" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 8 : THỨ PHI HOÀNG HOA NỔI ÐIÊN ÐẬP PHÁ TẤT CẢ NHỮNG ÐỒ ÐẠC CÓ GHI KHẮC BÀI HỌC NGÀN VÀNG

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Thứ phi Hoàng Hoa nhuốm bịnh vì đã quá lo lắng, sợ hãi. Sau hôm quan Thái giám đến gõ cửa ở Tây cung, nàng đã thao thức suốt đêm và lên cơn sốt nặng. Nàng mê sảng, nhìn đâu cũng thấy mấy chữ “hậu quả, hậu quả” nhảy múa, reo hò trước mặt mình, chung quanh mình. Những tiếng reo hò ấy làm cho vua Ðột Quyết nghe đưọc, khám phá ra tội lỗi của nàng và thiết trào ngay tại Tây cung để xử tội nàng. Nàng bị xử treo cổ trong chợ Kinh đô và Lý Bá bị xử trảm trước võ trường. Khi sợi dây thòng lọng bắt đầu siết cổ nàng, nàng kinh hoàng thét lên và tỉnh dậy.

Từ hôm đó, nàng sốt liên miên và nói mê sảng: “Xin đừng giết tôi! Xin đừng giết tôi!”.

Cung nữ tín cẩn không dám tâu cho vua Ðột Quyết biết, nhưng mật báo cho Lý Bá hay. Hai hôm sau Lý Bá theo đường hầm đến thăm nàng trong đêm khuya. Nhìn thấy Lý Bá, nàng tỉnh lại, sùi sụt khóc và van xin người cứu thoát mình ra khỏi đường cùng.

Lý Bá an ủi nàng và hứa sẽ tìm phương cứu nàng. Chàng nghĩ nếu không còn cách nào, thì sẽ đem nàng cùng tẩu thoát qua ngã hầm bí mật. Nhưng giải pháp ấy là một giải pháp hạ sách, bất đắc dĩ mới phải dùng đến.

Là một người nhiều tham vọng, đầu óc chàng đang dự tính một kế hoạch lớn lao thâm độc hơn. Chàng tự bảo: “Có nhiều khi rủi mà thành may. Chuyện đời không biết đâu mà lường trước được. Miễn là khôn khéo và dám làm”. Sau hôm được Hoàng Hoa cho biết nàng đã thụ thai hai tháng, Lý Bá ban đầu không khỏi giựt mình kinh hãi, nhưng sau đó, khi về tư thất, chàng nghĩ đến một âm mưu rất táo bạo. Nguyên là biết vua Ðột Quyết đang sủng ái một bà phi, mới được tuyển vào cung và nàng này cũng đang có thai vài tháng. Lý Bá dự tính sẽ mượn người thân tín trong cung chờ lúc này sinh nở thì sẽ đem con của Hoàng Hoa sang tráo và thủ tiêu hài nhi của nàng phi kia. Như thế vừa phi tang sự gian dối giữa chàng và Hoàng Hoa, vừa gây dựng cơ nghiệp cho con của chính mình sau này. Chàng mong ước nếu đó là một đứa con trai, thì chàng sẽ vận động cho nó kế nghiệp đế vương sau này. Chàng lại tự bảo: “Miễn là khôn khéo và dám làm thì mọi việc rồi sẽ chiều theo ý muốn của mình”.

Nhưng mặc dù khôn khéo và thông minh, chàng không nghĩ đến sự lâm bệnh của Hoàng Hoa. Bệnh mê sảng của nàng có thể làm hỏng âm mưu của chàng. Cho nên chàng lại phải trù nghĩ thế nào để cho các quan ngự y đừng đến chữa bệnh cho nàng, vì nếu họ đến khám bệnh, thì sẽ biết ngay là nàng có thai, và mọi sự sẽ bại lộ.

Cũng may là lúc Lý Bá đến thăm thì Hoàng Hoa lại hết mê sảng. Có lẽ bệnh của nàng là một thứ bệnh thần kinh, vì lo sợ quá mà phát ra. Và nếu đã là một bệnh tinh thần, thì phải dùng tinh thần mà chữa. Nghĩ vậy, nên chàng dùng lời lẽ hết sức cả quyết để trấn an nàng, cam đoan với nàng thế nào nàng cũng sẽ được chàng bảo vệ, và đưa nàng ra khỏi ngõ bí hiện tại. Hoàng Hoa không rõ Lý Bá sẽ làm thế nào để cứu mình, nhưng nghe những lời khẳng khái của Lý Bá, nàng cũng đỡ lo một đôi phần.

Nhưng sau khi Lý Bá ra về, bệnh mê sảng của nàng lại trở lại. Những chữ “hậu quả, hậu quả” lại nhảy múa, reo hò chạy tung tăng khắp nhà. Rồi không phải những chữ ấy, mà chính đồ đạc, chén bát ly tách có ghi khắc bài học ngàn vàng đều động đậy, lắc lư, nhảy múa. Chúng như một bầy con nít mặc áo đỏ, áo xanh, áo vàng, áo trắng … mang trước ngực một tấm bảng có ghi khắc bài học ngàn vàng, và nắm tay nhau làm thành nhiều vòng tròn chạy quanh nàng, vòng chạy ngược, vòng chạy xuôi làm nàng chóng mặt. Nàng tức giận đứng dậy thét bảo chúng đứng lại, nhưng chúng không để ý đến sự giận dữ của nàng, vẫn cứ vừa chạy nhảy reo hò. Nàng tức giận quá, trở đầu chiếc quạt đập mạnh vào đầu chúng, mỗi đứa mỗi cái. Thế là chén bát, ly tách vỡ tan tành, rơi loảng choảng xuống nền đá hoa. Tiếng ly tách chén bát vỡ làm nàng hồi tỉnh, giương đôi mắt kinh hãi nhìn! … Bọn cung nữ cũng chạy vào, và rất đỗi lo sợ trước quang cảnh đổ nát của đồ đạc, chén bát trong phòng. Chúng tự bảo, nếu Hoàng Thượng biết được, thứ phi đã dám cả gan đập vỡ tất cả đồ đạc có ghi khắc bài học, thì chắc chắn ngài sẽ không tha thứ được tội phạm thượng của thứ phi, đã dám chống lại quyết nghị của vua, được xem như là một quốc sách. Cung nữ đang lúng túng chưa biết phải làm gì, thì quan Thái giám đã đứng sừng sững trước mặt. Ông nhìn quanh, quan sát một hồi rồi lặng lẽ đi ra. Thứ phi và cung nữ nhìn theo, rồi nhìn nhau lo lắng …

Sáng hôm sau, vua Ðột Quyết và một số đình thần, trong đó có thừa tướng Hoàng Cái và đại thần Lý Bá, đi vào Tây cung. Mọi người đều im lặng, mỗi người theo đuổi một ý ghĩ riêng và không ai buồn nhìn đến bọn cung nữ đang phủ phục hai bên lối vào phòng thứ phi Hoàng Hoa.

