Trì hoãn là từ dùng để chỉ một thói quen hoặc một xu hướng tâm lý không muốn bắt tay vào làm một công việc cần làm ngay mà muốn kéo dài, hoãn lại đến một khoảng thời gian sau mới thực hiện.
Người ta vẫn thường hay khuyên bảo nhau là: “Đừng trì hoãn!” “Đừng trì hoãn!” – một lời khuyên thanh lịch trong sự đơn giản của nó. Trong khi chúng ta đang ở đây, hãy chắc chắn rằng những người mất ngủ đừng thao thức cả đêm, những người trầm cảm đừng nên buồn phiền, và ai đó làm ơn nói với những con cá voi mắc cạn rằng chúng đừng nên ra khỏi đại dương.
Không, “đừng trì hoãn” chỉ là một lời khuyên tốt cho những người trì-hoãn-giả, những người thường nói đại loại như “Tôi lướt Facebook vài lần tại nơi làm việc, tôi đúng là một người trì hoãn!”. Cũng chính người trì-hoãn-giả đó sẽ nói với người trì-hoãn-thật rằng “Chỉ cần không trì hoãn nữa và bạn sẽ ổn thôi!”
Những người trì-hoãn-giả sẽ không hiểu được rằng: đối với những người trì-hoãn-thật thì trì hoãn không phải là một lựa chọn, họ không biết làm cách nào để “đừng trì hoãn”.
Ở trường Đại học, sự tự do cá nhân được giải phóng một cách đột ngột thật đúng là một thảm họa đối với tôi. Tôi đã không làm bất cứ điều gì vì bất cứ lý do nào. Một ngoại lệ duy nhất là tôi phải nộp bài tập đúng thời hạn. Tôi thường chỉ bắt đầu làm bài vào đêm hôm trước ngày nộp bài, cho đến khi tôi nhận ra rằng tôi có thể làm bài vào sáng sớm hôm sau. Hành vi này đã đạt đến mức độ lố bịch khi tôi không thể bắt đầu viết luận án tốt nghiệp dài 90 trang của tôi mãi cho đến thời điểm 72 giờ trước hạn chót. Và kết quả của trải nghiệm này là tôi phải nằm ở phòng y tế của trường trong tình trạng hạ đường huyết. May mắn là tôi đã hoàn thành luận án, nhưng nó không được tốt.
Thậm chí bài viết này mất nhiều thời gian hơn so với nó cần phải mất. Bởi vì tôi đã tiêu tốn vài giờ để làm những việc vô bổ như nhìn vào hình ảnh của chú khỉ đột (Gorilla) này (ảnh bên dưới). Tôi nghĩ rằng nó có thể đánh bại tôi trong một cuộc chiến, và sau đó tôi lại tự hỏi liệu nó có thể đánh bại một con hổ. Sau đó tôi lại tự hỏi ai sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến giữa sư tử và hổ. Sau đó tôi google và đọc về nó trong một khoảng thời gian (Kết quả: trong hầu hết các trường hợp, con hổ sẽ chiến thắng con sư tử). Tôi có vấn đề!
Để hiểu rõ vì sao một người trì hoãn lại trì hoãn nhiều đến thế, chúng ta hãy cùng bắt đầu bằng cách tìm hiểu bộ não của một người không trì hoãn.
Khá bình thường, đúng không? Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng nhìn vào bộ não của một người trì hoãn.
Bạn có để ý thấy điều khác biệt chưa?
Có vẻ như “Kẻ ra quyết định hợp lý” trong não của người trì hoãn đang cùng tồn tại với một con vật cưng – “Con khỉ thỏa mãn tức thì”.
Điều này khá dễ thương, với điều kiện “Kẻ ra quyết định hợp lý” phải có hiểu biết về việc làm thế nào để sở hữu một con khỉ. Thật không may, anh ta dường như không được đào tạo trong lĩnh vực này, thậm chí anh ta còn hoàn toàn bất lực khi con khỉ quấy rối không cho anh ta làm công việc của mình.
(Lời người dịch: Trong bản gốc, nó là “xem video phỏng vấn mẹ của Justin Bieber”. Tôi chỉ cố gắng Việt hóa nó một cách hài hước thôi, không có ý xúc phạm bất kỳ ai. Đừng quá nhạy cảm!)
Thực tế là, “con khỉ thỏa mãn tức thì” là sinh vật cuối cùng phải chịu trách nhiệm về các quyết định. Nó chỉ nghĩ về hiện tại, bỏ qua các bài học trong quá khứ và hoàn toàn không một chút bận tâm đến tương lai. Điều duy nhất mà nó quan tâm là tối đa hóa niềm vui và sự thỏa mãn ở thời điểm hiện tại. Nó không hiểu “kẻ ra quyết định hợp lý” cũng giống như “kẻ ra quyết định hợp lý” không hiểu nó. Con khỉ nghĩ rằng nếu dừng lại mang đến cảm giác tốt hơn, vậy thì hãy dừng lại. Tại sao phải làm những việc không mang lại niềm vui? Tại sao chúng ta phải sử dụng máy vi tính cho công việc trong khi Internet là ngay ở đó với đầy trò vui? Nó cho rằng con người thật là điên.
