" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

Chương 21 VẬN MỆNH CÁC MỐI QUAN HỆ: NƠI ĐỂ CHIA SẺ VÀ QUAN TÂM

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày Ba

* Mục tiêu của bạn:

Gia tăng mạnh chất lượng các mối quan hệ cá nhân của bạn và đào sâu mối tương quan cảm xúc với những người bạn thương mến nhất bằng cách xem lại sáu nguyên tắc cơ bản của sự thành công trong các mối quan hệ.

Sự thành công của chúng ta chỉ là vô nghĩa nếu không có ai đó để chia sẻ. Thực vậy, mối cảm xúc nhân bản mà chúng ta mong ước nhất là được gắn bó với những tâm hồn khác. Suốt trong cuốn sách này, chúng ta đã nói về ảnh hưởng của các mối quan hệ trong việc định hướng cá tính, giá trị, niềm tin và chất lượng của cuộc sống chúng ta. Đặc biệt, bài tập luyện hôm nay có mục đích đơn giản là nhắc bạn nhớ lại sáu điểm cơ bản có giá trị đối với mọi mối quan hệ. Chúng ta hãy tóm tắt sáu điểm ấy hôm nay:

1. Nếu bạn không biết rõ những giá trị và qui tắc của những người mà bạn chia sẻ quan hệ, chắc chắn bạn sẽ gặp đau khổ.

Người ta có thể yêu nhau, nhưng nếu vì lý do nào đó mà họ liên tục vi phạm các qui tắc của người mà mình thương, thì sẽ có buồn bực và dằn vặt trong mối quan hệ này. Bạn hãy nhớ rằng, mọi mối buồn bực bạn có với người khác đều là buồn bực vì sự vi phạm qui tắc và khi người ta có quan hệ mật thiết với nhau, thì sự đụng chạm giữa các qui tắc của nhau là điều không thể tránh. Nếu bạn biết rõ những qui tắc của một người, bạn có thể phòng ngừa trước được những đụng chạm như thế.

2. Một rắc rối lớn trong các mối quan hệ là do sự kiện đa số người ta có quan hệ để được một điều gì đó:

Họ muốn tìm kiếm người nào có thể làm cho họ hài lòng. Trong thực tế, để có một cách bảo đảm cho mối quan hệ của bạn vững bền, đó là coi mối quan hệ của bạn là nơi để bạn cho đi, chứ không phải nơi để bạn nhận vào.

3. Giống như mọi điều khác trên đời, để nuôi dưỡng một mối quan hệ, cần phải tìm kiếm một số điều – và phải để ý tìm kiếm.

Có một dấu hiệu cảnh giác trong mối quan hệ để nhắc nhở bạn phải giải quyết cấp thời một vấn đề trước khi nó vuột khỏi tầm tay. Trong cuốn Làm Thế Nào Để Luôn Luôn Yêu, tiến sĩ Barbara DeAngelis nêu ra 4 giai đoạn tai hại có thể giết chết một mối quan hệ. Nếu xác định được chúng, bạn có thể can thiệp kịp thời và loại bỏ được các vấn đề trước khi chúng trở thành những thói quen nguy hại đe dọa chính mối quan hệ.

GIAI ĐOẠN 1: CHỐNG ĐỐI

Giai đoạn thứ nhất thử thách mối quan hệ là khi bạn cảm thấy có sự chống đối. Hầu như bất cứ ai có mối quan hệ đều gặp những lúc mình cảm thấy chống đối điều người kia nói hay làm. Sự chống đối xảy ra khi bạn cảm thấy khó chịu hay hơi xa cách người kia. Có thể ở một buổi tiệc người kia nói đùa một câu làm bạn khó chịu và bạn nghĩ lẽ ra họ không nên nói. Cái rắc rối là ở chỗ hầu hết chúng ta không thổ lộ với người kia tình cảm chống đối của mình và vì thế nó cứ lớn lên mãi cho tới khi nó trở thành…

GIAI DOẠN 2: NGHI KỴ

Nếu sự chống đối không được xử lý, nó sẻ trở thành nghi kỵ. Giờ đây bạn không chỉ khó chịu, mà bạn tức giận với người kia. Bạn bắt đầu xa tránh người kia và dựng lên một bức tường cảm xúc. Sự nghi kỵ phá hủy tình thân mật và đây là một quan hệ tai hại và nếu không ngăn chặn, nó sẽ mạnh lên rất nhanh để trở thành…

GIAI ĐOẠN 3: TỪ CHỐI

Đây là điểm bạn cảm thấy sự nghi kỵ tích tụ nhiều đến nỗi bạn cảm thấy mình tìm hết cách để đổ lỗi cho người kia, đả kích người kia bằng lời hay không bằng lời. Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu cảm thấy tất cả những gì người kia làm đều chọc tức bạn, quấy nhiễu bạn. Ở đây không chỉ xảy ra sự xa cách về thể chất nữa. Nếu sự từ chối tiếp tục và để bớt đau khổ, chúng ta chuyển sang…

GIAI ĐOẠN 4: DỒN NÉN

Khi đã quá mệt vì phải đối phó với sự tức giận ở giai đoạn từ chối, chúng ta cố làm giảm bớt nỗi đau của mình bằng cách làm tê cóng cảm xúc. Như thế tránh được cảm giác đau khổ, nhưng đồng thời cũng đánh mất cảm giác sung sướng, thõa mãn. Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của mối quan hệ vì đây là điểm mà những người yêu nhau đã trở thành “bằng mặt mà không bằng lòng”. Không ai thấy hai người này có vấn đề gì, vì họ không bao giờ cãi vã hay đánh nhau, nhưng không còn mối quan hệ gì cả.

Phương pháp chủ yếu để ngăn ngừa 4 dấu hiệu này là gì? Câu trả lời đơn giản: hãy nói thẳng với nhau. Bạn hãy cho người khác biết các nguyên tắc của mình. Để tránh gây to chuyện, hãy dùng các ngôn từ thích hợp. Hãy nói đến khía cạnh tích cực, ví dụ, thay vì nói “Anh không thể chịu nỗi hành động đó của em”, bạn hãy nói, “Anh thích em làm thế này hơn”. Bạn hãy tập cắt đứt những thói quen cũ để tránh những tranh luận khi mà bạn thậm chí không còn nhớ đó là chuyện gì nữa, mà chỉ biết rằng bạn cần thắng bằng mọi giá.

4. Hãy làm cho mối quan hệ của bạn trở thành một ưu tiên cao nhất trong cuộc đời bạn;

Bằng không, nó sẽ phải nhường chỗ cho những chuyện khác cấp bách hơn xảy ra trong ngày. Dần dà, cảm xúc sâu xa và sự say mê sẽ tan biến.