Khi vua và đình thần vào phòng, Hoàng Hoa vẫn ngồi yên trên ghế tràng kỷ và phe phẩy chiếc quạt hoa. Nàng cười mai mỉa:

– Các ngươi hôm nay đến thăm ta đó chăng? Ta cám ơn nhé! Hãy kiếm ghế mà ngồi chơi.

Thừa tướng Hoàng Cái nói giọng gay gắt:

– Tội khi quân đến thế là cùng tột!

Lý bá chống chế:

– Ai lại chấp trách một người loạn trí?

Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:

– Có loạn trí thật không?

– Tâu, cứ nhìn cử chỉ và nhất là đôi mắt thất thần là biết ngay.

Trong khi vua quan đang bàn tán, thì Hoàng Hoa lại cất tiếng dõng dạc như phán bảo:

– Ta đã đập bể tất cả đồ đạc, chén bát có ghi khắc bài học tồi tệ kia hết rồi. Các ngươi hãy bảo đem các thứ đồ đạc khác cho ta dùng, nhưng nhớ đừng ghi khắc bài học kia vào nữa, ta không thích đâu nhé!

Vài ba tiếng cười khúc khích không kiềm chế nổi phía sau vua. Hoàng Cái lại gay gắt phê bình:

– Ðiên mà ăn nói không ngoan bằng mười tỉnh táo.

Lý Bá lại nói, nửa đùa nửa thực:

– Người điên có thể là rất khờ dại, mà cũng có thể rất khôn ngoan.

Vua phán:

– Ðiên mà khờ khạo thì đáng tha thứ, nhưng điên mà khôn ngoan hơn người thường thật nguy hiểm, phải trị …

Lý Bá vội vã tiếp lời vua:

– Tâu, phải chữa trị thì đúng hơn.

Vua Ðột Quyết xoay lại hỏi Lý Bá:

– Khanh bảo chữa trị như thế nào?

Lý Bá như mở cờ trong bụng, tâu:

– Tâu, thần nghe đồn ở núi Bảo Trúc có đạo sĩ chữa bệnh điên hay lắm. Nếu bệ hạ muốn thử tài đạo sĩ ấy thì thần xin phụng mạng đi rước về.

Vua Ðột Quyết quay lại hỏi các triều thần:

– Các khanh nghĩ thế nào? Có nên mời đạo sĩ ấy không?

Hoàng Cái ngăn:

– Tâu Hoàng Thượng, nếu quả thật mắc bệnh dù là bệnh điên, thì nên chữa bằng y dược, và triều đình ta không thiếu gì lương y có tài. Còn đạo sĩ hay phù thủy thì chỉ chữa tà ma, thần tưởng không nên rước về đây làm gì.

Nhưng các đại thần khác, có khuynh hướng mê tín dị đoan, khi nghe có một đạo sĩ có tài xuất hiện thì rất mong muốn được biết tài năng ra sao, nên đều phụ họa theo với Lý Bá. Họ tâu:

– Bệnh điên có thể do nhiều nguyên nhân, có thứ điên do hỏa bốc trong tạng phủ lên đầu óc; nhưng cũng có thứ điên do ma qủy nhập vào. Lệnh bà là người bình thường khỏea mạnh, nay bỗng nhiên mất trí, thì đó có lẽ do ma quỷ khuấy rầy. Nếu có đạo sĩ có tài chữa trị, thì cũng không nên câu nệ.

Thế là vua đồng ý giao phó cho Lý Bá đi mời đạo sĩ ở núi Bảo Trúc về trào.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

BÀI HỌC NGÀN VÀNG – CHƯƠNG 7 : THỨ PHI HOÀNG HOA TƯ THÔNG VỚI ÐẠI THẦN LÝ BÁ

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Trống trên vọng gác hoàng thành đã sang canh ba. Vạn vật chìm dần trong yên tĩnh. Ðèn đuốc trong các cung điện đã tắt bớt. Tiếng đàn địch im dần, nhường lại tiếng dế, tiếng côn trùng dưới nội cỏ, lùm cây.

Cung điện của Thứ phi Hoàng Hoa cũng được ấp ủ trong bóng đêm mờ ảo và giấc ngủ êm lành. Nhưng đó nhìn ở bên ngoài. Chứ bên trong, sau những cánh cửa lim đen bóng, sau những lớp màn gấm, rèm châu, ánh đèn bạch lạp vẫn còn rực sáng, các vò rượu cúc vẫn còn đầy nguyên, và các dĩa cao lương mỹ bị vẫn còn chưa ai động đũa đến.

Thứ phi Hoàng Hoa trong phục sức lộng lẫy, đi lui đi tới trong phòng, có vẻ sốt ruột trông chờ! … Nàng gõ chiếc quạt the vào miệng bình thủy tinh mấy cái, liền có một cung nữ vòng tay hiện ra sau bức màn. Nàng cất tiếng hỏi:

– Sao đến giờ này, mà quan đại thần Lý Bá vẫn chưa đến? Ngươi có thưa rõ với đại thần là ta cần gặp ngài gấp lắm không?

– Thưa lệnh bà, con đã thưa rõ, nhưng quan đại thần bảo thế nào cũng phải đầu canh ba mới đến được.

– Ngươi có nghe trống đã sang canh ba lâu rồi chăng?

Thứ phi Hoàng Hoa dịu giọng bảo:

– Thôi cho ngươi lui ra.

Cung nữ lặng lẽ cúi mình lùi lại sau màn gấm.

Liền khi ấy, có ba tiếng gõ nhẹ nhưng rất rõ sau bức đố. Thứ phi Hoàng Hoa vội vã đến nhận một cái chốt gỗ trong góc phòng, và giữa tấm đố, một cánh cửa từ từ mở ra. Hoàng Hoa bước ra ngóng trông …Thấy quan đại thần Lý Bá vừa đến. Hai ngươi bước vào và khép cửa lại. Thứ phi ngước mắt nhìn Lý Bá và nói:

– Sao bắt thiếp phải chờ sốt cả ruột thế?

Lý Bá nói:

– Phải đợi sang canh ba mới dám ra đi.

– Vì sao?

– Vì sợ có người rình ngó.

Hoàng Hoa vội vã hỏi có vẻ lo sợ:

– Sao, ai rình ngó? Có gì bại lộ chăng?

Lý Bá ngồi xuống ghế, trước bàn đầy rượu và thức ăn, chậm rãi trả lời:

– Chưa có gì rõ ràng, nhưng phải đề phòng lão Hoàng Cái, hình như lão đang cho người rình mò đấy.

Hoàng Hoa có vẻ hốt hoảng, mấp máy đôi môi:

– Sao, Hoàng Cái biết à!

Lý Bá nói để trấn an Hoàng Hoa:

– Chưa có gì rõ ràng. Có lẽ nó chỉ nghi ngờ mà thôi.

– Nghi cũng đủ nguy rồi! làm sao bây giờ?

Lý Bá trấn an:

– Chúng ta phải đề phòng thôi, nhưng không có gì phải sợ cuống lên như thế!