Trong thế giới của loài khỉ, nó cho rằng mọi thứ đã được tìm ra. Nếu bạn ăn khi đói, ngủ khi mệt và không làm bất cứ điều gì khó khăn, bạn là một con khỉ khá thành công. Vấn đề với người trì hoãn là anh ta sống trong thế giới của loài người, anh ta không thể sống với tiêu chuẩn quá thấp của “con khỉ thỏa mãn tức thì”. Trong khi đó, “kẻ ra quyết định hợp lý”-người vốn được đào tạo để đưa ra các quyết định hợp lý lại không thể đối phó với sự cạnh tranh của con khỉ trên bàn điều khiển, không biết làm thế nào để chiến đấu với con khỉ. Anh ta chỉ càng ngày càng cảm thấy bản thân mình tồi tệ hơn, và anh ta càng thấy bại thì người trì hoãn lại càng đau khổ và mắng mỏ anh ta thậm tệ.
Đó quả thật là một mớ hỗn độn. Con khỉ phụ trách mọi thứ, và người trì hoãn thấy mình đang chi tiêu rất nhiều thời gian trong một nơi được gọi là “sân chơi đen tối”.
“Sân chơi đen tối” là nơi mà mỗi người trì hoãn đều biết rõ. Đó là nơi mà các hoạt động giải trí xảy ra vào những thời điểm mà đáng lẽ chúng không nên xảy ra. Những niềm vui mà bạn có trong “sân chơi đen tối” không thật sự thú vị bởi vì bạn không bao giờ có thể tận hưởng nó. Không khí trong sân chơi phủ đầy cảm giác tội lỗi, lo lắng, tự hận thù và sợ hãi. Đôi khi “kẻ ra quyết định hợp lý” quyết định bước chân ra khỏi “sân chơi đen tối” và không muốn lãng phí thời gian cho những trò giải trí vô bổ. Và tất nhiên lúc ấy “con khỉ thỏa mãn tức thì” sẽ không để yên cho bạn làm việc, nó sẽ tìm mọi cách để quấy rầy bạn. Bạn thấy chính mình như đang ở trong một địa ngục kỳ quái của những hoạt động kỳ lạ mà ở đó tất cả mọi người đều là kẻ thua cuộc.
Với tất cả những khó khăn này, làm thế nào mà những người trì hoãn có thể sống sót?
Hóa ra, có một thứ có thể khiến cho “con khỉ thỏa mãn tức thì” sợ vãi đái.
“Quái vật hoảng loạn” thường không hoạt động trong hầu hết thời gian. Tuy nhiên anh ta sẽ đột nhiên tỉnh dậy khi một hạn chót đã quá gần (deadline thúc đít), khi xuất hiện nguy hiểm hoặc một thảm họa sự nghiệp, hoặc một số hậu quả khác.
“Con khỉ thỏa mãn tức thì” bình thường không thể lay chuyển được, nhưng lúc này nó cực kỳ sợ hãi “quái vật hoảng loạn”. Còn cách nào khác để bạn có thể giải thích một người không thể viết một câu mở đầu cho một bài báo trong vòng 2 tuần nhưng đột nhiên lại có thể thức nguyên đêm và viết tới 8 trang?
Và đó là những người trì hoãn may mắn. Một số người thậm chí còn không đáp ứng “quái vật hoảng loạn”, và trong giây phút hoảng loạn nhất, họ thậm chí chạy lên cây cùng với con khỉ, bước vào trạng thái tắt máy tự hủy diệt.
Có thể bạn cũng nằm trong số những người trì hoãn không may đó!
Những người trì hoãn là những người đầy đau khổ, dưới đây là 3 lý do vì sao:
1. Nó thì khó chịu: Có quá nhiều thời giờ quý báu đã bị lãng phí cho sự cực nhọc trong “sân chơi đen tối”. Thời gian đó đáng lẽ có thể được chi tiêu cho việc tận hưởng niềm vui và giải trí có ích nếu như nó đã được thực hiện theo một lịch trình hợp lý hơn. Và hoảng loạn không phải là niềm vui cho bất cứ ai.
2. Những người trì hoãn tự bán mình với giá rẻ: Anh ta kết thúc với những kết quả kém cỏi và không phát huy được hết tiềm năng của mình. Thời gian bị lãng phí và anh ta bị lấp đầy với sự tiếc nuối và tự ghê tởm.