5. Một trong những thói quen quan trọng nhất giúp bảo vệ lâu dài các mối quan hệ của chúng ta là tập trung mỗi ngày làm cho nó khá hơn lên.

Thay vì tập trung để ý đến những gì có thể xảy ra nếu mối quan hệ này chấm dứt. Chúng ta cần nhớ, khi chúng ta tập trung vào điều gì, chúng ta sẽ cảm nghiệm điều ấy. Nếu chúng ta luôn luôn tập trung vào chuyện sợ mối quan hệ của chúng ta đỗ vỡ, chúng ta sẽ bắt đầu một cách vô thức làm những điều gây hại cho mối quan hệ đó nhằm rút lui khỏi mối quan hệ trước khi chúng ta gặp rắc rối và đau khổ thực sự.

6. Mỗi ngày, hãy liên tưởng đến những điều bạn cảm thấy yêu thích nơi con người mà bạn có quan hệ. Hãy tăng cường cảm giác gắn bó của bạn với người ấy và sưởi ấm tình cảm thân mật và sự hấp dẫn của người ấy.

Hãy cảm thấy hãnh diện vì được chia sẻ cuộc đời với người ấy. Hãy tìm và tạo ra những giây phút đặc biệt để làm cho mối quan hệ của bạn trở thành một mẫu mực – một huyền thoại!

“Con tim tràn đầy có đủ chỗ cho mọi thứ,

Con tim trống rỗng không có chỗ cho một thứ gì.”

-ANTONIO PORCHIA

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 20 VẬN MỆNH THÂN XÁC: NGỤC TÙ ĐAU KHỔ HAY CUNG ĐIỆN HẠNH PHÚC

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày Hai

* Mục tiêu của bạn:

Cũng như bạn đã học cách luyện tập hệ thần kinh của bạn để tạo ra những thái độ mang lại cho bạn những kết quả mong muốn, vận mệnh của thể xác mà kinh nghiệm của bạn dựa vào cũng tùy thuộc cách bạn luyện tập việc chuyển hóa và vận động cơ bắp để tao ra năng lượng và sức dẻo dai như bạn mong ước.

Mục tiêu của anh ta là phá một kỷ lục thế giới. Trong suốt 11 ngày luyện tập căng thẳng, anh liên tục chạy 21 giờ mỗi ngày và chỉ ngủ 3 giờ mỗi tối. Thử thách tinh thần cũng khắc nghiệt không kém thử thách thể chất: anh phải di chuyển từ thế giới quen thuộc hằng ngày mà anh đã sống từ nhỏ để bước sang một thế giới mà mục tiêu hàng đầu của anh là bước tiến kế tiếp. Anh bỏ nhiều năm không chỉ luyện tập thể xác mà cả tinh thần của mình. Mục tiêu anh nhắm tới là gì? Chứng minh nguồn tiềm năng thể chất vô tận mà mỗi người đều cất giữ nơi mình. Bằng việc phá vỡ kỷ lục cũ và chạy trên 1,000 dặm trong 11 ngày 19 giờ, trung bình 84 dặm một ngày, Stu Mittleman đã chứng minh rằng nếu biết cách điều khiển tinh thần và thể xác của mình, người ta có thể tạo những kết quả vượt xa những gì mà xã hội coi là con người có khả năng làm được. Bằng tấm gương của mình anh đã chứng minh rằng khả năng của con người vượt quá sức tưởng tượng và chúng ta có thể thích ứng với bất cứ điều gì nếu chúng ta đề ra cho mình những đòi hỏi hợp lý mỗi ngày một gia tăng. Mục đích của chương này là chia sẻ với bạn những bí quyết cơ bản đã tạo sức mạnh cho Stu Mittleman để rèn luyện mình hoàn thành nhiệm vụ tuyệt vời này.

Tôi đã nhiều năm tìm hiểu những con người mà tôi coi là những bậc thầy trong lãnh vực chuyên môn của họ, và lãnh vực sức khoẻ thể chất và sự dẻo dai là một tiêu điểm quan trọng đối với cuộc đời của tôi trong suốt một thập niên. Khi tôi bắt đầu cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực này, Tôi bị hoang mang vì sự rối loạn của các quan điểm đối nghịch nhau do những chuyên gia được coi là có trình độ ngang nhau phát biểu ra. Để dung hòa các ý kiến trái ngược nhau đó, tôi lấy kết quả làm tiêu chuẩn số 1. Những ai thường xuyên đạt những kết quả có chất lượng là những người để tôi theo đuổi và học hỏi. thế nên, một bác sĩ chuyên gia tư vấn về sức khoẻ cho các bệnh nhân mà chính ông chỉ cân nặng 30 kg thì khó làm tôi tin; cũng vậy, tôi phải nghi vấn về trình độ của một chuyên viên thể dục thể hình mà thân hình của chính cô ta coi cằn cỗi và mỗi khi tập luyện thì đầy những thương tích nơi người.

Lần đầu tiên khi tôi nghe kể về Stu Mittleman và những thành tích của anh, tôi thực sự bị cuốn hút, nhất là khi tôi nghe kể thêm là tất cả những người chứng kiến thành tích của anh đều nói rằng lúc anh ta đạt mức 1,000 dặm thì trông anh ta còn khoẻ hơn lúc anh ta mới xuất phát! Anh ta không hề bị chấn thương nào – một vết da bị giộp cũng không! Điều gì đã giúp anh đạt tới mức tột cùng của thân thể anh mà vẫn còn có thể gia tăng tối đa tiềm năng của mình mà không làm nó bị thương tổn?

Chắc hẳn là Stu đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chạy của mình. Anh có các bằng thạc sĩ về tâm lý học thể dục, xã hội và tâm lý xã hội học và đang chuẩn bị luận án tiến sĩ về sinh lý học thể dục ở Đại học Columbia. Nhưng kiến thức quí báu nhất đối với anh là biết phân biệt rõ sức khoẻ và sự dẻo dai không phải là một. Đây là một kiến thức mà Jim Fixx không có: ông là tác giả nổi tiếng của các sách về môn chạy điền kinh, ông là người dẻo dai, nhưng lại không có sức khoẻ.