Nàng ngước mắt nhìn Lý Bá và nói:

– Chàng làm thế nào để bảo vệ thiếp?

Thiếp bị giam hãm trong cung cấm này. Và một ngày tánh mạng thiếp như bị treo trên đầu sợi chỉ. Thiếp như đang ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên. Mỗi khi nghe dộng tĩnh là thiếp phát hoảng lên …

Nàng ngập ngừng, rồi yên lặng, và nước mắt chảy dài trên gò má nhợt nhạt.

Lý Bá giục:

– Nói tiếp đi! Nàng muốn cho ta biết chuyện gì nữa?

Nàng mấp máy đôi môi, nói qua tiếng thở:

– Thiếp … thiếp đã có thai!

Thực là một tiếng sét ngang tai! Lý Bá thấy đầu mình choáng váng. Chàng tự nói thầm:

Thật là đại nguy biến!

Chàng đã dự tính, nhưng không ngờ các dự tính đều bị thực tế vượt quá xa. Chàng tưởng mình có thể sắp đặt được mọi việc, không ngờ mọi việc cứ theo cái đà tiến triển tự nhiên của nó với tốc độ gia tăng và chàng cứ phải chạy theo mà vẫn không kịp. Chàng bắt đầu nhận rõ cái nguy hiểm của sự liều lĩnh của mình. Chàng cứ tưởng rằng việc của chàng làm sẽ không có thể bị bại lộ được, vì chàng đã sắp đặt và che giấu một cách vô cùng kín đáo. Trước tiên, chàng đã vận động để vua Ðột Quyết tin cậy mình và bổ nhiệm chàng vào chức Tổng quản đại thần là chức vụ giám sát tất cả cung điện và được quyền tự do ra vào các nơi cung cấm. Nhưng để hoàn toàn bí mật sự tiếp xúc thường xuyên giữa mình và Thứ phi Hoàng Hoa, chàng đã truyền lệnh cho người thân tín làm một đường hầm riêng để đi thẳng vào Tây cung là nơi Hoàng Hoa đang ở, mà quan quân canh gác không thể thấy được.

Thấy Lý Bá trầm ngâm suy nghĩ, Hoàng Hoa lại càng thêm sốt ruột. Nàng gịuc:

– Sao chàng lại ngồi thừ ngưòi ra thế? Không lẽ đành bó tay ngồi chờ chết hay sao?

– Tất nhiên là phải tìm cách đối phó và phải gấp rút thoát ra khỏi ngõ bí này.

– Làm sao thoát được? Chàng thì may ra có thể thoát được, chứ còn thiếp thì một khi đã vào đây, là chẳng khác gì đi vào nhà mồ, một nhà mồ cao sang, lộng lẫy hơn những nhà mồ khác, nhưng dù sao cũng vẫn là nhà mồ, không trông gì thoát ra được.

Hoàng Hoa nói xong, gục đầu xuống ghé sụt sùi rơi lệ … Lý Bá ngồi nhìn Hoàng Hoa khóc, ruột rối như tơ vò, nhưng không biết phải làm gì, nói gì để an ủi Hoàng Hoa. Bỗng có tiếng gõ cửa ở ngoài hiên.

Hoàng Hoa vụt đứng dậy. Lý Bá cũng đứng dậy theo. Hai người hốt hoảng nhìn nhau. Nàng vội chỉ tay về phía cửa sau, bảo Lý Bá thoát ra ngã ấy, và tắt bớt những ngọn bạch lạp ở trên bàn ăn. Sau khi chờ Lý Bá đã biến dạng qua cửa sau, nàng mới gõ chiết quạt vào miệng bình thủy tinh. Một cung nử hiện ra trước màn gấm, cúi đầu đợi lệnh. Hoàng Hoa hỏi:

– Ngươi có nghe tiếng ai gõ ngoài cửa không?

– Thưa lệnh bà có, nhưng con còn đợi lệnh bà có cho phép mở cửa hay không.

– Ngươi ra hỏi xem ai, và tại sao đang đêm khuya lại dám đến gõ cửa làm huyên náo như vậy?

Nàng cung nữ lui ra, một chốc trở vào, mặt biến sắc, tay chân luống cuống. Hoàng Hoa mất bình tĩnh, hỏi gấp:

– Ai vậy?

– Thưa … thưa quan Thái giám và một đội lính tuần phòng gươm giáo sáng ngời. Ngài bảo mở cửa cho ngài vào và đang đợi lệnh bà ở ngoài phòng.

Hoàng Hoa ra dấu cho cung nữ dẹp gấp chén bát trên bàn và tiến ra phòng ngoài.

Quan Thái giám đứng dậy vái chào Thứ phi và nói ngay lý do sự viếng thăm khuya khoắc của mình:

– Thưa lệnh bà, xin lệnh bà thứ lỗi, hạ thần đã đến khuấy phá sự yên nghỉ của lệnh bà trong đêm hôm. Nhưng thần vừa được mật tin cho biết …

Hoàng Hoa giật mình, vội hỏi:

– Mật tin gì?

– Thưa, mật tin cho biết một kẻ gian phi đêm đêm thường lãng vãng ở Hoàng cung. Bởi vậy, Thừa tướng Hoàng Cái truyền lệnh canh phòng cẩn mật và cho phép chúng tôi được quyền lục soát nơi nào khả nghi có quân gian ẩn núp.

Thứ phi cười gượng gạo:

– Vi thế đêm nay quan Thái giám đến lục soát Tây cung chăng?

– Thưa lệnh bà không hẳn như vậy. Nhưng thần nhơn đi ngang qua đây, lắng nghe như có tiếng thì thầm từ trong cung đưa ra, nên dừng lại và muốn biết xem tiếng thì thầm ấy do đâu mà có.

– Nếu thật có tiếng thì thầm, thì chắc đó là của bọn cung phi, chứ còn của ai nữa.

Quan Thái giám tỏ vẻ do dự, định giải thích thêm, nhưng rồi chỉ trả lời:

– Lệnh bà dạy đúng: có lẽ đó là tiếng thì thầm của bọn cung phi!

Nói xong quan Thái giám vái chào và quay ra.

Thứ phi Hoàng Hoa truyền cung nữ đóng cửa và vào phòng trong.

Nàng thay xiêm y và đặt mình xuống giường loan, nhưng trằn trọc suốt đêm không sao nhắm mắt được.

Mặc dù nằm trên nệm gấm, thứ phi có cảm tưởng như nằm trên chông gai và đầu óc nàng quay cuồng với trăm ngàn ý nghĩ ngổn ngang. Nàng không ngờ sự thế xoay chiều nhanh chóng đến thế. Mới ngày nào! … Ừ, mới ngày nào là một thiếu nữ tuyệt thế giai nhân, được tuyển vào cung làm thứ phi và được vua sủng ái. Chao ôi, những ngày vàng và đêm ngọc, những cuộc vui suốt sáng, những trận cười thâu đêm, những yến ẩm ca xang, những tiền hô hậu ủng … Thế rồi chẳng mấy chốc vua theo duyên mới, bỏ quên nàng trong cung lạnh một mình.

