình” để xem ai gian ai ngay, ai phải ai trái …

Ðó là những hy vọng, những ước nguyện mà Lý Mậu mớm cho vua trong những cuộc đàm đạo; chàng ta thường khoe khoang rằng mình có thể làm được những điều đó, nhưng vua chưa bao giờ được thấy tận mắt những phép thuật ấy. Một đôi khi vua giục Lý Mậu thực hiện cho ngài xem một vài phép thuật. Lý Mậu chối từ, bảo rằng phép mầu chỉ nên dùng khi cần thiết, chứ không thể đem ra để khoe khoang hay để xem cho vui mắt được. Tuy thế, chiều lòng vua, thỉnh thoảng Lý Mậu cũng trổ tài tu luyện của mình bằng cách sai sử các con thú dữ trong đoàn thú của mình. Một hôm vua đi dạo sớm một mình ngang qua chuồng thú của Lý Mậu, bỗng hai con sư tử lớn nhảy xổ ra, vua hoảng hốt vừa chạy vừa kêu cầu cứu, hai con sư tử hầm hừ đuổi theo, Lý Mậu nghe thấy tiếng kêu, chạy đến, rút cái giải lụa điều trong đãy ra, đánh “đét” một cái, hai con sư tử bỗng dừng lại, đứng ngoe nguẩy đuôi rồi quỳ xuống trước mặt Lý Mậu. Chàng ta bảo hai con sư tử đến xin lỗi vua. Chúng đến bên vua, nằm ngửa ra, chắp hai chân trước vái vái mấy cái. Vua được thoát hiểm, lại thấy oai lực của Lý Mậu đối với con thú dữ, càng thêm khâm phục tài năng tu luyện của chàng. Ðiều mà Lý Mậu ít khi chối từ mỗi khi vua yêu cầu là cho soi “kính hiện nguyên hình”. Vua thiết tha mong muốn có được một tấm kính như vậy, nhưng Lý Mậu bảo rằng cần phải tu luyện, dày công mới có thể tạo được cái loại kính ấy. Trong khi vua chưa có thể tự mình chế ra được vì sự tu luyện còn non, thì tạm thời Lý Mậu cho ngài mượn cái kính của mình; nhưng mỗi khi vua muốn soi vào người nào, vật gì thì phải có Lý Mậu đứng ở bên cạnh, bắt ấn và niệm chú trước; nếu không thi vua không thấy gì khác lạ cả. Các quan triều thần, nhất là các quan thuộc phe của Thừa tướng Hoàng Cái đều bị vua soi cả; và mỗi lần soi như thế, vua ngao ngán thấy hiện lên trong kính hình một con khỉ, một con heo, một con dê hay môt con ngựa …

Có một hôm vua không thể giữ được bí mật, nói thật sự trần truồng ấy cho Thừa tướng Hoàng Cái rõ. Hoàng Cái giận lắm, nhất định không tin, đòi cho mình được xem tận mắt sự thật ấy. Vua nài nỉ mãi, Lý Mậu mới chịu để cho Hoàng Cái nhìn vào kính. Hoàng Cái chăm chú nhìn qua cái vòng tròn bằng sắt có những cái giải lụa ngũ sắc vấn ở chung quanh nhưng không thấy gì khác hơn là bộ mặt quen thuộc hằng ngày của các đình thần, mặc dù bên tai mình tiếng Lý Mậu niệm chú mỗi lúc mỗi nghe rõ. Hoàng Cái bỗng phát cười, cười ngất, cười rũ rượi. Vua và Lý Mậu ngạc nhiên nhìn sững Thừa tướng, e ngại … Vua hỏi:

– Thừa tướng nhìn thấy gì mà khoái trá dữ vậy?

– Tâu Hoàng Thượng, thần không thể nói ra được.

– Vì sao?

– Tâu, vì sợ lậu thiên cơ.