3. Những-việc-phải-làm có thể xảy ra, nhưng không phải là những-việc-muốn-làm: Thậm chí nếu người trì hoãn có con “quái vật hoảng loạn” hiện diện thường xuyên và giúp anh ta hoàn thành công việc, anh ta vẫn sẽ bỏ lỡ những điều tuyệt với khác trong cuộc sống như tập thể hình, nấu ăn, tập chơi guitar, viết một cuốn sách hay thậm chí bắt đầu tự kinh doanh và tạo lập một sự nghiệp cho riêng mình. Những người trì hoãn bỏ lỡ mất cơ hội để mở rộng kinh nghiệm sống, làm cho cuộc sống trở nên phong phú và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, tới đây vẫn chưa phải là kết thúc. Làm cách nào để một người trì hoãn có thể cải thiện chính mình và trở nên hạnh phúc hơn? Hãy đọc tiếp phần 2: Làm cách nào để đánh bại sự trì hoãn.
Ảnh trên: Khỉ thỏa mãn tức thì và Quái vật hoảng loạn nhồi bông. Trong khi chúng đang hủy hoại cuộc đời của bạn, bạn cũng có thẻ ôm chúng!
Trì hoãn – Phần 2: Làm cách nào để đánh bại sự trì hoãn
Trì hoãn là một hành động tự hủy hoại cuộc đời của riêng bạn mà không có lý do rõ ràng. Hãy để tôi mở đầu bằng cách nói rằng tôi đã có đủ sự trớ trêu của việc liên tục chiến đấu với sự trì hoãn trong khi cố gắng viết những bài viết về sự trì hoãn và cách đánh bại nó. Gần đây tôi có xem một video về một anh chàng cảnh sát tự bắn vào chân của mình trong khi đang giảng dạy về vấn đề an toàn khi sử dụng súng. Tôi cảm thấy bản thân mình giống hệt anh chàng đó.
Một vài lưu ý trước khi chúng ta bắt đầu:
• Tôi không phải là chuyên gia trong vấn đề này. Tôi chỉ là một người trì hoãn luôn suy nghĩ về chủ đề này trong nhiều năm qua. Tôi vẫn đang chiến đấu với sư trì hoãn của chính mình. Và tôi đã thực sự có một số tiến bộ, nên tôi quyết định vẽ những suy nghĩ của mình về những cách thức đánh bại sự trì hoãn hiệu quả đối với tôi.
• Bài này đã được đăng khá muộn, không phải vì tôi phải cần tới 2000 năm để viết, nhưng vì tôi quyết định rằng tối thứ hai là một thời điểm tuyệt vời để mở Google Earth, di chuyển chuột một vài trăm feet trên mũi phía Nam của Ấn Độ, và tìm tất cả các con đường để di chuyển lên phía Bắc, để “có được một cảm giác tốt hơn cho Ấn Độ”. Tôi có vấn đề!
Được rồi, trong bài trước chúng ta đã khám phá cuộc đấu tranh nội tâm thường ngày của một người trì hoãn. Nhưng trong bài này, khi chúng ta thực sự cố gắng để làm một cái gì đó về nó, chúng ta cần phải đào sâu hơn.
Chúng ta đã biết về “con khỉ hài lòng tức thì” (một phần của bộ não khiến cho bạn trì hoãn) và sự thống trị của nó đối với”kẻ ra quyết định hợp lý”, nhưng những gì đang thực sự xảy ra ở đó?
Những người trì hoãn có một thói quen xấu, gần như là nghiện ngập, đối với việc để cho con khỉ chiến thắng. Anh ta vẫn có ý định kiểm soát con khỉ, trong một sự nỗ lực vô vọng, bằng việc sử dụng một phương pháp đã được chứng minh là không hiệu quả trong nhiều năm, và trong thâm tâm anh biết con khỉ sẽ giành chiến thắng. Anh ta thề sẽ thay đổi, nhưng những mô hình chỉ ở mức tương tự. Vậy tại sao một người lại có thể liên tục đưa ra những nỗ lực vô ích lặp đi lặp lại như vậy?
Câu trả lời là anh ta đã có một sự tự tin cực kỳ thấp khi nói đến phần này của cuộc đời mình, để cho mình trở thành nô lệ của một lời tiên tri tự hoàn thành. Hãy gọi lời tiên tri tự hoàn thành này là cốt truyện của anh ta. Cốt truyện của một người trì hoãn là một cái gì đó như thế này:
“Đối với những-việc-phải-làm trong cuộc sống của tôi, tôi sẽ chờ đợi đến phút cuối, hoảng loạn, và sau đó cố gắng hoàn thành công việc một cách vội vã hoặc không làm gì cả. Đối với những-việc-muốn-làm trong cuộc sống của tôi, chúng ta hãy trung thực, tôi có thể sẽ bắt đầu một công việc và sau đó bỏ cuộc, hoặc nhiều khả năng hơn, tôi thậm chí còn không bắt đầu nó.”
