" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

Chương 13 Văn hóa gia đình

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Gia đình là gốc rễ của xã hội, là tế bào của cơ thể xã hội. Tế bào có lành mạnh, hạnh phúc thì đất nước mới an khang, thịnh vượng.

Xã hội ổn định và phát triển luôn cần những gia đình văn minh, tiến bộ, bình yên, những mái nhà che chở ấm êm và hạnh phúc, để con người sống và làm việc góp ích cho đời.

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, cho đến bây giờ, có 6 kiểu mô hình gia đình tiêu biểu:

1. Loại gia đình “tháp ngà”, gia đình với mô hình khép kín, được xây dựng trên cơ sở lý tưởng hóa cuộc sống. Đó là những cặp vợ chồng mơ mộng và tận hưởng kiểu “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, luôn cặp kè bên nhau và nhấm nháp những kỷ niệm của tình yêu. Mô hình gia đình này thường dễ bị sụp đổ khi cuộc sống vợ chồng có biến đổi, khó khăn. Tình yêu lãng mạn không chấp nhận nổi sự phũ phàng. Nó có thể tắt ngấm sau một lần xung đột vợ chồng.

2. Loại gia đình thứ hai là nếp nhà gia trưởng “trên bảo dưới nghe”: người chồng, người bố áp đặt và cấm đoán sự phát triển nhân cách tự do của các thành viên. Người ta so sánh mô hình gia đình kiểu này như “cây sồi và dây leo trường xuân”. Người chồng là cây sồi sừng sững, là chỗ dựa cho người vợ, là chủ đối với vợ. ở đây không có sự bình đẳng, dân chủ, do đó, kiểu gia đình này thường không hạnh phúc; mối quan hệ vợ chồng chủ yếu là nghĩa vụ, trách nhiệm và vì con cái.

3. Mô hình gia đình “đấu tranh” thể hiện rõ trong các gia đình luôn tranh giành quyền lực, xem ai là chủ gia đình. Cả người vợ và người chồng đều cảm thấy mình xứng đáng là chủ cai quản và áp đặt ý kiến trong gia đình. Ai cũng cảm thấy mình có lý hơn, tài giỏi hơn trong các cuộc tranh cãi. Trong gia đình này, mỗi cớ nhỏ đều là nguyên nhân của các cuộc xung đột. Kỳ lạ thay, mô hình gia đình kiểu này mặc dù không hạnh phúc, song vẫn tồn tại lâu dài.

4. Hay gặp hơn cả là kiểu gia đình “độc lập-liên kết”. Vợ chồng là hai cá thể độc lập cả về kinh tế lẫn về tính cách. Ai cũng quý tự do cá nhân của mình, nên sẵn sàng hy sinh mọi điều (trừ con cái), kể cả chuyện quan hệ yêu đương với người khác. Họ sống biệt lập với nhau trong một mái nhà, chung những đứa con, chung tài sản mà vẫn có quỹ đen. Khen thay họ không mấy khi cãi cọ, to tiếng, mọi điều có thể dàn xếp, hiểu nhau miễn là “đừng có xía vào chuyện của tôi”. Họ có thể sống ly thân với nhau mà hàng xóm cũng chẳng biết. Đây là mô hình gia đình không hạnh phúc và hôn nhân có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào.

5. Mô hình gia đình “gia giáo gia phong”, được kế thừa, nuôi dưỡng bởi một truyền thống tốt của ông bà, cha mẹ để lại. Quan hệ vợ chồng và các thành viên theo thứ bậc, tôn ti, nhưng họ vẫn tôn trọng tự do cá nhân. Dòng họ, tổ tiên, ông bà là một giá trị đáng tự hào. Hạnh phúc của họ là noi gương cha ông, dòng họ, hướng thiện, học hành, làm ăn, sống phúc đức.

6. Mô hình gia đình hạnh phúc thể hiện nhiều ở các cặp vợ chồng trẻ là “liên minh thần thánh vợ chồng cả về thể xác lẫn tâm hồn và kinh tế”. Đó là “hôn nhân tình yêu, chia sẻ và trách nhiệm cao”, “hôn nhân giữa các chiến hữu”. vợ chồng dân chủ trên mọi phương diện, giúp đỡ nhau phát triển trình độ văn hóa, thẩm mỹ và cá tính. Tính lãng mạn kết hợp với tính hiện thực, sự say mê và sự tỉnh táo. Mặc dù có khi xung đột, nhưng vì dựa trên nền tảng vững chắc của tình yêu, đạo đức, trách nhiệm, cho nên giông tố qua mau và hạnh phúc lại ngự trị trong gia đình. Đây là mô hình mơ ước và phấn đấu của các cặp uyên ương trẻ.