Vua xây lại phía Lý Mậu, hỏi:

– Có thể nói ra mà không lậu thiên cơ không?

Lý Mậu suy nghĩ một hồi, rồi trả lời:

– Nếu nói cho thần nghe một mình thì không lậu thiên cơ.

Hoàng Cái cãi:

– Nói cho đạo sĩ, thì tưởng không cần thiết, vì đạo sĩ có thiên nhãn thông, chắc đã thấy rồi. Nếu có cần nói thì nói cho Hoàng Thượng biết mà thôi. Thần tưởng nếu Hoàng Thượng không nói lại cho ai biết thì chắc cũng không lậu thiên cơ.

Vua Ðột Quyết hứa sẽ hoàn toàn giữ bí mật, và nghiêng tai về phía Hoàng Cái. Hoàng Cái nói nhỏ vào tai vua, nhưng Lý Mậu cũng lắng nghe được:

– Tâu Hoàng Thượng, thần nhìn qua tấm kính, soi tất cả đình thần nhưng nhìn ở đâu cũng chỉ thấy một con khỉ đột, mà mặt mày lại giống in hệt đạo sĩ.

Lý Mậu tức giận xám mặt, bỏ cái kính hiện nguyên hình vào đãy, xô ghế đứng dậy. Vua vừa tức giận Hoàng Cái, vừa lo sợ Lý Mậu giận bỏ về núi, truyền lịnh bãi chầu.

Quả nhiên Lý Mậu truyền đệ tử sắp đặt trở về núi Bảo Trúc thật! Vua được tin vô cùng bối rối, sang tư dinh Lý Mậu, năn nỉ đạo sĩ ở lại. Lý Mậu bảo rằng: trước một sự nhục mạ như vậy, mình không thể hành đạo được nữa. Vua hứa sẽ cất chức Thừa tướng Hoàng Cái và giao phó chức ấy cho Lý Bá, đạo sĩ Lý Mậu mới chịu ở lại.

Vua thực hành theo đúng lời hứa của mình. Từ đấy Hoàng Cái chỉ giữ chức Binh Bộ đại thần, còn chức Thừa tướng thì Lý Bá đảm nhiệm. Và cũng từ ngày ấy, sự hiềm khích giữa hai nhóm Lý Mậu và Hoàng Cái lại càng quyết liệt và chờ ngày bùng nổ.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 9 : ÐẠO SĨ LÝ MẬU CHỮA BỆNH ÐIÊN CHO THỨ PHI HOÀNG HOA