Vấn đề của người trì hoãn cần được giải quyết ở một cấp độ sâu hơn, chứ không đơn thuần chỉ là “thiết lập kỷ luật” hoặc “thay đổi những thói quen xấu của bản thân”. Gốc rễ của vấn đề nằm trong cốt truyện của anh ta, và cốt truyện mới là thứ cần phải thay đổi.
Có 2 thành phần cơ bản giúp bạn đạt dược kết quả trong công việc một cách lành mạnh và hiệu quả, đó là: kế hoạch và hành động. Chúng ta hãy bắt đầu với thành phần đầu tiên: Kế hoạch
1. Lập kế hoạch:
Những người trì hoãn rất thích lập kế hoạch, bởi vì kế hoạch không phải là hành động, và hành động là khắc tinh của người trì hoãn.
Khi những người trì hoãn lập kế hoạch, họ muốn làm điều đó một cách mơ hồ và không muốn xem xét các chi tiết và tính thực tế của kế hoạch một cách quá chặt chẽ. Họ lập kế hoạch để không cần phải thực sự làm bất cứ điều gì. Một danh sách lớn của những nhiệm vụ và cam kết khó khăn – một bản kế hoạch nhầy nhụa.
Một danh sách lớn của những điều mơ hồ và khó khăn làm cho “khỉ hài lòng tức thì” cười. Khi bạn thiết lập một danh sách như vậy, con khỉ sẽ nói “Oh hoàn hảo, điều này rất dễ dàng!”. Ngay cả khi ý thức cả tin của bạn tin rằng nó có ý định thực hiện tất cả các mục trên danh sách một cách hiệu quả, con khỉ biết rằng trong tiềm thức, bạn không có ý định làm như vậy.
Trái ngược với kế hoạch nhầy nhụa, một kế hoạch hiệu quả thật sự có thể giúp bạn đạt được thành công.
Một kế hoạch hiệu quả có một danh sách lớn và chọn ra một người chiến thắng.
Một danh sách lớn có lẽ là giai đoạn đầu của việc lập kế hoạch, nhưng quy hoạch phải kết thúc với một ưu tiên nghiêm ngặt và một mục nổi lên như một người chiến thắng – đó là mục mà bạn phải ưu tiên hàng đầu để thực hiện. Mục chiến thắng phải là mục có ý nghĩa nhất đối với bạn – quan trọng nhất đối với hạnh phúc của bạn. Nếu một mục khẩn cấp nhưng không quan trọng có liên quan, bạn phải loại bỏ nó ra danh sách càng nhanh càng tốt để lấy chỗ cho mục quan trọng. Những người trì hoãn thích sử dụng những việc khẩn cấp nhưng không quan trọng để làm cái cớ để mãi mãi trì hoãn những việc quan trọng.
Lập kế hoạch hiệu quả làm cho một mục nhầy nhụa trở nên không nhầy nhụa.
Chúng ta đều biết những mục nhầy nhụa trông như thế nào. Những mục nhầy nhụa thì mơ hồ và âm u, và bạn không thật sự chắc chắn bạn sẽ bắt đầu ở đâu, phải làm những gì và bạn muốn đạt được điều gì khi hoàn thành nó.
Giả sử, chúng ta hãy nói rằng mục tiêu của bạn là tạo ra một ứng dụng điện thoại. Và bạn biết rằng nếu bạn xây dựng được một ứng dụng thành công, bạn có thể bỏ việc và trở thành một nhà phát triển ứng dụng toàn thời gian. Bạn cũng biết rằng khả năng lập trình là cần thiết cho việc xây dựng ứng dụng. Và bạn quyết định “học cách làm thế nào để viết code” là mục chiến thắng trong danh sách ưu tiên của bạn. Nghe có vẻ thú vị và hiệu quả phải không?
Không! Bởi vì “học cách làm thế nào để viết code” là một mục cực kỳ nhầy nhụa và mỗi khi bạn quyêt định đó là thời gian để bắt đầu, bạn cũng tình cờ quyết định hộp thư của bạn cần phải được làm sạch, và nhà bếp của bạn cũng cần được làm sạch. Nó sẽ không bao giờ kết thúc.
Hãy làm cho những mục nhầy nhụa bớt nhầy nhụa đi. Bạn cần phải đọc, nghiên cứu và đặt câu hỏi chính xác để tìm hiểu làm thế nào để viết code, sự cụ thể là cần thiết trên mỗi bước đi của bạn, và mỗi bước nên tiêu tốn bao nhiêu thời gian.