Chính xác tôi muốn nói gì khi phân biệt giữa sức khoẻ và sự dẻo dai? Dẻo dai là “khả năng thể chất để thực hiện các hoạt động thể dục”. Ngược lại, sức khoẻ là “tình trạng mọi bộ phận trong cơ thể đều hoạt dộng một cách tối ưu: thần kinh, cơ bắp, xương cốt, tuần hoàn, tiêu hóa, bạch huyết…” Nhiều người nghĩ rằng sức dẻo dai đòi phải có sức khoẻ, nhưng thực tình chúng không nhất thiết đi đôi. Có cả sức khoẻ lẫn sự dẻo dai là điều lý tưởng, nhưng nếu bạn đặt sức khoẻ lên hàng số một, bạn sẽ luôn hưởng thụ được những điều tốt đẹp to lớn trên đời. Nếu bạn nhắm đạt sức dẻo dai mà hi sinh sức khoẻ, e rằng bạn không thọ đủ để vui hưởng thân hình tuyệt mỹ của mình.

Bạn có thể đạt được thế quân bình tối ưu giữa sức khoẻ và sự dẻo dai nhờ việc luyện tập hoạt động chuyển hóa của bạn. Chúng ta có thể luyện tập tâm trí và cơ bắp thế nào, thì chúng ta cũng có thể luyện tập hoạt động chuyển hóa của mình như vậy.

Sự khác biệt lớn nhất giữa sức khoẻ và sự dẻo dai là ở chỗ hiểu được sự khác biệt giữa việc luyện tập thân khí (aerobic) và việc luyện tập kỵ khí (anaerobic), giữa sự chịu đựng (endurance) và sức mạnh (power). Thân khí có nghĩa là “có oxygen” và nói đến việc luyện tập với cường độ vừa phải nhưng kéo dài trong một thời gian. Hệ thống thân khí của bạn là hệ thống tạo sức chịu đựng, gồm có tim, mạch máu, phổi và các cơ bắp thân khí. Nếu bạn kích hoạt hệ thân khí của bạn bằng chế độ ăn uống và luyện tập đúng mức, bạn đốt cháy chất béo làm nhiên liệu.

Ngược lại, kỵ khí có nghĩa là “Không có oxygen” và nói đến việc luyện tập tạo ra những đợt sức mạnh ngắn ngủi. Luyện tập kỵ khí đốt cháy Glycogen làm nhiên liệu, đồng thời làm cho cơ thể dự trữ chất béo. hệ di truyền đóng một trò trong khả năng đốt chất béo của cơ thể và trong thực tế, nhiều người bẩm sinh đã có một hệ thân khí hoàn chỉnh. đó là những người mà chúng ta phải ganh tị vì hình như họ có thể ăn bất cứ thứ gì mà vẫn không bị béo phì.

Hầu hết các loại tập luyện thể dục có thể là thân khí hay kỵ khí, tùy theo cường độ của việc luyện tập. Đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, bơi, nhảy,.v.v…có thể mang lại một trong hai hiệu quả là thân khí hay kỵ khí. Nếu nhịp tim đập chậm là thân khí, nhịp tim đập nhanh thì là kỵ khí. Thông thường, các môn thể thao như quần vợt, bóng rổ, bóng đá và các môn thể thao tương tự là kỵ khí.

Chúng ta đang sống trong một xã hội kỵ khí quá nhiều và thân khí quá ít, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sức khoẻ của chúng ta. trong xã hội công nghiệp và hiện đại, người ta trở nên ít hoạt động. Mới chỉ mấy thập niên trước, người ta còn làm hầu hết công việc trong nhà bằng tay chân. Nhưng nay chúng ta sử dụng máy móc nhiều và vì thế ít vận động thân thể. Cho nên chúng ta có nhu cầu luyện tập thể dục để bù đắp vào chỗ thiếu hoạt động do trạng thái ít hoạt động. Tiếc thay, nhiều người tuy có những ý hướng tốt, kể cả các vận động viên điền kinh, đang ngày càng trở nên kém sức khoẻ hơn qua việc luyện tập. Lý do là vì quá nóng ruột muốn đạt những hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất, chúng ta tạo nên một thế quân bình không hợp lý giữa sức khoẻ và sự dẻo dai và phải gánh chịu hậu quả.

Tuy nhiên, giải pháp cho tình trạng này cũng đơn giản. Bí quyết của Stu Mittleman là anh đã hiểu rằng sức khoẻ và sự dẻo dai phải đi đôi với nhau. Theo tiến sĩ Maffettone, chúng ta có thể đạt được điều này nếu hiểu được rằng:

…mọi chương trình luyện tập đòi hỏi ta phải bắt đầu bằng việc xây dựng một cơ sở thân khí – một thời kỳ mà chương trình luyện tập của chúng ta phải dựa hoàn toàn trên hoạt động thân khí và hoàn toàn không có loại luyện tập kỵ khí. Thời kỳ cơ bản này có thể kéo dài từ tối thiểu 2 đến tối đa 8 tháng và trong thời kỳ này ta phải luyện tập thân khí tới mức phát triển tối ưu. Tiếp theo là thời kỳ luyện tập kỵ khí khoảng một, hai hay ba lần mỗi tuần… Phát triển đúng mức hệ thân khí không những sẽ làm bạn thành vận động viên giỏi hơn, mà nó còn giúp đốt cháy chất béo dư thừa ở hai bên hông của bạn, cải thiện hệ miễn nhiễm, cho bạn thêm năng lượng và giúp bạn tương đối khó bị chấn thương. Nói tóm lại, nó giúp xây dựng toàn diện sức khoẻ và sức dẻo dai của bạn nhờ việc điều khiển hoạt động chuyển hóa của bạn bằng việc luyện tập thân khí và kỵ khí đúng mức.

Stu Mittleman quả quyết với chúng ta rằng chúng ta có thể duy trì và cải thiện được sức khoẻ của mình cho tới tuổi già. Điều quan trọng trong lãnh vực này không phải là thời gian mà là quyết tâm của chúng ta trong việc tạo một nếp sống phát triển sức khoẻ. Tuy chỉ có một số người có may mắn bẩm sinh đốt cháy chất béo hay được trời cho năng khiếu tốc độ hay thể lực, nhưng bất kỳ ai cũng có thể đạt được sức khoẻ và sự dẻo dai nếu ý thức và quyết tâm điều khiển hệ sinh hóa của cơ thể mình.

“Chúng ta không bị giới hạn vì tuổi già;

chúng ta được tuổi già giải phóng”.