Những ngày dài trơ trọi, cô đơn và chờ đợi nối tiếp theo nhau … Năm này sang năm khác, nàng sống vò võ một mình giữa đám cung nữ thờ ơ, lặng lẽ. Vua như quên lãng sự hiện diện của nàng trong Tây cung. Một đôi khi, để làm cho quân vương nhớ lại, nàng truyền cho bọn cung nữ tổ chức linh đình một hội hoa đăng, và rước vua đến dự. Vua nể lòng nàng ngự đến, nhưng buổi yến chưa mãn, vua đã viện cớ mỏi mệt đứng dậy ra về. Sau những cuộc yến ẩm thất bại như vậy, Hoàng Hoa lại càng chán ngán, buồn tủi hơn bao giờ hết, từ đó, nàng biếng nói, biếng cười, biếng trang điểm, và thêm oán tức quân vương.

Nhưng một biến cố quan trọng xảy đến. Ðó là sự nổi loạn của Thạnh Bảo. vua Ðột Quyết phải bỏ cung điện ra đi. Hoàng Hoa tháp tùng theo và sống qua những ngày trôi nổi, lưu vong. Nhưng chính trong biến cố nguy nan ấy, nàng lại thấy cuộc đời bớt lạnh lẽo, cô quạnh. Cũng chính trong tai biến ấy mà nàng để ý đến một viên tướng tài, diện mạo khôi ngô, đó là Lý Bá.

Lý Bá lúc bấy giờ được vua giao phó nhiệm vụ phò giá hoàng gia. Do đó, chàng có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Hoàng Hoa … và mối tình vụng trộm nguy hiểm giũa hai người nẩy sanh từ đó.

Thế rồi Hoàng Cái khôi phục được ngôi vua, đuổi quân ngoại xâm ra khỏi nước, sắp đặt lại triều đình, nêu cao “Bài học ngàn vàng ” làm kim chỉ nam cho mọi hành động trong cung điện.

Từ ngày bài học ngàn vàng được ghi khắc trên các đồ đạc ở Tây cung, thứ phi Hoàng Hoa không khỏi thấy thắc mắc, do dự trong lòng. Nhưng vì lửa dục vọng quá mãnh liệt, nàng bất chấp tất cả, và lờ đi như không tháy mấy chữ: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“.

Nàng muốn nhắm mắt để khỏi thấy mấy chữ ấy; nhưng hậu quả việc làm bất chính của nàng mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ ràng và lớn dần với cái bào thai trong bụng nàng.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Bài học ngàn vàng – Chương 6: Quan ngự y và bài học ngàn vàng

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Quan ngự y Thái Hòa len lén đóng kín cửa phòng lại. Mặc dù các của phòng đều đóng kín cả rồi. Quan vẫn nhìn quanh nhìn quẩn xem có ai rình ngó mình ở đâu đó không. Bốn bề đều im lặng. Từ ngày vua Ðột Quyết đau nặng đã hơn hai tháng nay, trong cung điện không có tiếng đàn tiếng hát đã đành, mà tiếng cười tiếng nói cũng vắng bặt. Sự vắng lặng làm cho quan ngự y rờn rợn ! … Ba lần quan lần tay vào chéo áo, ba lần quan để chéo áo xuống. Thực ra viên độc dược chỉ nhỏ bằng hạt tiêu, khó cho ai có thể nhận ra được, nhưng khi người ta có gian ý thì một cử chỉ nhỏ nhặt, người ta cũng e ngại, giữ gìn. Nồi thuốc nấu từ sáng đến giờ đã sắp được. Chỉ cần lấy viên độc dược trong chén áo bỏ vào nồi nữa là xong. Nhưng cử chỉ nhỏ nhặt ấy mà khó khăn quá chừng! Có lẽ vì khó khăn như vậy nên vua Quý Lâm mới thuận trả giá cho quan ngự y bằng một nàng Công chúa đẹp và một nữa giang sơn nước Nhục Chi!

Nguyên là vua nước Quý Lâm, sau khi cho tướng Tùng Sơn đêm một trăm ngàn quân sang xâm chiếm nước Nhục Chi, bị hoàn toàn thất bại, nên nuôi chí phục thù, nhưng chưa có cơ hội. Nhân được tin thám báo cho biết vua Ðột Quyết đau nặng, vua Quý Lâm vô cùng mừng rỡ, hội tướng lãnh để bàn mưu đem quân sang đánh. Nhưng các tướng cẫn còn kỷ niệm đau thương của cuộc thất bại trước, nên tỏ vẻ e dè. Do đó, quan Tể tướng mới kiếm kế mua chuộc quan ngự y Thái Hòa bỏ thuốc độc cho vua Ðột Quyết chết rồi sẽ đem quân xâm chiếm sau. Quan Tể tướng cho người thân tín giả làm nhà buôn đem quế sang bán cho quan ngự y và đưa thư thuyết phục vị lương y được vua tín cẩn ấy. Thái Hòa ban đầu còn do dự, nhưng khi được sứ giả của quan Tể tướng đưa bức tranh vẽ chân dung của Công chúa nước Quý Lâm cho xem, thì không còn đủ nghị lực để từ chối. Cuối cùng quan ngự y đã nhận viên độc dược vô cùng mãnh liệt của sứ giả và hứa sẽ thi hành kế hoạch của quan Tể tướng nước Quý Lâm. Một tờ cam kết đã được thảo ra giữa hai người và mỗi người cất giử một bản để làm tin.

Sứ giả đã trở về, và quan ngự y vào cung chế thuốc như mọi ngày, chỉ khác là hôm nay có mang theo viên thuốc độc trong chén áo.

Có một lúc quan ngự y đã định ném viên thuốc qua cửa sổ cho mất tang tích, nhưng sực nhớ tờ cam kết đang còn trong tay viên sứ giả, nếu mình không thi hành, thì thế nào quan Tể tướng cũng trả thù bằng cách tiết lộ tờ cam kết ấy cho triều đình nước  Nhục Chi hay. Khi ấy đã mất vợ đẹp, mất nửa giang sơn gấm vóc, mà còn lại bị tru di cả ba họ vì tội mưu giết vua.

Nghĩ như vậy, quan ngự y cương quyết lần viên độc dược ở trong chén áo ra, lanh lẹ dỡ nắp nồi thuốc bỏ vào. Chỉ một cử chỉ nhỏ nhặt như vậy thôi mà nãy giờ cứ do dự chần chừ mãi!