Ban cần phải biến một mục nhầy nhụa như thế này:
thành một mục không nhầy nhụa như này:
Lập kế hoạch hiệu quả biến một mục khó khăn thành một loạt các nhiệm vụ nhỏ, rõ ràng và dễ quản lý.
Sự kết hợp giữa nhầy nhụa và khó khăn là một liều thuốc tăng lực cho “khỉ hài lòng tức thì”. Và chỉ vì bạn đã bỏ đi phần nhậy nhụa, không có nghĩa là nó không còn lớn và khó khăn khủng khiếp. Chìa khóa để làm mất đi sự khó khăn là bạn phải hiểu rõ được chân lý sau:
Bất kỳ một thành tích vinh quang và to lớn nào cũng chỉ là một chuỗi dài của những nhiệm vụ trông có vẻ tầm thường và không đáng kể khi đứng nhìn từ xa.
Không có ai “xây dựng một ngội nhà”. Họ đặt từng viên gạch một, cứ lặp đi lặp lại một lần lại một lần, cho đến khi đạt kết quả cuối cùng là một ngôi nhà. Những người trì hoãn thì quá mức “nhìn xa trông rộng”. Họ rất thích mơ về ngôi biệt thự xinh đẹp mà họ sẽ có một ngày nào đó, nhưng họ lại không muốn đặt từng viên gạch từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi ngôi nhà được xây dựng.
Hầu như mọi cam kết lớn đều có thể phân tích thành những đơn vị cấu tạo của sự tiến bộ – viên gạch. Mỗi lần bạn dành 45 phút rèn luyện trong phòng tập thể hình là một viên gạch hướng tới một cơ thể cân đối khỏe mạnh. Mỗi bài tập guitar 30 phút của bạn là một viên gạch trên con đường trở thành một tay chơi guitar tuyệt vời.
Một ngày trung bình của người-muốn-trở-thành-nhà-văn và một nhà-văn-thật-sự trông hầu như giống hệt nhau. Nhà-văn-thực-sự viết một vài trang mỗi ngày, tức là anh ta đã đặt một viên gạch. Trong khi đó người-muốn-trở-thành-nhà-văn thì không viết gì cả. 98% thời gian trong ngày của họ là không có gì khác nhau, nhưng một năm sau đó nhà-văn-thực-sự đã xuất bản cuốn sách vừa hoàn thành của mình trong khi người-muốn-trở-thành-nhà-văn thì chẳng có gì cả.
Vấn đề nằm ở những viên gạch.
Tin tốt là, đặt một viên gạch mỗi ngày là điều không quá khó khăn. Tuy nhiên đặt gạch cũng cần phải có tiến trình. Vì vậy bước cuối cùng trong việc lập kế hoạch là bạn phải có những khe đặt gạch trong thời khóa biểu của bạn. Các khe đặt gạch là không được phép thỏa hiệp, không thể bị hủy bỏ, bởi vì dù sao nó cũng là ưu tiên hàng đầu của bạn, là điều quan trọng nhất của bạn, phải không? Ngày quan trọng nhất là ngày đầu tiên! Bạn không thể học lập trình “trong tháng 11”. Bạn chỉ có thể hoc lập trình từ 6 giờ tối tới 7 giờ tối ngày 21 tháng 11. Viên gạch của bạn phải cụ thể về thời gian.
Bây giờ bạn đã biết cách để lên kế hoạch một cách hiệu quả. Chỉ cần thực hiện theo đúng tiến độ, bạn sẽ trở thành một lập trình viên. Bây giờ vấn đề chỉ còn là thực hiện…
2. Thực hiện:
Không phải là những người trì hoãn không thích các khái niệm “làm” hay “thực hiện”. Họ nhìn vào những viên gạch trong lịch trình và nghĩ rằng “Tuyệt! Điều này sẽ rất thú vị!”. Đó là vì họ hình dung về tương lai khi họ ngồi xuống và bắt đầu một phiên làm việc, họ hình dung ra một tương lai không có sự hiện diện của “con khỉ hài lòng tức thì”. Trong tầm nhìn của những người trì hoãn, kịch bản tương lai dường như không bao giờ bao gồm con khỉ.
Nhưng khi thời điểm thực tế đến và đã đến lúc để đặt gạch theo lịch trình, người trì hoãn đã làm điều mà người trì hoãn làm tốt nhất, anh cho phép con khỉ nhảy ra và phá hỏng tất cả mọi thứ.
Khi chúng ta nhấn mạnh khả năng đặt gạch theo lịch trình, chúng ta vẫn chưa đề ập đến cuộc đấu tranh cốt lõi ở đây. Hãy kiểm tra thách thức cụ thể của việc đặt một viên gạch.