-STU MITTLEMAN

Nguồn suối của tuổi trẻ

Một báu vật không thể phủ nhận của nền văn minh của chúng ta là tuổi trẻ và sinh lực. Biết bao người mải miết tìm mọi cách hầu như có thể kéo dài “tuổi thanh xuân” của mình, trong khi nguồn mạch của tuổi trẻ đã có sẳn trong mọi con người. Nguồn mạch này được gọi là hormon tăng trưởng hay kích thích tố tăng trưởng của con người (HGH). HGH kích thích sự tăng trưởng của các mô, tăng sự dẻo dai của cơ bắp, kích thích tính đàn hồi, làm cơ bắp nảy nở, kích thích sự tăng trưởng của xương và các cơ quan và giúp giữ các mô khoẻ mạnh. Từ lúc bạn chào đời cho tới khoảng 30 tuổi, HGH được phóng thích tự nhiên vào trong mạch máu khoảng 1 giờ rưỡi sau khi bạn đi ngủ và cũng một lần trước khi bạn thức dậy vào buổi sáng. lượng phóng thích HGH sẽ giảm đi theo thời gian. Đến 60 tuổi, khoảng 30% đàn ông tiết ra ít hay không còn tiết ra chất này.

Người ta suy đoán rằng đàn bà ở tuổi già vẫn còn tiết ra kích tố tăng trưởng này và do đó là một lý do khiến họ sống thọ hơn.

Chúng ta cũng nhận được những đợt tiết ra chất kích tố tăng trưởng sau những cuộc luyện tập nặng hay sau một chấn thương trầm trọng vì HGH là một chất chữa lành. Ngày nay HGH được tổng hợp trong các phòng thí nghiệm và được dùng cho các trẻ bị còi và lùn để kích thích sức tăng trưởng của chúng. Nhưng bạn làm cách nào để làm gia tăng khả năng tự nhiên phóng thích HGH vào trong cơ thể của bạn? Một cách kích thích hiệu quả là luyện tập mạnh một cách chớp nhoáng và liên tục. Nghĩa là bạn thực hiện liên tục một vận động chỉ kéo dài khoảng 35-45 giây thôi, như tập cử tạ chẳng hạn. Các thí nghiệm ở Miami, Florida đã cho những kết quả kinh ngạc. Những người tuổi 60 mà 10 đến 15 năm trước đó không có vận động cơ bắp được cử tạ và họ đã tạo được những lượng cơ bắp tương đương với lượng cơ bắp của những thanh niên 21 tuổi, với những mức năng lượng thích hợp.

Điều này chứng tỏ bạn dù ở tuổi 70 hay 80 vẫn có thể khoẻ bằng hồi bạn 20 tuổi hay 30 tuổi! Không những bạn có thể tiếp tục tạo sức chịu đựng bằng luyện tập thân khí như chúng ta đã nói ở trên, mà bạn còn có thể tăng sức mạnh của bạn bằng những đợt luyện tập kỵ khí ngắn. Chỉ cần nhớ một điều: hãy cho cơ thể bạn chất bổ dưỡng cần thiết. Đừng làm hại cơ thể bạn bằng việc sử dụng quá đáng những chất như đường, chất béo, muối, hay thịt. Nếu chúng ta kiểm soát được thân xác của mình bây giờ, chúng ta sẽ là những phần tử mạnh mẽ và đầy sinh lực để có những cống hiến quí báu cho xã hội và vui hưởng tối đa đời sống của mình.

“Thân thể con người là hình ảnh

đẹp nhất của linh hồn con người”.

-LUDWIG WITTGENSTEIN

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 19 VẬN MỆNH CẢM XÚC: THÀNH CÔNG ĐÍCH THỰC DUY NHẤT

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày một

* Mục tiêu của bạn.

Kiểm soát các cảm xúc thường xuyên của bạn

và bắt đầu uốn nắn một cách ý thức và quyết tâm

các kinh nghiệm sống hằng ngày của bạn.

Không có thành công nào thực sự là thành công mà thiếu thành công của cảm xúc. Tuy nhiên, trong số ba ngàn cảm xúc mà chúng ta có từ ngữ để diễn tả, thì một người bình thường chỉ cảm nghiệm khoảng một chục cảm xúc khác nhau trong một tuần lễ. Điều này không có nghĩa là khả năng cảm xúc của chúng ta chỉ có thế, nhưng nó cho thấy chúng ta bị giới hạn trong việc tập trung vào cảm xúc và trong chức năng sinh lý của chúng ta.

Từ đầu sách đến giờ, chúng ta đã không ngừng tìm hiểu về việc làm chủ các cảm xúc và bạn đã khai triển một tầm mức khá rộng những công cụ để thay đổi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ bất kỳ cảm xúc nào bạn mong muốn. Bây giờ bạn hiểu rõ rằng việc thay đổi cách cảm nhận của chính bạn là động lực ẩn đàng sau hầu hết các thái độ cư xử của bạn. Thế nên đây là lúc để bạn khai triển một chương trình năng động cho việc xử lý các mẫu cảm xúc tiêu cực mà bạn thường cảm nghiệm. Một việc cũng quan trọng không kém là bạn tạo cho mình khả năng phát triển về lượng và chất số thời gian mà bạn trải qua trong các trạng thái cảm xúc gồm:

* Chức năng sinh lý

* Tiêu điểm

* Các câu hỏi

* Các khuôn mẫu phụ

* Sử dụng từ ngữ chuyển đổi

* Các ẩn dụ

* Khoa điều khiển bằng liên tưởng

* Các niềm tin

* Tương lai thôi thúc

* Các giá trị

* Các nguyên tắc

* Các kinh nghiệm để đối chiếu

* Cá tính

Mục đích của bài luyện tập hôm nay đơn giản thôi: làm cho bạn ý thức về các mẫu cảm xúc hiện có của bạn và giúp bạn sử dụng tối đa các kỹ năng trên đây khi cần để bảo đảm hình thành định mệnh cảm xúc của bạn mỗi ngày.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 18 CÁ TÍNH: BÍ QUYẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

“Không có gì vĩ đại được thực hiện

nếu không có những con người vĩ đại;

và con người vĩ đại nếu họ quyết tâm trở nên vĩ đại.”

-CHARLES DE GAULE

Không thấy dấu vết gì trên thân thể anh ta. Người Nhật đã giam giữ anh ta trong một căn phòng chật hẹp suốt 24 giờ, nhưng họ không hề đánh đập hay tra tấn anh. Thậm chí họ còn cho anh một, hai điếu thuốc…và sau một cuộc đối thoại lịch sự, anh lính Mỹ này đã tự tay viết 1 bản tự thú về vô số những sự bất công và tính phá hoại của đời sống theo kiểu Mỹ và ca ngợi tính ưu việt và nhân đạo của chế độ phát xít Nhật. Sau bản tự thú này, anh còn cung cấp cho quân đội Nhật những thông tin quân sự, tố giác các bạn tù của mình và hăng hái tố cáo chính tổ quốc của mình.