Quan thấy nhẹ nhõm trong người, đứng dậy ra mở cửa, và đi qua đi lại trước hành lang đợi giờ đem thuốc vào cho vua uống. Quan nhìn ra ngoài vườn thượng uyển. Cảnh trí thật là đẹp dưới ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn. Quan nghĩ thầm: cung điện này vài hôm nữa sẽ về tay ta. Bây giờ ta là một ngự y không quyền thế, nhưng một này kia tất cả cung phi mỹ nữ sẽ ở dưới quyền sử dụng của ta; bọn đình thần mấy lâu nay khinh bạc ta, sẽ quỳ lạy dưới tay ta. Thật không ngờ vận mệnh con người thay đổi mau lẹ như vậy …

Vào 7 giờ tối, như mọi ngày một viên thị vệ đến mời quan ngự y đem thuốc vào cho vua uống! Quan ngự y bảo viên thị vệ lấy nồi thuốc đổ vào bát sành, đặt khay vàng và bưng vào phòng vua, còn mình thì theo sau.

Viên thị vệ quỳ đặt khay thuốc trên chiếc án, chân quy trước long sàng và lui ra. Quan ngự y vái chào vua và đứng dưới chân giường đợi lệnh. Vua chỉ một chiếc ghế và bảo quan ngự y ngồi xuống.

Vua đưa tay bảo:

– Khanh xem mạch cho trẫm hôm nay có khá hơn mọi hôm không? Có thể cho trẫm biết độ bao giờ thì bệnh khỏi hẳn. Và nếu có mệnh hệ gì cũng đừng giấu trẫm làm gì. Hãy để cho trẫm có thì giờ chuẩn bị …

Viên ngự y đặt tay nhà vua lên một tấm khăn rồi quỳ xuống bắt mạch. Vua cảm thấy mấy ngón tay của quan ngự y rung nhè nhẹ trên cổ tay mình. Ngài chăm chú nhìn vào mặt quan ngự y và quan ngự y có vẻ như muốn tránh nhìn mình. Vua gợi chuyện hỏi han về thân thế và gia đình vị lương y:

– Khanh năm nay bao nhiêu tuổi?

– Tâu , năm mươi hai …

– Vậy là thua trẫm hai tuổi. Chẳng mấy chốc mà đã qua nửa đời người rồi! Nhiều khi trẫm ân hận là chưa làm gì được cho dân cho nước mà đã sắp lìa trần rồi!

Tay quan ngự y rung mạnh trên cổ tay của nhà vua. Vua lại tiếp:

– Khanh ạ! Trẫm chưa muốn chết quá vội. Khanh hãy làm sao chữa cho trẫm lành bệnh nhé!

Quan ngự y “dạ” một tiếng nhỏ trong cổ họng và cúi mặt nhìn xuống chén thuốc để trên chiếc khay vàng. Bỗng mắt vị lương y như bị thôi miên vì mấy chữ chạm trên chiếc khay và trên thành bát thuốc: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó”. Vị lương y có cảm tưởng choáng voáng như đầu của mình vừa bị húc vào tường. Mấy chữ vẫn nằm im lặng ở đấy, mà quan ngự y nghe như tiếng quở trách đang vang dội khắp nơi và cả trong đầu óc của mình. Quan ngự y tự hỏi:

“Ta đang làm gì đây? Ta bỏ thuốc độc cho vua. Vua sẽ uống chén thuốc và chết trong vài giờ sau. Âm mưu giết vua thế nào cũng bại lộ. Ta sẽ bị quan đại thần Hoàng Cái bắt và chém đầu. Cả gia đình dòng họ ta chắc cũng không thoát khỏi án tử hình. Họ Thái sẽ tuyệt diệt, nhưng tiếng xấu vẫn lưu lại muôn đời. Ta làm một việc ác lớn lao, chắc chắn ta sẽ thâu nhận một hậu quả vô cùng tai hại!”

Trong khi suy nghĩ như vậy, mấy ngón tay quan ngự y vẫn nằm im trên cổ tay nhà vua, và vua vẫn để yên tay mình dưới tay quan ngự y, nhưng đôi mắt vẫn theo dõi, quan sát từng cử chỉ, từng sự biến chuyển trên nét mặt suy tư của quan ngự y.

Hồi lâu, vua cất giọng yếu ớt hỏi:

– Khanh xem mạch trẫm thế nào? Sắp nguy chưa?

Quan ngự y nhu sực tỉnh, tâu vẻ bối rối:

– Tâu, tâu Hoàng Thượng … mạch rất tốt, rất tốt …

Vua mỉm cười héo hắt:

– Thế ạ! Trẫm cảm ơn khanh. Bây giờ trẫm uống thuốc nhé!

Vua vừa nói vừa ngồi dậy với bưng bát thuốc. Quan ngự y hốt hoảng cản tay vua lại, nói:

– Xin Hoàng Thượng hãy khoan …

Vua ngạc nhiên hỏi:

– Sao vậy? Sao khanh lại không cho ta uống?

Quan ngự y quỳ xuống, van lạy:

– Tâu Hoàng Thượng, thần xin Hoàng Thượng rộng lượng tha tội cho thần! Bát thuốc có độc dược!

– Sao vậy?

Nhà vua vô cùng kinh ngạc, hỏi lại:

– Khanh định giết trẫm thật sao?

– Muôn tâu Hoàng Thượng, hạ thần đã bị vô minh dục vọng làm mờ ám lương tâm, nhưng nay sực nhìn thấy bài học ngàn vàng khắc trên khay và trên bát thuốc mà thần tỉnh ngộ. Tội thần đáng chết, xin Hoàng Thượng hãy truyền lịnh hạ ngục đi.

Vua trầm ngâm suy nghĩ một hồi, rồi từ tốn phán:

– Thật quả tội khanh đáng chết. Nhưng khanh đã hối hận kịp thời trước khi tội ác xảy ra, nên trẫm tha tội cho khanh. Từ nay về sau hãy hết lòng tận trung với trẫm.

Quan ngự y dập đầu vái lạy và quỳ bên chân nhà vua, vô cùng xúc cảm không cầm được nước mắt! …

Bệnh của nhà vua tự nhiên thuyên giảm rất nhiều, mồ hôi ngài toát ra ướt dầm áo bào,và cảm nghe trong người nhẹ nhõm. Nhà vua mừng quá, tự bảo: Bài học này quý lắm! Một ngàn lượng vàng còn rẻ! Nhờ bài học này mà quan ngự y được hối ngộ khỏi bị tội tử hình và tru di tam tộc; nhờ bài học này mà nước nhà khỏi mất, dân ta không làm nô lệ cho ngoại bang và cũng nhờ bài học này mà tánh mạng ta khỏi chết. Thật là “Bài học vô giá!”

Nhờ sự vui mừng đó nên trong người vua phấn khởi, khoan khoái mà bịnh ngài dần dần thuyên giảm.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Bài học ngàn vàng – Chương 5 : Bài học ngàn vàng được gợi lại

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ðại tướng Hoàng Cái vẻ mặt giận dữ tiến thẳng vào hậu cung, sau khi ở pháp trường trở về. Vị Ðại thần này muốn biết lý do vì sao vua đã truyền lịnh hoãn việc xử trảm Thạnh Bảo.

Vua biết Hoàng Cái đang bực tức mình nên cố làm ra vẻ vồn vã:

– Ðại thần hãy vào đây uống với trẫm một ly rượu, rồi trẫm sẽ giải thích vì sao trẫm đã truyền tha tội chết cho Thạnh Bảo.