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Trong khi Lý Bá đi triệu thỉnh vị đạo sĩ ở núi Trúc Bảo chưa về, thì kinh đô dân chúng đều nhôn nhao bàn tán về tin đồn một vị thánh nhân vừa xuất thế. Nhiều điềm lạ làm cho mọi người đều chú ý: trên vỏ nhiều trái cây như ổi, xoài, bầu bí, đều hiện rõ mấy chữ: “Mừng thánh nhân ra đời”. Ngay đầu những con cá lóc người ta mua ở chợ mang về làm thịt, cũng có thấy hiện mấy chữ ấy. Trong triều, từ vua đến quan lớn quan nhỏ, đều chăm chú theo dõi những hiện tượng trên với một tâm trạng khắc khoải chờ mong.
Trong khi ấy bà thứ phi Hoàng Hoa trong Tây cung càng điên thêm và đập phá thêm đồ đạc.
Một tuần sau, có tin Lý Bá đã triệu thỉnh được đạo sĩ ấy về đến triều đình. Từ sáng sớm hôm ấy, chợ không nhóm, dân chúng nghỉ việc để đứng hai bên đường đợi xem đám rước đạo sĩ mà ai cũng nghĩ rằng đó là thánh nhân. Trong triều vua quan cũng sốt ruột ngồi chờ đón đạo sĩ.
Ðến gần trưa, đám rước mới xuất hiện ở cửa Tây cung hoàng thành. Thực là một quang cảnh kỳ lạ mà dân chúng kinh đô chưa từng thấy trong các đám rước.
Ði đầu là một đàn khỉ mặc áo xanh quần đỏ, bịt khăn chữ nhất, mỗi con dẫn một người, hai tay bị trói và cổ bị xiềng trong một cái gông lớn; một sợi dây xích một đầu buộc vào gông và đầu kia bọn khỉ nắm, dẫn đi.
Tiếp theo là một bọn đàn bà mặc đồ võ, nai nịt gọn ghẽ, gươm giáo sáng ngời, lông mày vẽ lưỡi mác xếch ngược lên thấu đỉnh trán và có râu mép. Mỗi người cỡi một con thú dữ, như cọp, beo, sư tử, gấu, nhiều nhất là gấu, và tuyệt nhiên không có một con hươu nai, trâu ngựa … Nhưng con thú dữ nào cũng trông vẻ mặt hiền lành, ngoan ngoãn hơn ngựa trâu.
Rồi đến những chàng thư sinh gầy ốm, đầu chít khăn vành, mặc yếm trên ngực mỗi người đều mang nhiều huy chương và một cái bảng lớn với hai chữ “võ tướng” mạ vàng.
Sau cùng là kiệu của đạo sĩ Lý Mậu do tám bà gánh; những người theo hầu hai bên kiệu, người đội khay trầu, kẻ đội tráp thuốc, kẻ phất quạt lông, kẻ che lọng, đều là phái nữ. Lẫn trong đám nữ tỳ ấy, chỉ có độc một mình đại thần Lý Bá là đàn ông. Ngài đi thụt lùi trước kiệu, cứ mỗi bước lại vái một cái. Ðạo sĩ ngồi trên kiệu hoa, dáng điệu rất uy nghi, đầu chít khăn điều, mặc áo trắng sọc xanh, mang một chiếc hia vàng, một chiếc hia đen, một chân đạp  lên hình mặt trăng, một chân đạo lên hình mặt trời, ở giữa hai bàn chân là hình âm dương. Ngài nhắm lim dim đôi mắt, miệng lâm râm niệm chú, một tay bắt ấn, một tay nắm một vòng tròn mà người ta thì thầm bảo nhau đó là “tấm kính chiếu nguyên hình”, mặc dù không trông thấy kính gì cả. Ngài đang lim dim bỗng mở to đôi mắt nhìn hai bên đường, thấy dân chúng há miệng ngơ ngác nhìn mình, liền tỏ vẻ khó chịu, vẫy tay gọi một bà đến thì thầm mấy tiếng. Bà này hốt hoảng chạy đến bên Lý Bá, cũng thì thầm mấy tiếng. Lý Bá như sực nhớ điều gì, nhìn dân chúng hai bên đường, nói có vẻ gắt:
– Thánh nhân xuất hiện, sao không hoan hô mà đứng ngây ra nhìn thế?
Thế là những tiếng hoan hô “Chào mừng thánh nhân ra đời” vang dội hai bên đường và dân chúng sắp thành hàng ngũ đi hộ tống theo sau kiệu.
Ðám rước đi thẳng vào hoàng cung, dừng lại trước sân rồng và sắp thành hai hàng trước đền vua. Ðạo sĩ xuống kiệu, bước lên điện và cúi mình vái chào vua Ðột Quyết. Ngài ra hiệu cho đạo sĩ ngồi xuống ghế bên phía hữu mình. Sau những lời chào hỏi thường lệ, vua chỉ vào đám người tháp tùng, hỏi đạo sĩ:
– Trẫm cũng đã chứng kiến nhiều đám rước, nhưng chưa thấy đám rước nào lạ lùng như đám rước của đạo sĩ. Chẳng hay những hình thức và phục sức của những người trong đám rước có một ý nghĩa gì chăng?
Ðạo sĩ trả lời rất tinh:
– Tâu Hoàng Thượng, bần đạo chẳng thấy gì là lạ lùng cả. Có lẽ Hoàng Thượng chỉ quen nhìn bề ngoài của cuộc đời, của sự vật, nên thấy cái lối sắp đặt và trang phục đoàn tùy tùng của bần đạo có vẻ khác thường. Nhưng nếu Hoàng Thượng có dịp nhìn được bản chất bên trong của cuộc đời, của sự sống hiện tại thì Hoàng Thượng sẽ thấy hiện tượng của đoàn tùy tùng là phản ảnh trung thực bề trong của sự vật, và khi ấy Hoàng Thượng sẽ không cho là lạ lùng lỳ dị nữa.
Vua Ðột Quyết tò mò hỏi tiếp:
– Làm sao có thể thấy được bề trong của cuộc đời và sự vật.
– Tâu, đó là kết quả của công phu tu luyện của bần đạo trên ba mươi năm trời tại núi Bảo Trúc.
Vua tỏ vẻ nghi ngờ:
– Nhưng thấy như vậy có đúng không?
Chỉ một mình khanh thấy thì làm sao có thể bảo đảm được đó là sự thật?
Ðạo sĩ Lý Mậu nhìn vua, mỉm cười có vẻ bí mật và nói:
– Tâu, nếu Hoàng Thượng muốn thì bần đạo sẽ làm cho Hoàng Thượng thấy rõ sự thật ấy.
Vua vội vã hỏi:
– Làm sao thấy được? Khanh làm thế nào cho trẫm thấy đi.
– Hoàng Thượng sẽ được toại nguyện.
– Nói xong, đạo sĩ bắt ấn, niệm chú, rồi nâng tấm “kính chiếu nguyên hình” lên. Ðạo sĩ đưa trước mặt vua Ðột Quyết rồi nói nhỏ bên tai vua:
Hoàng Thượng hãy nhìn một lượt tất cả bá quan văn võ trong triều qua tấm kính này rồi sẽ hiểu ngay ý nghĩa của đoàn khỉ dẫn người trong đám rước của bần đạo.
Vua nhìn vào tấm kính và đạo sĩ Lý Mậu từ từ đưa tấm kính từ phía hữu sang phía tả, trước mặt triều thần. Vua nhìn xong, ngẩn ngơ một lúc rồi hỏi đạo sĩ:
– Thế ra họ có ít nhân tánh đến thế sao?
– Tâu, họ có xu hướng trở về với thủy tổ loài người.
Vua lại hỏi:
– Còn đàn bà lại có râu và cỡi thú dữ thế là nghĩa làm sao?
– Tâu, Hoàng Thượng hãy soi tấm kính này vào các cung phi mỹ nữ đứng hầu sau lưng Hoàng Thượng thì sẽ hiểu ngay.
Vua lại xây lưng nhìn ra phía sau, qua tấm kính. Nhìn xong, ngài thất sắc, hỏi đạo sĩ:
– Âm thịnh đến thế sao?
Ðạo sĩ trả lời, có vẻ hóm hỉnh:
– Bần đạo tưởng rằng Hoàng Thượng cũng đã nhận thấy điều ấy từ lâu …
Vua có vẻ áy náy khó chịu về câu trả lời có vẻ phạm thượng của đạo sĩ. Ngài trả tấm kính lại cho Lý Mậu. Ðạo sĩ hỏi:
– Hoàng Thượng không muốn nhìn thêm sự thật nữa chăng?
– Không! Nhìn thêm trẫm sẽ không còn thấy hứng thú làm vua, trị vì thiên hạ nữa.
Ðạo sĩ lấy tấm kính bỏ vào đãy rồi tâu:
– Tâu Hoàng Thượng, chẳng hay Hoàng Thượng cho vời bần đạo đến đây có dụng ý gì, xin cho bần đạo được tường.
– Trẫm muốn đạo sĩ dùng phép thuật của mình để chữa trị cho thứ phi đang mắc bịnh loạn trí, có lẽ thứ phi bị ma quỷ hành.
Lý Bá nãy giờ đứng im lặng bên cạnh đạo sĩ, tiến ra tâu:
– Tâu Hoàng Thượng, đạo sĩ từ núi Bảo Trúc về đây, đường sá xa xôi cách trở, đã đi liên tiếp trong mấy ngày, thật là vất vả. Nay về đến triều, xin để đạo sĩ được ngơi nghỉ vài hôm cho khỏe khoắn trong người, rồi hãy chữa trị. Thần sẽ xin cán đáng mọi việc ăn ở, nghỉ ngơi của đạo sĩ và đoàn tùy tùng cho được chu đáo.
Vua bằng lòng giao phó mọi việc tiếp đãi đạo sĩ cho Lý Bá đảm trách và truyền cho đạo sĩ được nghỉ ngơi vài hôm trước khi vào cung chữa bịnh cho thứ phi Hoàng Hoa.