Nhìn vào sơ đồ, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra có một khu vực mà chúng ta đã biết đến ở phần 1 của loạt bài này, đó chính là “sân chơi đen tối”. Sân chơi đen tối là nơi mà việc giải trí trở nên khó chịu, vô bổ bởi vì bạn luôn bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi, lo lắng và sợ hãi. Bây giờ chúng ta hãy khám phá những khu vực hoàn toàn mới chưa được nhắc đến ở phần 1.
“Lối vào quan trọng” là nơi mà bạn chính thức bắt đầu công việc của bạn. Khu rừng tối là quá trình bạn thực hiện công việc của mình. Và sau khi hoàn tất công việc, bạn được thưởng bằng việc tận hưởng trong “sân chơi hạnh phúc” – nơi mà việc giải trí là thú vị, vừa ý và bổ ích bởi vì bạn vừa mới hoàn thành một công việc khó khăn, bây giờ bạn có thể yên tâm tận hưởng mà không cần lo lắng. Đôi khi bạn sẽ rơi vào một trạng thái phấn khích khi hoàn thành công việc, nó khiến bạn tiếp tục tham gia vào công việc ở cấp độ sâu hơn hoặc giải quyết luôn những công việc khác. Đó chính là trạng thái “dòng chảy”, nơi bạn sung sướng đắm mình trong công việc đến nỗi bạn quên mất thời gian, và quên luôn cả “sân chơi hạnh phúc”, bởi vì cảm giác trong “dòng chảy” còn tuyệt hơn cảm giác trong “sân chơi hạnh phúc”.
Con đường đó trông sẽ giống như thế này:
Nghe có vẻ đơn giản, phải không? Nhưng thật tội nghiệp cho những người trì hoãn, họ có xu hướng bỏ lỡ cả “sân chơi hạnh phúc” lẫn “dòng chảy”.
Ví dụ sau đây là của một người trì hoãn chưa bao giờ bắt đầu công việc mà anh ta phải làm. Thay vào đó, anh dành thời gian đắm mình trong “sân chơi đen tối” và tự thù ghét chính mình.
Con đường của anh chàng trì hoãn trông như thế này:
Còn dưới đây là con đường của một người trì hoãn đã bắt đầu công việc, nhưng cô ta không thể tập trung. Cô ấy thường xuyên giải lao rất lâu giữa lúc làm việc, để lên mạng lướt web, để ăn uống hoặc tán gẫu. Và cuối cùng, cô đã bỏ cuộc và không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Con đường của cô nàng trì hoãn liên tục trong lúc đang làm việc trông như thế này:
Dưới đây lại là một người trì hoãn khác. Anh ta không thể bắt đầu công việc mặc dù hạn chót đang đến gần và đã tiêu tốn hàng giờ trong sân chơi đen tối. Và rồi, thời hạn đã đến rất gần, con “quái vật hoảng loạn” đùng đùng chạy vào phòng. Quá hoảng, anh ta đã lao như bay vào công việc và cố gắng hoàn thành nó đúng thời hạn.
Con đường của anh chàng trì hoãn đến phút cuối mới làm việc trông như thế này:
Sau khi kết thúc, anh cảm thấy khá ổn vì đã hoàn thành được một cái gì đó. Nhưng anh không thật sự hài lòng, bởi vì anh biết rằng sự vội vã đã làm cho kết quả công việc không tốt như mong đợi. Anh cảm thấy như mình đã lãng phí một ngày mà không có lý do. Điều này đặt anh vào một nơi gọi là “Công viên cảm xúc hỗn loạn”.
Vì vậy, nếu bạn là một người trì hoãn, chúng ta cần nhìn vào những gì bạn cần làm để có được con đường đúng, để cuộc sống hạnh phúc hơn.
Điều đầu tiên bạn phải làm là phải vượt qua được “lối vào quan trọng”. Điều đó có nghĩa là bạn phải dừng lại ngay lập tức bất cứ điều gì bạn đang làm khi đó là thời gian để bắt đầu công việc. Hãy bỏ đi mọi phiền nhiễu, và bắt đầu. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đây là phần khó nhất. Đây là thời điểm mà “con khỉ hài lòng tức thì” chiến đấu một cách ác liệt nhất.
Con khỉ hoàn toàn ghét việc phải dừng lại một cái gì đó thú vị để bắt đầu một cái gì đó khó khăn, và đây là nơi mà bạn phải là người mạnh nhất. Nếu bạn có thể bắt đầu và buộc con khỉ phải vào khu rừng tối, bạn đã phá vỡ một phần ý chí chiến đấu của nó.
Tất nhiên, nó sẽ không sớm từ bỏ.