Quan Ðại thần bất chấp cả nghi lễ tấn công ngay:

– Thần không thể ngồi uống rượu được, trong khi thằng giặc nguy hiểm nhất của triều đình đang còn sống. Tại sao Hoàng Thượng lại muốn “nuôi ong tay áo” một lần nữa. Hoàng Thượng đã tin cậy cha nó, để đến nỗi suýt bị nguy đến tánh mạng. Thời may vận nước chưa đến nỗi suy tàn, nên âm mưu lật đổ ngai vàng của cha nó bị khám phá kịp thời. Nhưng Hoàng Thượng đã nhổ cỏ mà không trừ tận gốc, nên đã để cho thằng con là Thạnh Bảo đem quân về làm loạn, ngai vàng bị lật đổ, thần dân bị điêu linh khổ sở. Nay tội trạng của nó đã đành rành, Hoàng Thượng lại vẫn tỏ ra khoan dung độ lượng với nó, làm cho tất cả triều đình, từ trên xuống dưới đều vô cùng phẫn uất, buồn tủi và nhất là lo sợ cho hậu hoạn còn đó.

Vua ngồi lắng nghe, không tỏ vẻ bực tức vì những câu trách móc ấy. Ngài ngập ngừng hồi lâu, trước khi cất tiếng với một vẻ mặt buồn buồn.

– Trẫm xin chịu lỗi với khanh về những việc làm của trẫm. Những lời của khanh nói, trẫm không chối cãi vào đâu được. Tuy thế khanh chưa hiểu rõ nguồn cơn sự việc đã xảy ra trong cung cấm này, nên khanh đã trách trẫm; nếu khanh hiểu rõ mọi việc từ đầu, chắc khanh sẽ có một nhận định khác. Từ lâu, trẫm chôn sâu câu chuyện này trong đáy lòng, nhưng không ngờ sáng hôm nay nghe Thạnh Bảo nhắc lại, làm trẫm vô cùng hối hận và tỉnh ngộ.

Câu chuyện này, khanh là người đầu tiên được biết đến, và trẫm nói ra đây cho khanh rõ, là vì trẫm xem khanh là người thân tín bậc nhất của trẫm …

Hoàng Cái dần dần bị lôi kéo vì những lời nói có vẻ bí mật của vua, đã đổi sắc mặt, không còn bực tức như lúc đầu. Ðại tướng chăm chú lắng nghe vua mở đầu câu chuyện:

– Chắc khanh chưa quên câu chuyện Ông già bán bài học mà trẫm đã mua với giá môt ngàn lượng vàng. Sau khi mở bài học ra xem, trẫm nghĩ rằng trẫm đã bị lừa, nên trẫm vô cùng tức giận …

Hoàng Cái tò mò hỏi:

– Thần có thể biết nội dung bài học nói gì không?

– Không có gì lạ, chỉ vỏn vẹn có một câu: “Phàm làm việc gì, trước phải xét kỹ đến hậu quả của nó“. Trẫm tức giận ông già quá, nhưng không dám bộc lộ sự thật cho mọi người biết, vì sợ chê cười. Trẫm đã phao đồn ra là bài học rất qúy giá, và mọi người đều tin là thật. Nhưng một mặt khác, trẫm mật truyền cho quan Ðề Ðốc Thanh Phong phải đi bắt cho được Ông già về cho trẫm. Nhưng quan Ðề Ðốc không làm sao bắt cho được Ông già. Trẫm một phần vì tức giận, một phần vì sợ để quan Ðề Ðốc sống thì sự thật về bài học sẽ bại lộ, nên loan tin rằng quan Ðề Ðốc đã âm mưu lật đổ ngai vàng. Quan Ðề Ðốc bị xử tử bằng độc dược và chết trong ngục thất.

Thạnh Bảo không thể tin được rằng: cha mình đã âm mưu giết vua, vì hơn ai cả Thạnh Bảo biết rằng quan Ðề Ðốc là một trung thần được trẫm vô cùng tin cậy. Nóng lòng vì cha bị giết mà không rõ nguyên nhân và cũng để tự vệ, nó đã đem quân về triều làm loạn. Sự việc diễn tiến sau đó như thế nào, khanh cũng đã rõ. Có một điều quan trọng nhất mà hôm nay nó mới tiết lộ cho trẫm biết là: sau khi nó vào hoàng cung, nó mở cái tủ cẩm thạch mà trẫm đựng châu báu ngọc vàng, nó không thấy gì cả (vì trẫm đã đem đi hết) ngoài cái đãy có bài học của Ông lão. Nó đọc xong rồi bực tức xé mảnh giấy đi. Nó nghĩ rằng đó là một câu nói nhảm. Nhưng chính hôm nay, tại pháp trường, trước khi bị xử trảm, lời nói cuối cùng của nó nói với trẫm là nó đã ân hận: không nghe theo bài học. Nếu từ khi vào cung mà nó làm theo bài học, thì nó vẫn có thể hướng đến một hậu quả tốt đẹp, chứ không phải là cái hậu quả bị xử trảm tại pháp trường. Trẫm có hỏi nó: ” Nếu khanh nghe theo bài học thì khanh sẽ làm gì?”. Nó trả lời: Thần sẽ chống lại quân của nước Quý Lâm do Tùng Sơn chỉ huy và trả lại ngai vàng cho Hoàng Thượng”. Trẫm lại hỏi: “Vậy tại sao khanh không làm như vậy?”. Nó bảo: “Vì thần thấy khó mà đoán trúng hậu quả; vả lại trong khi đang có quyền lực trong tay, thần nghĩ rằng mình có thể thay đổi hậu quả theo mình muốn”. Nghe Thạnh Bảo trả lời trẫm giựt mình, vì trẫm cũng đã nghĩ như vậy, khi mở bài học ra xem lần đầu tiên, trẫm đã ruồng bỏ bài học của Ông già nên trẫm đã mất ngôi và suýt mất luôn cả tánh mạng. Và chính trẫm là người đã gây nên tội đối với cha con Ðề Ðốc Thanh Phong. Vì nghĩ như vậy, nên trẫm đã truyền tha tội chết cho Thạnh Bảo.

Quan Ðại thần Hoàng Cái nghe xong ngồi trầm ngâm suy nghĩ, và nỗi bực tức lúc đầu tan biến dần mất.

Hoàng Cái và vua Ðột Quyết ngồi nhìn nhau, không ai nói với ai một lời, nhưng đây là một sự im lặng đầy suy tư, rất cần thiết cho mọi hành động. Hồi lâu vua cất tiếng hỏi:

– Theo ý Ðại thần, thì đại thần có nghĩ rằng nên tha tội chết cho Thạnh Bảo chăng?