Không hiểu nhờ pháp thuật cao cường như thế nào, mà hai hôm sau, khi đạo sĩ và nhà vua đi đến Tây cung, thì thứ phi Hoàng Hoa tỏ ra vô cùng ngoan ngoãn và lễ độ. Nàng đã cúi xuống lạy vua và đạo sĩ, và xin ăn năn hối cải lỗi lầm đã xúc phạm đến mình rồng.
Nhất là nàng tỏ ra vô cùng sợ hãi trước những lời phán bảo của đạo sĩ. Ðạo sĩ nói với thứ phi, nhưng nghe như nói với một người nào khác:
– Từ nay ngươi không đưọc làm loạn ở trong Tây cung, cũng như ở các cung điện khác nữa, nghe chưa!
Thứ phi ngoan ngoãn vâng dạ.Ðạo sĩ lại tiếp:
– Ta biết ngươi oan ức; nộ khí xung thiên, ngươi có thể đốt cháy tất cả hoàng thành cung điện này được. Nhưng từ nay đã có ta. Ta cấm ngươi hoành hành như vậy. Ngươi hãy bỏ ngay ý định ám hại Hoàng Thượng, khuấy phá các cung phi, nghe chưa?
Thứ phi vái lạy xin chừa.
– Ta sẽ tâu với Hoàng Thượng làm cho ngươi môt cái miếu ở sau hoàng cung, đêm ngày sẽ có người hương khói. Nhưng ngươi không được rời khỏi nơi ấy đi khuấy phá hoàng cung nữa, nghe chưa?
Thứ phi lại ngoan ngoãn vâng vâng dạ dạ.
Vua Ðột Quyết ngạc nhiên hỏi đạo sĩ:
– Khanh nói chuyện với ai vậy? Sao lại bảo là sẽ làm miếu thờ Thứ phi? Thứ phi còn sống sờ sờ đấy mà.
Ðại sĩ nói có vẻ bí mật:
– Hoàng Thượng hãy nhìn vào tấm kính chiếu nguyên hình này, tức sẽ biết bần đạo đang nói chuyện với ai. Người này chắc không xa lạ đối với Hoàng Thượng.
Vua nhìn vào tấm kính, bỗng giựt mình kinh hãi, sắc mặt tái xanh. Cũng trong lúc ấy, Thứ phi quằn quại than khóc. Vua nói giọng xúc động:
– Trẫm xin lỗi khanh. Trẫm ăn năn hối hận từ ngày ấy đến nay. Nhưng trẫm không biết làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm. Người một khi đã chết rồi thì biết làm sao cho sống lại được? Nhưng chắc khanh cũng đã hiểu cho lòng trẫm, khi trẫm đã ra lệnh tha tội chết cho con khanh là Thạnh Bảo, và cho trở về làm dân dã. Một ngày kia, sau khi tội dấy loạn của Thạnh Bảo được nguôi quên trong lòng người, trẫm sẽ phục hồi chức tước cho nó. Từ nay, trẫm sẽ theo lời đạo sĩ truyền dựng cho ngươi một ngôi miếu thật lớn tại hoàng cung, và khắc một tấm bia, với những chữ vàng: “Thanh Phong Ðề Ðốc Ðại Thần”.
Thứ phi Hoàng Hoa gục đầu lạy tạ vua.