Cho đến nay, có thể mô tả được 6 kiểu gia đình như vậy, nếu tiếp cận từ góc độ tâm lý xã hội. Mặc dù vậy, ta không được quên rằng, thời đại lịch sử đổi thay và gia đình luôn biến đổi, thậm chí tan vỡ, mất ý nghĩa. Nhưng đơn vị gia đình như một giá trị vĩnh hằng: trải bao biến cố xã hội, bao nhiêu triều đại đổi thay từ khi thoát ra khỏi chế độ quần hôn cộng sản nguyên thủy cho đến tận ngày nay, gia đình vẫn tồn tại vững bền. Ngay ở một số nước tư bản chủ nghĩa phát triển, vật chất dư thừa, khoa học kỹ thuật văn mình, có thời đề cao chủ nghĩa cá nhân, chạy theo lối sống thực dụng, chối bỏ gia đình, sống tự do bừa bãi, nay mới vỡ mộng nhận ra một điều: không thể phá bỏ đơn vị gia đình. Phá bỏ gia đình cũng có nghĩa là tự sát. Phải quay về xây dựng nền tảng gia đình để cứu nguy cho sự bế tắc của cá nhân và xã hội.

Tại sao vậy?

Bởi lẽ, sự hình thành gia đình là một lịch sử tiến hóa tự nhiên. Xưa nay, gia đình vẫn là “Tổ ấm”, là “Ngôi Nhà của Mình” như con chim có tổ. Từ xưa đến nay, bao giờ gia đình cũng là đơn vị cơ bản tạo nên xã hội: nó thực hiện chức năng kinh tế, sinh học và giáo dục con người. Gia đình là nơi các thành viên hợp tác với nhau trong lao động sản xuất làm ra của cải để nuôi sống mình và xã hội; nơi sinh con đẻ cái để duy trì nòi giống; nơi nuôi dưỡng giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người.

Gia đình là mái nhà, là ngọn lửa ấm, thức ăn và những con người sum vầy vui sống. Một cộng đồng đặc biệt của những con người cùng huyết thống (cha con, anh em), một liên mình thần thánh giữa hai người khác giới (vợ chồng) tự nguyện. Những đứa trẻ lang thang bụi đời, không cha không mẹ, không gia đình là một bất hạnh lớn nhất của loài người. Sự trống vắng hơi ấm gia đình, thiếu tình mẫu tử là một thiệt thòi hơn thế nữa, nó thường gây ra khủng hoảng khó bề khắc phục được.

Gia đình là nơi bảo tồn, giữ gìn, truyền thụ văn hóa của dân tộc và thời đại, cái bệ phóng để con người bước vào đời, bay cao, bay xa.

Gia đình là nơi sinh ra ta, nuôi dưỡng ta và chi phối toàn diện đến sự phát triển nhân cách mỗi chúng ta, quy định nội dung, đường hướng, những khát vọng và ước mơ của mỗi chúng ta.

Cái gì là căn bản, gốc rễ tạo nên cốt cách gia đình, để gia đình là tổ ấm, là ngôi nhà hạnh phúc đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương?

Đó là văn hóa gia đình, là nếp nhà, gia phong, gia giáo, gia huấn truyền thống đã xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhân cách. Đây là lý do giúp chúng ta hiểu tại sao trong cộng đồng dân tộc, qua các thời kỳ lịch sử, những nhân tài có công với đất nước phần đông đều xuất thân từ những gia đình gia giáo, từ những dòng họ có bề dày truyền thống văn hóa. Điều này cũng giải thích tại sao trong lịch sử nước ta có nhiều gia đình có hai, ba, bốn thế hệ nối tiếp nhau cống hiến tài năng, sức lực cho đất nước.

Điều đáng nói là lớp trẻ, lớp thanh niên ngày nay thường chỉ thấy gia đình là “nền tảng vật chất sinh học” của nó mà không hiểu rõ cốt cách văn hóa tinh thần, cái hồn của gia đình. Khi hỏi về mô hình lý tưởng để phấn đấu là gì, chúng ta chỉ nghe được câu trả lời dí dỏm: “Sao cho có được Một – Hai – Ba – Bốn là tuyệt vời”. Đó là “một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh”. Sự xâm nhập của lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền bằng bất cứ giá nào đã làm xói mòn, hoen ố, thậm chí đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống của gia đình. Họ cho rằng, gia đình là một căn hộ mà mọi thành viên chung sống ở đó phải có đầy đủ tiện nghi vật chất như xe máy, ti vi màu, đầu video, máy nghe nhạc CD rồi máy vi tính đời mới.