“Khu rừng tối” là nơi mà bạn đang làm việc. Nó không phải là một nơi thú vị, và “con khỉ hài lòng tức thì” muốn có một cái gì đó thú vị để làm. Và để làm cho mọi việc khó khăn hơn, “khu rừng tối” được bao quanh bởi “sân chơi đen tối” – một trong những địa điểm ưa thích của con khỉ. Và kể từ khi con khỉ nhìn thấy sân chơi đang rất gần mình, nó sẽ tìm mọi cách để rời khỏi “khu rừng tối”.
Sẽ có những lúc bạn va phải một cái cây khi bạn leo lên dốc. Cái cây đó có thể là bạn phải sử dụng một công thức Excel mà bạn không biết, cũng có thể bàn phím của bạn trục trặc khi đang gõ văn bản, cũng có thể ý tưởng của bạn bỗng nhiên biến đi đâu hết khi bạn đang viết một ca khúc. Và thời điểm này là lúc con khỉ sẽ nỗ lực một cách hung hăng nhất để tìm một lối thoát.
Nó chả có nghĩa lý gì khi rời khỏi “khu rừng tối” để tiến vào “sân chơi đen tối” – cả hai đều tối. Cả hai đều tệ,
chỉ có một khác biệt quan trọng là “khu rừng tối” sẽ dẫn tới hạnh phúc còn “sân chơi đen tối” chỉ gây ra nhiều đau khổ hơn. Nhưng “con khỉ hài lòng tức thì” thì không biết suy nghĩ hợp lý, đối với nó “sân chơi đen tối” thú vị hơn nhiều.
Tin tốt là, nếu bạn tập trung năng lượng và đi đủ lâu trong “khu rừng tối”, một cái gì đó vui vẻ sẽ xảy ra. Hoàn thành một khâu nào đó trong công việc có thể tạo ra một cảm xúc tích cực, một cảm giác vệ sự hiệu quả và tiến bộ, và nó làm tăng lòng tự trọng của bạn. Con khỉ có được sức mạnh từ lòng tự trọng thấp của bạn, và một khi bạn có được lòng tự trọng cao, con khỉ sẽ tìm thấy “một quả chuối tự trọng cao” trên đường đi. Nó không dập tắt hoàn toàn sự kháng cự của con khỉ. Nhưng quả chuối sẽ đánh lạc hướng và làm con khỉ bị xao nhãng trong một lúc, và bạn sẽ nhận thấy những yêu cầu trì hoãn đã giảm bớt.
Sau đó, nếu bạn tiếp tục, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Một khi bạn thông qua được 2/3 hoặc 3/4 tiến trình của công việc, đặc biệt là nếu nó diễn biến tốt, bạn sẽ thấy tuyệt vời về mọi thứ, và thật bất ngờ, kết thúc đã ở ngay trước mặt. Đây chính là “điểm bùng phát”.
Điểm bùng phát là rất quan trọng, bởi vì không chỉ bạn ngửi thấy sân chơi vui vẻ ở phía trước, con khỉ cũng có thể ngửi thấy nó. Con khỉ không quan tâm nếu sự hài lòng tức thì có lợi cho bạn hay làm hại bạn, nó chỉ yêu thích những thứ dễ dàng và vui vẻ. Khi bạn đã tới được “điểm bùng phát”, con khỉ sẽ quan tâm nhiều hơn đến “sân chơi hạnh phúc” hơn là “sân chơi đen tối”. Khi điều này xảy ra, sẽ không còn thứ gì có thể làm bạn trì hoãn được nữa, cả bạn và con khỉ đều đang lao mạnh về phía trước.
Trước khi bạn kịp biết điều đó, công việc đã hoàn thành,và bạn đang ở trong “sân chơi hạnh phúc”. Bây giờ, lần đầu tiên bạn và con khỉ là một đội. Cả hai đều muốn vui chơi, và nó còn tuyệt vời vì bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc. Khi bạn và con khỉ là một đội, bạn hầu như luôn luôn hạnh phúc.
Một thứ khác cũng có thể xảy ra khi vượt qua “điểm bùng phát”, tùy thuộc vào loại công việc và tình huống cụ thể. Bạn bắt đầu cảm thấy tuyệt vời với những gì bạn đang làm. Và tiếp tục làm việc trông có vẻ vui hơn nhiều so với dừng lại để giải trí. Bạn trở nên ám ảnh với công việc và bạn mất hứng thú với tất cả mọi thứ khác, và trạng thái này được gọi là “dòng chảy”. Dòng chảy không chỉ đơn thuần là cảm giác hạnh phúc, nó là thứ xảy ra khi bạn làm những điều tuyệt vời.
Con khỉ cũng nghiện hạnh phúc như bạn và nó sẵn sàng lao vào dòng chảy cùng bạn. Cả hai bây giờ là một đội.