Ðạo sĩ rút giải lụa đỏ trong đãy ra bắt ấn, niệm chú, rồi vừa rũ giải luạ nghe một tiếng “đét”, vừa giậm chân nạt lớn: xuất”! Thứ phi bỗng té xuống, bất tỉnh và được bọn cung nữa dìu đặt lên giường. Trong khi ấy các bà đệ tử của đạo sĩ đốt đuốc chạy ra cửa, như đang đuổi theo một bóng ma qủy, vừa chạy vừa hò reo inh ỏi … Họ đuổi bóng ma qủy ra đến tận bờ thành hoàng cung, và đóng xuống đấy một cái đinh sắt lớn.
Vua và đạo sĩ rời Tây cung trở về chánh điện. Trong khi đi giữa đường, vua đột ngột hỏi đạo sĩ:
– Ðạo sĩ có biết vì sao thứ phi Hoàng Hoa lại đập phá tất cả những đồ đạc, chén bát có khắc bài học ngàn vàng chăng?
– Tâu, Thứ phi đâu có đập phá? Ðó là quan Ðề Ðốc Thanh Phong đấy chứ!
– Tại sao Ðề Ðốc lại làm như vậy!
– Tâu, quan Ðề Ðốc oán bài học ngàn vàng. Chính vì bài học ấy mà ông ta chết.
Ðạo sĩ yên lặng một phút, rồi lại cất tiếng nói tiếp:
– … Vả lại, bài học đâu có đáng giá gì mà trọng vọng quá thế?
Vua ngạc nhiên nhìn đạo sĩ, hỏi lại như không tin hai lỗ tai mình:
– Ðạo sĩ nói gì? Bài học không đáng giá gì cả à?
– Tâu, Hoàng Thượng tha tội cho tánh thẳng thắn của bần đạo, bần đạo mới dám nói hết ý nghĩ của bần đạo.
– Ðạo sĩ cứ nói đi!
Ðạo sĩ Lý Mậu do dự một chốc rồi chậm rãi nói:
– Tâu Hoàng Thượng, bài học mà Hoàng Thượng đã mua của Ông già với một giá quá đắt như vậy, thực ra chỉ để răn dạy kẻ thường dân vô học, bọn con nít thì được, chứ không xứng đáng để cho một vị đại vương như Hoàng Thượng dùng làm khuôn vàng thước ngọc, lại càng không xứng đáng được đem ra làm một quốc sách, được ghi khắc trên các đồ đạc vật dụng trong triều.
Vua Ðột Quyết bị chạm tự ái, hỏi gắt:
– Ðạo sĩ tu luyện theo môn phái nào? Ðạo sĩ có tin ở “luật nhân quả không?
– Tâu, bần đạo tu luyện theo phép tắc riêng của bần đạo, chứ không theo một môn phái sẵn có nào. Ðối với sức tu luyện của bần đạo, thì “luật nhân quả không có tác dụng gì nữa. Bần đạo có thể gieo giống này mà gặt quả khác. Bần đạo có thể biến nước thành lửa, hóa đá thành cơm, hô phong hoán vũ theo ý muốn.
– Trẫm có thể tin lời đạo sĩ được chăng?
– Tâu, Hoàng Thượng sẽ có dịp được thấy tận mắt những điều ấy.
Nói xong, Lý Mậu vái chào vua và trở về công quán cùng đoàn tùy tùng.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

« Về Lại Trang TrướcXem Tiếp Trang Sau »