Điều gì đã làm cho con người này hoàn toàn đảo ngược thế giới của mình và từ bỏ tất cả những niềm tin mà anh đã được hun đúc từ bé đến giờ? Điều gì đã khiến anh phủ nhận những giá trị cơ bản mà anh đã ôm ấp bấy lâu và bây giờ chạy sang cộng tác với quân địch? Một sự thay đổi duy nhất nào đã tạo nên một chuyển biến toàn diện trong tư tưởng, cảm xúc và hành động của con người này?

Câu trả lời là ở chỗ hiểu được con đường đã đưa anh tới chỗ thay đổi cá tính của mình. Giờ đây anh chỉ đơn giản hành động hợp với cái nhìn mới của anh về bản thân mình.

Trong suốt cuốn sách này, bạn đã cùng tôi khai thác tầm ảnh hưởng của những niềm tin, một trong những yếu tố của Hệ thống chủ đạo hướng dẫn mọi phán đoán của chúng ta. Các niềm tin hướng dẫn ta tới các kết luận và vì thế chúng dạy ta cách cảm nhận và hành động. Tuy nhiên, có nhiều mức độ niếm tin khác nhau với những tầm mức ảnh hưởng khác nhau đối với chất lượng đời sống chúng ta. Ví dụ, những niềm tin của bạn về một người bạn thân nào của bạn sẽ ấn định cách bạn suy nghĩ và cảm nhận về thái độ của người bạn ấy và về ý nghĩa mà bạn gán cho các hành động của anh ta. Nếu bạn “biết” anh ta là người dễ mến, thì dù anh ta có vẻ tức giận một lúc nào đó, bạn vẫn không hề thắc mắc về thiện ý của anh ta. Niềm tin này sẽ hướng dẫn mọi hành vi giao tiếp của bạn với con người này. Nhưng nó sẽ không nhất thiết ảnh hưởng tới cách đối xử của bạn với một người xa lạ. Những niềm tin này chỉ ảnh hưởng đến bạn trong một lãnh vực đặc biệt của đời bạn: các giao tiếp ứng xử với người bạn này.

Tuy nhiên, một số niềm tin có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến cuộc đời bạn, đó là những niềm tin tổng quát. Những niềm tin này có những hậu quả sâu rộng và xa hơn. Ví dụ những niềm tin của bạn về loài người nói chung sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với người bạn của bạn, mà với bất kỳ ai bạn gặp. Những niềm tin này sẽ tác động mạnh trên nghề nghiệp của bạn, mức dộ tin cậy của bạn, đời sống gia đình của bạn,.v.v…

Ví dụ, những niềm tin tổng quát của bạn về sự thiếu thốn và sự dư thừa sẽ ấn định mức độ lo lắng của bạn và sự độ lượng của bạn về phương diện thời giờ, tiền bạc, sức lực và tinh thần. Nếu bạn tin rằng chúng ta đang sống trong một thế giới nghèo về nguồn lực – trong thế giới này chỉ có tiền bạc, thời giờ, tình yêu là dư dật – bạn sẽ luôn luôn sống trong sự sợ hãi là mình không bao giờ có đủ. Sự lo lắng này sẽ ảnh hưởng cách bạn suy nghĩ về những người chung quanh, các đồng nghiệp, khả năng kinh tế của bạn và các cơ hội nói chung.

Thế nhưng, mạnh hơn tất cả những niềm tin nói trên, có một niềm tin cơ bản soi sáng và gạn lọc mọi nhận thức của chúng ta. Niềm tin cơ bản này điều khiển trực tiếp sự nhất quán của chúng ta trong các quyết định của đời sống mình. Đó là những niềm tin về cá tính của bạn.

Vậy cá tình là gì? Đơn giản đó là những niềm tin chúng ta dùng để xác định tính cách riêng của mình, cái làm chúng ta trở thành duy nhất – tốt, xấu, hay trung lập – khác hẳn mọi cá nhân khác. Và cảm giác chắc chắn của chúng ta về bản thân mình tạo thành những ranh giới cho cuộc sống chúng ta.

“Chúng ta cảm nhận được ảnh hưởng

cao quí nhất của những con người xuất sắc

sau khi chúng ta đã mất đi sự hiện diện của họ”.

– RALPH WALDO EMERSON

Tất cả chúng ta đều hành động nhất quán với cái nhìn của chúng ta về con người thực sự của mình, cho dù cái nhìn đó có chính xác hay không. Lý do là vì trong chúng ta có một sức mạnh vô song, đó là nhu cầu nhất quán. Trong suốt cuộc đời, chúng ta đã quen liên kết sự đau khổ với tính bất nhất và sự thỏa mãn với tính nhất quán. Bạn hãy nghĩ về điều đó. Chúng ta sẽ đánh giá một người thế nào khi người ấy nói một đàng làm một nẻo, muốn coi mình là thế này nhưng lại xử sự thế khác. Chúng ta gọi họ là hạng đạo đức giả, tiểu nhân, bất nhất, hay thay đổi, không thể tin cậy. Tất nhiên bạn không muốn mình thuộc hạng người ấy.

Ngược lại, khi chúng ta xử sự nhất quán theo cá tính của mình, chúng ta cảm nhận được những niềm sung sướng to tát. Với những người xử sự nhất quán với cá tính của họ, chúng ta gọi họ là những người trung thực, tin cậy được, thông minh, ổn định, hợp lý, kiên định. Tất nhiên bạn muốn mình thuộc loại người này.

Cá tính chúng ta hình thành như thế nào?

Trong chiến tranh Triều Tiên, rất nhiều tù binh Mỹ đã tố giác các bạn tù của mình. Lý do chủ yếu là vì người cộng sản trung Quốc hiểu rất rõ sức mạnh của cá tính trong việc thay đổi tức thời không chỉ các niềm tin và giá trị ôm ấp đã lâu, mà cả các hành động của một người. Họ không cần hành hạ hay tra tấn thể xác, mà họ khôn khéo áp dụng hình thức chiến tranh tâm lý riêng của họ, không chỉ đơn thuần nhắm thu thập thông tin hay bắt phục tùng, mà là cải hóa những chiến binh Mỹ đi theo triết lý chính trị của họ. Họ biết rằng nếu họ có thể đưa người chiến binh này vào hệ thống những niềm tin và giá trị mới, anh ta sẽ tự nhìn thấy vai trò của đất nước anh ta trong chiến tranh là vô ích và phá hoại và vì thế anh ta sẽ sẳn sàng hỗ trợ họ trong bất kỳ điều gì họ yêu cầu. Và họ đã thành công. Hiểu được những gì họ đã làm có thể giúp bạn hiểu được bạn đã đạt đến cá tính đang có của bạn như thế nào và bạn có thể phát triển nó cách nào. Và phát triển được cá tính, bạn có thể phát triển cả đời sống của mình chỉ trong một thời gian ngắn.