Không ai phủ nhận vai trò của các tiện nghi đó – những sản phẩm của trí tuệ con người, của thời đại văn minh đã làm thỏa mãn nhu cầu của con người, trau dồi các năng lực cảm thụ văn hóa… nhưng thực tế thật phũ phàng và đau xót: trong căn nhà chứa đầy đủ tiện nghi đắt tiền cao sang ấy là những con người không có văn hóa, thiếu nhân cách. Do đó, chỉ cần có một xung đột vợ chồng, khủng hoảng tình cha con thì cả tòa nhà năm tầng cũng có nguy cơ sụp đổ. Có khi tiền mất tật mang, vợ chồng chia ly, con cái tan đàn xẻ nghé. Không phải do thiếu tiền, thiếu ăn, không phải do không thành đạt vẻ vang bằng người… mà cái chính là nếp nhà đã mục nát, đạo đức gia phong hoen ố. Bởi vì, một điều thật đơn giản, tiện nghi chỉ là phương tiện để con người sử dụng, có thể mua sắm ngay nếu có tiền; còn văn hóa gia đình thì phải vun trồng, chọn lọc, tập luyện và trau dồi, không thể một sớm một chiều mà có được. Một nhà có thể giàu lên nhanh chóng sau một đêm nhưng để có gia phong mẫu mực, đạo đức gia đình thì phải hàng chục năm, hàng thế hệ. Thực tế trong xã hội ta hiện nay không thiếu những gia đình sống trong căn nhà to, đầy đủ tiện nghi sang trọng, con người ăn mặc đúng mốt, đẹp đẽ mà bất hạnh, đối xử với nhau thô bạo, phi đạo đức. Bởi vì ở đó, những nề nếp căn bản, những chuẩn mực đạo đức tiến bộ không còn, thay vào đó là sự hoành hành của thói ích kỷ, lai căng vô đạo, vô tình của văn hóa đen.

Văn hóa gia đình Việt Nam hiện này phải là sự chung đúc của văn hóa truyền thống kết hợp với tiếp thu, lĩnh hội những giá trị mới của gia đình hiện đại. Trong tình hình hiện nay, phải cố mà giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đã thành truyền thống như:

– Tục thờ cúng tổ tiên, uống nước nhớ nguồn.

– Lòng hiếu đễ với cha mẹ.

– Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Người phụ nữ mới nhưng vẫn trau dồi tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh.

– Tình “anh em như thể tay chân”, “chị ngã em nâng”, “môi hở răng lạnh”, “máu chảy ruột mềm”.

– Truyền thống tôn sư trọng đạo, “tiên học lễ, hậu học văn”.

– Phương pháp “dạy con từ thuở còn thơ”, “bé không vin, cả gẫy cành”, “phải biết trên kính dưới nhường”, “đi thưa về bẩm”.

– Quan hệ với xóm giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”, đoàn kết giúp nhau trong lao động và phát triển…

Đây là những chuẩn mực đạo đức vẫn chưa lỗi thời mà còn thấm đậm chất nhân văn cao cả, thể hiện khát vọng vươn tới cái chân, cái thiện, cái đẹp của con người. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có những giá trị mới của gia đình hiện đại cần phải tiếp thu, đó là:

– Tôn trọng cá tính và tự do cá nhân trên cơ sở pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.

– Quan hệ dân chủ và bình đẳng giữa các thành viên. Phong cách gia trưởng “trên bảo dưới nghe”, áp đặt con người tuân theo chuẩn mực đạo đức bảo thủ của lễ giáo phong kiến đã lỗi thời, cần phải loại trừ.

– Mỗi cá nhân đều tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ và xu hướng độc lập về kinh tế đã trở nên phổ biến. Đặc điểm này làm cho quỹ thời gian để các thành viên trong gia đình sum họp tâm tình: vợ chồng ít gần nhau, con cái xa cha mẹ, người già cô đơn…

Muốn có một gia đình gia giáo, hạnh phúc, một vấn đề trung tâm là phải giáo dục, rèn luyện năng lực ứng xử có văn hóa phù hợp với các chuẩn mực đạo đức truyền thống cũng như yêu cầu của xã hội hiện đại, ứng xử phù hợp với quy luật tâm sinh lý của con người. Ngày nay, con người và gia đình trong xã hội hiện đại luôn bị tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, của sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời luôn bị chi phối bởi những mối quan hệ xã hội phong phú, đa dạng và luôn biến đổi. Nghĩa là, các thành viên của gia đình luôn được đặt vào những tình huống khó xử, đó là:

– Khó xử trong quan hệ vợ chồng.

– Khó xử trong giáo dục con cái.

– Khó xử trong quan hệ với cha mẹ đẻ, ông bà, người thân, láng giềng.

Những tình huống đời thường mà rất phức tạp, nếu không có năng lực ứng xử tốt thì “cái sảy nảy cái ung” dẫn đến nguy hại khôn lường. Muốn ứng xử thành công, bạn cần phải có một trình độ văn hóa nhất định, có kiến thức phổ thông về tâm lý học ứng dụng, về sinh lý học, sư phạm và đạo đức học.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

No Comments

No comments yet.

RSS feed for comments on this post.

Sorry, the comment form is closed at this time.