– Tâu Hoàng Thượng, nếu quả thực ssụ việc đã xảy ra như vậy thi không những nên tha chết cho Thạnh Bảo mà còn nên tạo cho nó nhiều cơ hội đoái công chuộc tội nữa. Nhưng dù sao đó cũng là công việc nhỏ. Thần nghĩ đến một vấn đề quan trọng hơn, là bài học này hay lắm! Nếu Hoàng Thượng và Thạnh Bảo biết áp dụng bài học này thì chẳng những không có những tai hại lớn lao vừa xảy ra, mà còn đem lại sự ích lợi cho quốc gia dân tộc và cá nhân của Hoàng Thượng, của Thạnh Bảo vô cùng vô tận. Vậy thì bây giờ phải làm thế nào đem bài học quý báu của ông già ra áp dụng …

Vua Ðột Quyết bỗng như sực nhớ điều gì, vội cắt ngang câu nói của Hoàng Cái:

– Câu nói của Ðại thần nhắc lại làm cho trẫm nhớ lời dặn của ông lão là “phải áp dụng bài học mới rõ giá trị chơn thật của nó”. Nhưng làm thế nào để áp dụng bài học này một cách triệt để trong mọi công việc?

– Tâu, nếu thật tình Hoàng Thượng muốn áp dụng một cách triệt để, thì trước tiên phải làm sao luôn luôn nhớ đến bài học ấy.

– Một câu ngắn ngủi như vậy, có khó gì đâu mà không nhớ?

– Tâu, vì ngắn ngủi, vắn tắt và đơn giản quá, cho nên chúng ta khinh thường, không chú ý đến. Thần nghĩ có cách hay nhất để bài học luôn luôn hiện diện trước mắt mọi người là nên ghi khắc nó khắp nơi trên mọi vật dụng.

Mắt vua Ðột Quyết bỗng sáng lên và ngài nhận thấy sáng kiến của Hoàng Cái rất hay. Ngài nói có vẻ mùng rỡ:

– Ðó là một ý kiến rất quý báu, Trẫm phải truyền lịnh thực hành ngay tại trong hoàng cung này.

Thế là vua truyền lịnh cho quan nội giám tìm các nhà giáo viết chữ thật đẹp, để viết bằng đủ các lọai chữ từ lớn đến nhỏ, và tuyển mộ các nhà điêu khắc, các thợ mộc, thợ nề, thợ vẽ, thợ sơn, thợ chạm để tùy theo vị trí, địa điểm, nhà cửa, phòng the, vật dụng mà ghi khắc, chạm trổ bài học của Ông già vào …

Thợ thầy, lính tráng trong cung nổ lực làm việc sau một tháng mới xong.

Ðể đánh dấu ngày phát động phong trào áp dụng bài học và gây một xúc động tâm lý trong triều đình và cung điện, vua truyền tổ chức đại lễ để tạ ơn trời đất thánh thần đã xui khiến cho Ông già đem bán bài học cho vua rồi biến mất.

Trong buổi lễ có sự tham dự của toàn thể bá quan văn võ. Vua Ðột Quyết, trong bộ lễ phục đại trào, đã quỳ lạy một cách vô cùng thành kính trước hương án, để ăn năn sám hối tội lỗi của mình từ trước đã suýt làm cho nước mất nhà tan, cơ đồ sụp đổ. Sau đó, vua quay mặt xuống phía bá quan văn võ, tường thuật tất cả sự thật về bài học của Ông già mà từ trước đến nay vua đã che đậy. Cũng trong dịp này, vua tuyên bố ân xá tội trạng của Thạnh Bảo và cho trở về làm dân dã. Cuối cùng vua long trọng phát nguyện tuân theo bài học của Ông già và khuyên bá quan văn võ nên bắt chước theo ngài mà áp dụng bài học ấy. Buổi lễ chấm dứt sau sự trình bày các loại vật dụng trong hoàng cung có ghi khắc bài học ngàn vàng.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Bài học ngàn vàng – Chương 4 : Tướng Hoàng Cái giải phóng đất nước và khôi phục ngôi vua

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Vì đã cầu cứu ngoại bang đem quân chiếm nước nhà, nên Thạnh Bảo mất hết chánh nghĩa.

Trái lại, Hoàng Cái dựa trên danh nghĩa chống ngoại xâm, bảo tồn xứ sở, khôi phục ngôi vua, đã tạo cho mình mỗi ngày mỗi thêm uy thế trong nhân dân. Sau khi đã chiêu mộ thêm binh mã một mách mau lẹ, vì sự nhiệt liệt hưởng ứng của toàn dân, Tướng Hoàng Cái làm lễ xuất phát về giải phóng Kinh đô. Lợi dụng sự khinh suất của Tùng Sơn đem quân tiến sâu về phía Nam, Tướng Hoàng Cái  đã bất thần thúc quân ngang hàng hông đạo trung quân của địch, cắt đạo quân này làm đôi, tiền quân và hậu quân không liên lạc được với nhau. Phần không thông thuộc đường sá, phần bị dân chúng nổi dậy khuấy phá ở hậu phương, quân của Tùng Sơn mỗi ngày mỗi hao mòn. Lúc mới đầu, còn được dân chúng tiếp tế, nhưng càng đi sâu vào đất địch, dân chúng địa phương càng xa lánh, sự tiếp tế càng khó khăn, quân của Tùng Sơn  dần dần mỏi mệt, thiếu thốn, và không còn giữ được kỷ luật như trước nữa. Do đó, càng đánh càng thua, càng thua càng mất tinh thần, và càng mất tinh thần càng thua nặng. Mười vạn tinh binh của Tùng Sơn bây giờ chỉ còn là một đạo quân ô hợp chưa đầy một vạn, tiến thoái lưỡng nan.

Ðáng lẽ lợi dụng tình trạng suy yếu của quân Tùng Sơn, Thạnh Bảo có thể mua chuộc tội phản nghịch của mình bằng cách tấn công vào quân của Tùng Sơn, giành lại chủ quyền của đất nước, nêu cao danh nghĩa giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại bang. Nhưng bị danh vọng, địa vị và quyền lợi nhãn tiền làm mù quáng lương tri, Thạnh Bảo vẫn nuôi hy vọng: vua nước Quý Lâm với tài nguyên dồi dào, tiềm lực chiến đấu hùng hậu, có thể đem thêm viện binh giúp mình đánh bại Hoàng Cái. Thái độ hướng ngoại và thần phục ngoại bang ấy, làm cho dân chúng ghét bỏ Thạnh Bảo. Ngay tại Kinh đô là nơi dân chúng tương được hưởng đôi chút ân huệ của nhà vua, Thạnh Bảo cũng không tìm được sự ủng hộ, mà trái lại còn bị ngấm ngầm phản đối khi quân của Hoàng Cái còn ở xa, và cứ mỗi ngày nghe tin của vị tướng này càng tiến về Kinh đô, thì dân chúng tại đây càng tỏ ra chống đối công khai với chính quyền do Thạnh Bảo nắm giữ một cách độc tài.

Sau khi được tin Hoàng Cái đã giết được tướng Tùng Sơn và tiêu diệt hoàn toàn tàn quân của địch, thì dân chúng ở Kinh đô nhất tề nổi dậy, bao vây hoàng cung, tước khí giới của lính phòng vệ hoàng thành và giam lỏng Thạnh Bảo trong cung, mở cửa thành chờ đón Hoàng Cái phò vua Ðột Quyết trở lại ngai vàng.