Bạn hãy tự hỏi mình, bạn đã chọn cá tính cho mình một cách ý thức, hay cá tính của bạn là do người khác xếp đặt cho bạn, do những biến cố quan trọng trong đời bạn tạo ra và do những yếu tố khác đã xảy ra mà bạn không ý thức hay không chấp nhận? Bạn đã chọn những cung cách ứng xử nhất quán nào để giờ đây chúng giúp hình thành nến tảng cho cá tính của bạn?

Liệu bạn có sẳn sàng chịu đau đớn cùng cực để cứu giúp một người lạ không? Đa số đều có câu trả lời đầu tiên là, “Dứt khoát không”. Thế nhưng trong một cuộc nghiên cứu vào năm 1970, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng nếu một người đạt tới chỗ tin tưởng rằng sự nhất quán của cá tính họ dựa trên điều đó, thì họ chắc chắn sẽ có một hành vi xả thân như thế.

Cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu người ta được yêu cầu có những quyết định nho nhỏ lúc đầu, rồi thực hiện tiếp theo hai hành động cho thấy nếu không tự nguyện xả thân sẽ là con người “vô cá tính”, thì nhiều người sẽ bắt đầu phát triển một cá tính mới. Họ sẽ nhận ra mình là những người “hiến thân”, những người tự nguyện một cách vô vị lợi bằng sự hi sinh của mình để cứu giúp những người cần đến họ. Lúc đó họ sẽ cảm thấy bị thúc bách bởi sức mạnh của cá tính mới của họ để họ hành động mà không cần đắn đo về thời giờ, tiền bạc hay những hi sinh họ phải chịu. Cái nhìn của họ về bản thân mình như những con người “hiến thân” trở thành tấm gương phản chiếu chính bản thân họ. Không có lực bẩy nào mạnh hơn là cá tính trong việc hình thành thái độ con người.

Phát triển cá tính

Nếu bạn thấy rằng cá tính của bạn không được như bạn mong muốn, bạn hãy thực hiện 4 bước sau đây để phát triển cá tính của mình:

1. Bạn hãy viết ngay ra danh sách tất cả các yếu tố bạn muốn có trong cá tính của mình. trong khi viết, bạn hãy tin tưởng rằng chỉ cần bạn quyết tâm là bạn có thể thay đổi. Ai có những đức tính mà bạn muốn có? Họ có thể làm mẫu mực cho bạn không? Bạn hãy tưởng tượng bạn sẽ hít thở thế nào? Đi đứng thế nào? Suy nghĩ thế nào? Cảm nhận thế nào?

2. Nếu bạn thực sự muốn phát triển cá tính và đời sống của mình, thì ngay lúc này, bạn hãy có ý thức quyết định mình sẽ là con người như thế nào. Hãy hồ hởi như một đứa bé và mô tả con người mà bạn muốn trở thành hôm nay. Hãy viết ra danh sách phát triển của bạn.

3. Bây giờ bạn hãy khai triển một chương trình hành động mà bạn có thể thực hiện để thúc đẩy bạn ý thức rằng bạn đang sống trung thực và nhất quán với cá tính mới của mình. Trong khi khai triển chương trình này, bạn hãy để ý tới những bạn bè mà bạn thích giao tiếp. Họ có giúp tăng cường hay phá hoại cá tính mà bạn đang xây dựng?

4. Bước cuối cùng là gắn bó với cá tính mới này của bạn bằng cách làm lan tỏa nó ra chung quanh bạn. Tuy nhiên cách lan tỏa quan trọng nhất lại là công bố cho chính bản thân bạn. Hãy dùng nhãn hiệu mới của mình để mô tả bản thân mình mỗi ngày, rồi nó sẽ trở thành tập quán của bạn.

“Nếu tất cả chúng ta đều làm những gì mình có khả năng làm,

chúng ta sẽ khiến chính mình phải thực sự kinh ngạc”

-THOMAS EDISON

Tương lai cá tính của bạn

Chúng ta sống trong một thế giới phát triển không ngừng, và vì thế cá tính của chúng ta cũng phải liên tục triển nở để cảm thụ được tất cả chất lượng cao đẹp nhất của cuộc sống. Bạn cần ý thức về những điều có thể ảnh hưởng đến cá tính của bạn, nhận ra những tác động tích cực và tiêu cực và kiểm soát toàn diện tiến trình này. Bằng không, bạn sẽ trở thành tù nhân của quá khứ mình. Bạn hãy tự hỏi mình, “Tôi lúc này có phải vẫn là cùng một người như lúc tôi bắt đầu cầm đọc cuốn sách này không?”

Bản thân tôi luôn luôn tự trau giồi mình để phát triển và người ta thường ngạc nhiên khi thấy tôi có một mức tự tin thật cao khi lao mình vào những cuộc phiêu lưu mới. Người ta thường hỏi tôi, “Làm sao anh làm được quá nhiều chuyện trên đời?” Tôi nghĩ phần lớn là do tôi có cái nhìn khác với phần lớn người ta: trong khi đa số cần phải có thực lực thì mới dám tự tin, thì ngược lại, tôi quyết định phải cảm thấy tự tin trước, nhờ đó tôi có niềm tin chắc để kiên trì cho tới lúc tôi có được thực lực. Chính vì thế mà cá tính của tôi không bị giới hạn bởi những kinh nghiệm của quá khứ.

Bạn và tôi cần phát triển cái nhìn về bản thân mình: chúng ta là ai? Chúng ta cần chắc chắn rằng những cái nhãn chúng ta tự dán cho mình không được giới hạn mình, nhưng phải kích thích mình tiến tới, để chúng ta luôn luôn làm cho những gì đã tốt nơi ta được mãi mãi trở nên tốt hơn. Đây là sức mạnh của niềm tin.

Bạn hãy phấn khởi, hãy thoải mái. Hãy vui đùa như trẻ thơ. Hãy khám phá những cuộc phiêu lưu đến với bạn từng ngày từng giờ và phát triển ý thức chắc chắn rằng mỗi ngày bạn qua đi bạn đều trở thành tốt hơn, mạnh hơn và thỏa mãn hơn.