Chiến đấu để đạt tới “điểm bùng phát” là khó khăn. Nhưng điều khiến cho việc trì hoãn quá khó để đánh bại là “con khỉ hài lòng tức thì” có một bộ nhớ ngắn hạn khủng khiếp. Nếu bạn cực kỳ thành công vào thứ Hai, và khi bạn bắt đầu công việc vào thứ Ba, con khỉ sẽ quên hết tất cả mọi thứ và nó sẽ lại một lần nữa cố gắng cưỡng lại việc bị bạn kéo vào “khu rừng tối”.
Và đó là lý do vì sao sự kiên trì là yếu tố quan trọng của thành công. Mỗi lần bạn đặt được một viên gạch là mỗi lần bạn chiến thắng con khỉ. Tiếp tục dặt từng viên gạch, ngày qua ngày, đó là cốt lõi của cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát loại thế giới của mình của người trì hoãn.
Vì vậy, đó là những gì cần phải thực hiện, nhưng nếu sự trì hoãn có thể được giải quyết bằng cách đọc một vài bài viết, nó sẽ không là một vấn đề lớn trong cuộc sống của rất nhiều người. Chỉ có một cách để thực sự đánh bại sự trì hoãn:
BẠN CẦN PHẢI CHỨNG MINH CHO CHÍNH BẢN THÂN MÌNH LÀ BẠN CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐIỀU ĐÓ!
Bạn phải chứng tỏ với chính bạn, không phải là nói với chính bạn. Mọi thứ sẽ thay đổi khi bạn chứng tỏ rằng bạn có thể, Cho đến lúc đó, bạn sẽ không tin điều đó, và không có gì sẽ thay đổi.
Một số cách giúp bạn đánh bại con khỉ:
• Bạn phải nhận thức được rằng thực tế tất cả mọi thứ bạn làm là một sự lựa chọn.
• Cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ bằng cách nói với bạn bè hoặc người thân về mục tiêu của bạn để họ có thể đốc thúc bạn. Một số chuyên gia cho rằng nói với mọi người về mục tiêu của bạn có thể phản tác dụng, vì vậy điều này phụ thuộc tình trạng cụ thể của bạn. (Lời người dịch: thật trùng hợp, trước đây tôi cũng đã từng viết một bài về đề tài này, đó là bài Đừng nói kế hoạch của bạn cho bất kỳ ai).
• Hãy tự tạo ra một con quái vật hoảng loạn nếu bạn chưa có. Ví dụ nếu bạn đang chuẩn bị một buổi biểu diễn âm nhạc trong vài tháng tới, hãy đặt trước sân khấu và gửi lời mời tới vài nhóm người.
• Nếu bạn muốn viết một bài viết mới mỗi tuần trên blog của bạn, hãy đặt dòng chữ “Bài viết mới mỗi thứ Ba hàng tuần” trên blog.
• Hãy viết ghi chú để nhắc nhở chính mình thực hiện những lựa chọn tốt.
• Đặt chuông báo thức để nhắc nhở bản thân bắt đầu một công việc.
• Giảm thiểu tất cả các phiền nhiễu. Nếu TV là một vấn đề lớn, hãy bán TV của bạn. Nếu Internet là một vấn đề, hãy làm việc trên một máy tính thứ 2 mà không có kết nối wifi, đặt điện thoại ở chế độ im lặng.
• Khóa mình vào một thứ gì đó, ví dụ bạn phải mất một khoản tiền cho một người bạn như một hình phạt nếu bạn không thể hoàn thành được một công việc đúng thời hạn.
Hãy đặt mục tiêu chậm, tiến bộ ổn định, cuốn truyện được viết từng trang một ở mỗi thời điểm:
Đừng chú trọng vào việc thay đổi một sớm một chiều, điều quan trọng không phải là bạn thực hiện một cách hoàn hảo mà là có cải thiện. Giống như nhà văn viết mỗi trang một ngày và hoàn thành cuốn sách sau một năm, những người trì hoãn có thể cải thiện một chút mỗi tuần và hoàn toàn thay đổi sau một năm.
Vì vậy, đừng nghĩ đến việc đi từ A đến Z, hãy bắt đầu bằng việc đi từ A đến B. Thay đổi cốt truyện từ “tôi trì hoãn mọi nhiệm vụ khó khăn tôi làm” thành “mỗi tuần một lần, tôi làm một nhiệm vụ khó khăn mà không trì hoãn”. Nếu bạn làm được điều đó, bạn sẽ bắt đầu có một “xu hướng”. Tôi vẫn còn là một người trì hoãn, nhưng tôi đã tiến bộ hơn so với năm ngoái, do đó tôi cảm thấy hy vọng về tương lai.
Theo Waitbutwhy (Tim Urban) – Biên dịch và Việt hóa: Woody Übermensch – Ohay TV