Như thế là sau 3 tháng xáo trộn trầm trọng vì sự dấy binh và cướp ngôi của Thạnh Bảo, trật tự lại được vãn hồi trên toàn quốc và tại Kinh đô nước Nhục Chi.

Vua Ðột Quyết được Ðại tướng Hoàng Cái phò về hoàng cung. Dân chúng tại Kinh đô treo đèn kết hoa và lập khải hoàn môn đón mừng sự trở về của vua. Ngài truyền mở hội khao mừng quân lính trong suốt bảy ngày đêm. Hoàng Cái và những tướng tá có công đều được thăng hai cấp bực và trọng thưởng ngọc ngà châu báu. Những người phản bội và theo ngoại bang, trong số đó có Thạnh Bảo đều bị bắt giam để chờ ngày đền tội.

Hoàng Cái trở thành đệ nhất công thần và cột trụ chính của triều đình, được vua hoàn toàn tin cậy và trọng nể. Ngài cho phép Hoàng Cái được đặc biệt ra vào hoàng cung lúc nào cũng được và có thể trình bày ý kiến của mình trong mọi vấn đề.

Căn cứ trên đặc ân ấy, ngay sau ngày đăng quang của vua Ðột Quyết, Hoàng Cái đã vào hoàng cung xin yết kiến vua để trình bày một việc mà Hoàng Cái cho là rất quan trọng đối với vận mệnh của quốc gia.

Sau khi được vua chấp thuận, Hoàng Cái đã dâng một bức thư điều trần lên vua Ðột Quyết, trong ấy vị Ðại thần này trách cứ vua đã để mất ngôi vì chỉ nghĩ đến chuyện săn bắn, ăn chơi, múa hát mà không lo đến việc quốc kế dân sinh. Nếu từ đây về sau vua vẫn không thay đổi nếp sống cũ thì quốc gia sẽ bị nguy khốn một lần nữa, và cái họa ngoại xâm chắc là không thể tránh khỏi.

Vua đã nén lòng tự ái và công nhận lời khuyên của Hoàng Cái là đúng. Ngài tự hứa từ nay về sau sẽ chăm lo việc nước và dẹp tất cả những cuộc yến ẩm ca múa trong cung.

Sau khi triều đình đã được chỉnh đốn, vua mới truyền đem Thạnh Bảo ra xử. Thạnh Bảo bị ghép vào tội phản loạn, thông đồng với ngoại bang để cướp ngai vàng và sẽ bị xử trảm tại pháp trường cát dựng lên ở giữa Kinh đô.

Vào một buổi sáng sớm mùa thu, nhằm vào một phiên chợ tại Kinh đô, người ta được mục kích một đám quan quân áp giải một tên tử tù ra pháp trường. Tên tử tù này không ai khác hơn là Thạnh Bảo. Ðám rước đi từ trong hoàng thành ra, dẫn đầu là hai con voi trắng lớn, ở giữa là một vị võ quan mang một tấm biểu lớn liệt kê sanh tánh và tội trạng của tử tội. Kế đó là hai hàng lính tráng mang trống lớn và chiêng to, cùng các loại nhạc khí. Tiếp theo sau là chiếc cũi nhốt Thạnh Bảo, hai bên có hai hàng lính, gươmg giáo sáng ngời đi hai bên.

Ðình thần và vua Ðột Quyết  cũng được nghinh giá theo đám rước với đầy đủ cung cách và nghi vệ của một vị Ðại vương.

Ðến pháp trưòng, Thạnh Bảo bị dẫn ra khỏi chiếc cũi và trói vào một cột trụ. Sau khi vua và đình thần an vị xong trước pháp trường, dân chúng đã được sắp xếp có trật tự ở chung quanh. Ba hồi chiêng trống nổi lên dõng dạc và oai nghiêm … Quan hình bộ thượng thư ra tuyên đọc tội trạng của tử tội. Tất cả đình thần và dân chúng đều im lặng, lắng nghe những lời buộc tội nghiêm khắc của quan thượng thư, và hồi hộp chờ phút giây vua ra lịnh hành quyết …

Ba hồi chuông trống đã chấm dứt từ lâu. Mọi người đều im lặng nhìn về phía vua Ðột Quyết. Gã đao phủ mình trần trùng trục đưa cao ngọn đao sáng chói mặt trời, chờ lịnh hạ xuống đầu Thạnh Bảo.

Vua từ từ đứng lên, tiến tới trước mặt Thạnh Bảo, nhìn chàng một hồi rồi cất tiếng nói:

– Thạnh Bảo! Người có nhận tội phản nghịch của ngươi không? Ngươi có ân hận về những điều ngươi đã làm không?

– Thạnh Bảo bình thản ngước nhìn vua trả lời:

– Thần đã thất bại trong mưu đồ của thần và thần cam chịu chết. Ðược là vua thua là giặc, đó là lẽ thường. Thần không có gì phải ân hận. Nếu ngài thất bại, thì hôm nay, chỗ đứng của ngài là trước cột trụ của pháp trường này, và chỗ ngồi của thần là cái ngai vàng, chính giữa đám triều thần kia.

Vua mỉm cười mai mỉa:

– Ta khen cho ngươi sắp chết mà vẫn còn cương trực. Trước khi lìa cõi đời, ngươi còn lời nói cuối cùng gì nữa không?

Thạnh Bảongập ngừng một phút rồi nói:

– Thần chỉ ân hận có một điều … và điều ấy có thể thay đổi cả cuộc diện hôm nay …

– Ðiều gì?

Thạnh Bảongập ngừng nhìn quanh quan quân đứng chung quanh. Vua đoán biết ý định của Thạnh Bảo, hỏi:

– Ngươi muốn nói riêng với trẫm chăng?

Thạnh Bảo gật đầu. Vua truyền cho quan quân lùi xa ra khỏi pháp trường và tiến sát đến gần Thạnh Bảo:

– Bây giờ ngươi hãy nói cho ta nghe đi.

Thạnh Bảo thì thầm nói với vua …

Vua như sực nhớ điều gì, đứng thẳng người dậy, vẻ mặt đăm chiêu, rồi gật đầu mấy cái, như vừa khám phá ra một điều gì quan trọng.

Vua xoay lại, nhìn đình thần một phút, rồi truyền cho người đao phủ hạ đại đao xuống, và tạm thời đình hoãn cuộc hành quyết.

Tất cả mọi người đều vô cùng kinh ngạc.

Ðại Tướng Hoàng Cái bực tức tiến tới trước vua Ðột Quyết, định chất vấn và ngăn cản lịnh của vua. Nhưng vua đưa tay ra hiệu hãy im lặng và truyền quan quân ngự giá hồi cung. Ðoàn người chậm rãi quay về trong một bầu không khí ngột ngạt và bực tức …

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

« Về Lại Trang TrướcXem Tiếp Trang Sau »