Bây giờ chúng ta giải trí một chút với 7 ngày thử thách. Mỗi ngày tôi sẽ cung cấp cho bạn một bài luyện tập ngắn để bạn áp dụng những gì bạn đã học và cống hiến bạn cơ hội để bắt đầu gặt hái những hoa quả của một số chiến lược và phương pháp bạn đã được trình bày. Nào chúng ta bắt đầu Bảy ngày hình thành định mệnh của bạn.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 17 NHỮNG BÀI HỌC CỦA KINH NGHIỆM: SỢI CHỈ DỆT NÊN CUỘC ĐỜI

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

“Trí óc con người một khi đã mở rộng cho một ý tưởng mới

sẽ không bao giờ thu hẹp trở lại tầm vóc cũ của nó”.

-OLIVER WENDELL HOLMES

Những bài học của kinh nghiệm

Những bài học của kinh nghiệm là gì? Đó là mọi kinh nghiệm trong đời sống của bạn – tất cả những cái anh đã thấy, nghe, sờ, nếm và ngửi thấy. Chúng được ghi nhận trong hệ thần kinh và cất giữ trong não của bạn. Một số kinh nghiệm được bạn lấy ra bằng ý thức, số khác bằng vô thức. Một số là kinh nghiệm bản thân của bạn, số khác là những kinh nghiệm của người khác mà bạn đã nghe hay đã đọc thấy.

Nhiều trong số những kinh nghiệm này được tổ chức để hổ trợ các niềm tin của bạn, để làm bạn chắc chằn về ý nghĩa của một điều gì đó. Ví dụ, nếu bạn nghĩ là bạn thông minh, đó là vì bạn đã có một số kinh nghiệm chứng tỏ cảm nghĩ đó.

Chúng ta có khá nhiều kinh nghiệm để kiện cường những ý nghĩ của mình: chúng ta tự tin hay nhút nhát, chúng ta vị tha hay ích kỷ. Điều quan trọng là chúng ta biết mở rộng kho kinh nghiệm trong cuộc đời mình. Cố gắng tìm kiếm những kinh nghiệm làm phát triển ý thức của mình về tính cách bản thân, về khả năng và tổ chức các kinh nghiệm để chúng trở nên hiệu quả.

Đọc sách để nuôi dưỡng trí óc

Vốn kinh nghiệm của bạn không chỉ là những kinh nghiệm bản thân của bạn. Bạn có thể vay mượn những kinh nghiệm của người khác. Hồi còn trẻ, tôi quen chú ý tới những con người giàu kinh nghiệm, những con người thành đạt, có nhiều cống hiến và có ảnh hưởng đến đời sống của những người khác. Để học hỏi kinh nghiệm, tôi đã đọc những tiểu sử của các con người thành đạt và học được rằng, dù họ thuộc bối cảnh hay điều kiện sinh sống nào, họ luôn luôn thành công khi họ nắm vững xác tín, tự tin và kiên trì cống hiến. Tôi đã dùng các kinh nghiệm của họ như là của mình và đã hình thành những niềm tin cố hữu để làm nên định mệnh đời mình.

Bạn hãy khai thác kho kinh nghiệm vô tận trong văn chương, tiểu thuyết, các truyện thần thoại, thi ca và âm nhạc. Hãy đọc sách, xem phim, coi kịch, nghe băng, tham dự hội thảo, nói chuyện với người khác và có những ý tưởng mới. Mọi kinh nghiệm đều có sức mạnh và bạn không bao giờ biết trước được kinh nghiệm nào sẽ có thể thay đổi toàn diện cuộc đời mình.

Dùng những kinh nghiệm tương phản

để tạo phối cảnh cho đời bạn

Trong khi một số kinh nghiệm nâng cao phẩm chất đời bạn và mở rộng viễn ảnh của bạn, thì cũng có những kinh nghiệm cho bạn thấy một mặt khác của cuộc đời mà bạn không muốn cảm nghiệm. Nhưng đây cũng là những loại kinh nghiệm bạn có thể dùng làm cho cuộc đời của mình giữ được quân bình. Chúng tạo một mức độ tương phản mới. Dù có lúc bạn cảm thấy sự việc quá tồi tệ đối với mình, bạn cũng nên nhớ rằng có những người khác còn trải qua những kinh nghiệm đau thương hơn bạn.

Chúng ta cũng có thể dùng những kinh nghiệm mới để tạo động lực cho đời mình, mỗi khi chúng ta bắt đầu cảm thấy tự mãn. Dù bạn đã có những kinh nghiệm thành công đến đâu, thì bạn cũng phải nhớ rằng có những người khác còn thành công gấp mấy bạn. Khi bạn thấy mình đã có những tài năng đạt tới mức cao nhât, bạn cũng thấy có những người có tài năng còn cao hơn nhiều. Và đây chính là một vẻ đẹp của cuộc đời: nó thúc đẩy chúng ta không ngường tiến tới và phát triển.

Tôi không bao giờ quên được ấn tượng lần đầu tiên tôi gặp kiến trúc sư và trùm khách sạn Christ Hemmeter. Vợ chồng tôi có hân hạnh là những người đầu tiên được mời dự lễ tân gia với gia đình ông ở Hawaii – một dinh thự trị giá 70 triệu đô la mà không lời nào có thể mô tả. Chỉ riêng dàn cửa trước đã trị giá 1 triệu đô la. Bạn có thể nói, “Thực là quá sức phung phí!” nhưng nó cũng là một kinh nghiệm phong phú nếu chúng ta nhìn nó trên phương diện phát triển kinh doanh hay kinh tế. Thế là tôi đem tòa lâu đài trị giá 4 triệu đô la của mình so sánh với dinh thự này. Nó chỉ bằng dàn cửa trước và những bậc thang bằng đá hoa cương của dinh thự. Như thế trong đời mình, tôi vẫn còn có khả năng để suy nghĩ xa hơn, tiến cao hơn và tưởng tượng phong phú hơn. Điểm đẹp nhất của cuộc gặp gỡ với vợ chồng Christ là tôi khám phá ra họ là những con người hết sức thân tình và họ dùng của cải của mình để tạo một bầu không khí ấm áp tình người giúp họ sáng tạo.

” Con người chỉ có thể đúng bằng quả tim;

Con mắt không thể nhìn thấy điều cốt yếu”.

– ANTOINE DE SAINT-EXUPERY

Bạn hãy nghĩ đến một kinh nghiệm tệ nhất bạn đã trải qua. Bây giờ khi nhìn lại nó, bạn có thể nghĩ đến một cách nào mà nó có thể có một ảnh hưởng tích cực cho đời bạn không? Ví dụ bạn bị đuổi việc, bị trấn lột, bị một tai nạn xe, nhưng từ sự cố đó bạn rút tỉa một bài học quí báu, bạn có một quyết định mới, một ý thức mới giúp bạn triển nở cá tính và tăng thêm khả năng cống hiến của bạn.

Bạn hãy nhớ rằng, sự mất mát là một điều của trí tưởng tượng. Không có gì mất đi trong vũ trụ này; chúng chỉ biến hình đổi dạng. Nếu bạn còn đang cảm thấy đau đớn về chuyện gì, lý do là vì ý nghĩa bạn gán cho chuyện đó mà thôi. Trong lúc đó, bạn hãy tin tưởng chấp nhận, rồi một ngày nào đó bạn sẽ hiểu rõ ý nghĩa đầy đủ hơn.

Kinh nghiệm giới hạn tạo nên đời sống giới hạn. Nếu bạn muốn đời sống bạn rộng mở, bạn hãy mở rộng kinh nghiệm của mình bằng cách tìm tòi và tạo ra những ý tưởng cũng như những kinh nghiệm mới. Bạn phải chủ động tìm kiếm chúng.

Mở rộng kinh nghiệm và mở rộng đời bạn

Chúng ta luôn luôn có thể sử dụng những kinh nghiệm mà cuộc đời cống hiến cho chúng ta, nhưng chúng ta phải làm việc này một cách chủ động. Những chọn lựa tôi có trong đời mình xuất phát từ một kho kinh nghiệm phong phú mà tôi đã cố ý đi tìm kiếm không ngừng. Mỗi ngày tôi tìm cách mở rộng. Chỉ trong 39 năm của đời người, tôi đã có một vốn kinh nghiệm của hàng trăm năm. Tại sao tôi dám quả quyết như thế?

Một trong những cách quan trọng nhất tôi bắt đầu làm việc này từ năm 17 tuổi, đó là học những kinh nghiệm phong phú trong sách vở. Từ nhỏ tôi đã xác tín, các lãnh đạo là những người đọc sách giỏi. Sách có thể dẫn tôi tới những miền đất khác để tôi gặp được những nhân vật độc đáo như Abraham Lincoln hay Ralph Waldo Emerson, để tôi nhận họ làm thầy dạy mình. Tôi cũng xác tín rằng qua những trang sách tôi có thể tìm ra những giải pháp cho hầu như mọi câu hỏi của mình.

Cách hiệu quả nhất để hiểu biết sâu xa về cuộc đời và con người là cung cấp cho mình những mức độ chọn lựa rộng rãi nhất, là tiếp cận được tối đa những loại kinh nghiệm khác nhau. Bạn hãy nhớ, mọi giới hạn trong cuộc đời bạn có lẽ chỉ là những giới hạn trong kinh nghiệm của bạn. Vì thế, bạn hãy mở rộng kinh nghiệm của bạn và bạn sẽ mở rộng được cuộc đời bạn ngay lập tức.

“Cách duy nhất để khám phá ra giới hạn

của một điều gì là vượt qua nó để tiến tới vô hạn”

-ARTHUR C. CLARKE

Giờ đây chúng ta kể ra một số kinh nghiệm mạnh mẽ nhất đã hình thành cuộc đời chúng ta. Bạn hãy dành ít phút bây giờ và viết ra năm kinh nghiệm mạnh nhất đã hình thành con người của bạn như hôm nay. Không chỉ kể ra kinh nghiệm, nhưng bạn còn phải nói nó đã ảnh hưởng thế nào đối với bạn. Nếu bạn viết ra một kinh nghiệm thoạt đầu có vẻ ảnh hưởng tiêu cực đối với bạn, bạn hãy nghĩ ra một giải thích khác về kinh nghiệm ấy. Bạn hãy nhớ, mọi chuyện xảy ra trên đời đều có một lý do và một mục đích và nó đều có ích cho chúng ta. Có khi chúng ta phải mất nhiều năm để khám phá ra giá trị của nó. Nhưng mọi kinh nghiệm nhân loại đều có một giá trị.

Khi bạn xét lại những kinh nghiệm đã có ảnh hưởng tích cực đối với cuộc đời mình, bạn cũng đừng quên nghĩ tới một vài kinh nghiệm mới mẻ nào đó có thể rất có giá trị và đáng để bạn theo đuổi. Bạn cần có kinh nghiệm mới nào? Một câu hỏi rất hữu ích tôi đề nghị cho bạn: “Để thành công thực sự ở mức cao nhất, để đạt được điều tôi thực sự mong muốn cho đời mình, tôi cần những kinh nghiệm nào?”.

Một trong số những kinh nghiệm tôi đã chia sẻ với gia đình tôi là đi phân phát những bữa tối ngày lễ Tạ ơn cho những người nghèo khổ và vô gia cư. Tôi không bao giờ quên được phản ứng của đứa con trai út của tôi, lúc đó nó mới 4 tuổi. Hôm ấy là lần đầu tiên Jairek tham dự và gia đình chúng tôi đến một công viên ở Oceanside, California. Chúng tôi gặp một ông già ngủ trên sàn một phòng tắm không có cửa, trên mình đắp những quần áo cũ ông nhặt được ở các thùng rác. Con trai tôi lạ lùng vì bộ râu dài của ông và cảm thấy hơi hoảng sợ.

Tôi đưa thùng thức ăn cho cháu và bảo, “Con lại trao những thức ăn này cho ông già và chúc ông lễ Tạ Ơn vui vẻ đi”. Jairek thận trọng tiến lại gần ông già. Nó khệ nệ bưng chiếc thùng to đựng thức ăn vào phòng tắm chỗ ông già ngủ rồi đặt nhẹ xuống nền nhà. Ông già có vẻ như đang say rượu hay ngái ngủ. Jairek chạm vào người ông và nói, “Chúc ông lễ Tạ Ơn vui vẻ”. Thình lình ông già nhổm ngay dậy và nắm lấy tay con trai tôi. Tim tôi đập thình thịch như muốn tung ra khỏi lòng ngực và tôi đang định chạy lại thì ông già cầm lấy bàn tay con trai tôi và hôn lia lịa. Ông thì thào, “cám ơn cháu biết lo cho ông”. Một kinh nghiệm quí báu cho đứa bé 4 tuổi!

Bạn hãy nhớ, từng giây phút của cuộc đời làm nên con người chúng ta. Chúng ta phải biết tận dụng nó, theo đuổi và tạo ra những giây phút giúp nâng cao chứ không giới hạn đời sống mình.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

« Về Lại Trang TrướcXem Tiếp Trang Sau »