" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

Chương 26 THÁCH ĐỐ TỘT ĐỈNH: SỨC LỰC CON NGƯỜI CÓ THỂ ĐI ĐẾN ĐÂU

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

“Một tia lửa nhỏ làm bùng lên một ngọn lửa ghê gớm”.

-DANTE

Quá nhiều người cảm thấy mình bất lực và vô nghĩa trước các vấn đề xã hội và các biến cố xảy ra trên thế giới, vì họ nghĩ rằng cho dù họ có làm mọi điều chính đáng trong cuộc sống cá nhân của họ, thì sự an toàn của họ vẫn lệ thuộc hành động của những người khác. Họ cảm thấy sợ hãi trước sự tràn lan của những băng nhóm hiếu chiến và tội phạm bạo lực, hoang mang vì sự bất lực hoàn toàn của chính quyền, đau buồn vì nạn vô gia cư và mù chữ và lo lắng vì tình trạng nóng lên của trái đất cũng như vì nguy cơ nhiều loài bị tuyệt chủng trên hành tinh chúng ta. Đó là những con người mang tâm trạng bi quan. “Cho dù tôi có sống đời sống cá nhân và gia đình của tôi tử tế, thì cũng có ích gì? Chỉ cần một kẻ nắm quyền điên rồ ấn một chiếc nút thôi thì cả thế giới này sẽ bị tiêu tan!”.

Loại hệ thống niềm tin này tạo nên cảm giác bất lực không thể kiểm soát và tạo thay đổi ở bất kỳ mức độ đáng kể nào và tất nhiên dẫn tới tình trạng vô vọng tiêu biểu qua câu nói, “Vậy thì cố gắng mà làm gi?”.

Không có gì làm què quặt khả năng hành động của con người hơn tình trạng vô vọng này. Đó là trở ngại hàng đầu ngăn cản chúng ta thay đổi đời sống hay có hành động để giúp người khác thay đổi đời sống. Từ đầu sách đến giờ, chúng ta đã không ngừng khẳng định thông điệp này: Chúng ta ngay lúc này có sức mạnh để điều khiển cách suy nghĩ, cách cảm nhận và việc làm của chúng ta. Chính những quyết định và hành động hằng ngày của từng người chúng ta sẽ thực sự tạo nên những thay đổi, nếu mỗi cá nhân chúng ta lãnh lấy trách nhiệm của mình. Để có thể tạo nên những thay đổi toàn diện và sâu rộng trong đời sống cá nhân chúng ta cũng như trong vận mệnh chung của thế giới, chúng ta cần quyết tâm không ngừng cải thiện cuộc sống của cá nhân cũng như của thế giới.

Giải pháp cao nhất

Theo bạn nghĩ, trên bình diện quốc gia và thế giới, đâu là yếu tố chung trong tất cả các vấn đề mà chúng ta phải đối diện hôm nay? Từ con số mỗi ngày một tăng nhanh những người không có nhà ở cho tới tỉ lệ tội phạm lên cao, những thâm thủng ngân sách trầm trọng và tình trạng suy thóai của hệ sinh thái, câu trả lời là chính thái độ của con người là nguyên nhân khơi dậy mọi vấn đề và từng vấn đề. Vì thế, giải pháp cho mỗi vấn đề là phải thay đổi thái độ của chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta thay đổi cách đánh giá hay làm các quyết định của mình.

Một ví dụ có mức độ toàn cầu về những hệ quả dài hạn của các quyết định, đó là nạn đói và thiếu lương thực hiện đang cướp mất sinh mạng hàng triệu con người trên khắp thế giới. Tổ chức Y Tế Thế Giới đã chứng minh rằng trái đất có khả năng nuôi sống mọi người, thế nhưng mỗi ngày vẫn có 40,000 trẻ em chết đói. Tại sao? Rõ ràng chúng ta có đủ tài nguyên, nhưng có một điều gì đó bị sai khủng khiếp, không chỉ qua cách thức phân phối lương thực của chúng ta, mà còn qua cách thức chúng ta sử dụng các tài nguyên của mình.

Chúng ta rút ra được kết luận nào về điều này? Điều đáng mừng là một khi chúng ta nhận ra được cội rễ của mọi vấn đề là ở thái độ của con người và ở những quyết định của con người, thì chúng ta biết rằng chính chúng ta là người có thể thay đổi hiện trạng đó. Chúng ta biết rằng, điều duy nhất chúng ta tuyệt đối làm chủ được, đó là thế giới nội tâm của mình- chính chúng ta quyết định ý nghĩa cho sự vật. Bằng hành động của mình, chúng ta truyền đạt những giá trị và niềm tin sâu xa nhất của mình và qua ảnh hưởng rộng khắp của các phương tiện đại chúng, ngay cả những hành động đơn sơ nhất của chúng ta cũng có sức ảnh hưởng và lay chuyển mọi người của mọi quốc gia.

Bạn có thể hỏi, “Một người có thể làm gì để thực sự biến đổi thế giới?” Hầu như mọi sự! Chỉ duy một điều có thể hạn chế ảnh hưởng của bạn mà thôi, đó là trí tưởng tượng và quyết tâm của bạn. Lịch sử thế giới là một bằng chứng về những gì đã xảy ra do hành động của một số nhỏ những người bình thường nhưng có những quyết tâm cao độ biến đổi thế giới. Đó là những cá nhân đã làm những chuyện nhỏ bé nhưng làm một cách phi thường. Họ đã quyết định rằng cần phải thay đổi điều gì đó, rằng chính họ phải là người làm chuyện này và họ có thể làm được. Thế là họ tập trung hết sức lực thực hiện và kiên trì cho tới khi họ tìm ra cách để công việc của họ hoàn thành. Những con người này chúng ta gọi là những anh hùng.

Mọi người chúng ta bẩm sinh đã có khả năng để trở thành anh hùng, để làm những hành vi táo bạo, dũng cảm và những cử chỉ cao thượng hầu làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khác, cho dù trước mắt nó đòi hỏi sự hi sinh đau khổ của bản thân mình. Khả năng làm những hành vi đúng đắn, dám có một lập trường và dám thay đổi hiện đang có sẳn nơi bạn. Câu hỏi đặt ra là: Khi thời cơ đến, liệu bạn có nhớ mình là một anh hùng và đáp ứng một cách vô vị lợi để nâng đỡ những ai cần đến bạn không?

Nhiều người ngưỡng mộ mẹ Têresa và tưởng rằng bà sinh ra đã là anh hùng rồi. Họ cho rằng bà là một người đàn bà tâm linh siêu việt và là con người bản chất phi thường trong các quyết tâm và sự cống hiến vị tha cho người nghèo. Rõ ràng bà là người phụ nữ có lòng dũng cảm và cảm thông sâu sắc, nhưng mẹ Teresa cũng có những lúc nguy kịch để xác định vai trò của bà như một trong những vĩ nhân có những cống hiến to tát nhất trong thời đại chúng ta. Mẹ Têresa đã không bắt đầu cuộc đời của mình với công việc cứu giúp người nghèo. Thực vậy, bà đã trãi qua suốt 20 năm dạy dỗ các trẻ em của những gia đình giàu có nhất ở Calcutta, Ấn Độ. Hằng ngày bà vẫn đi qua những khu ổ chuột chung quanh vùng dân cư khá giả của thành phố mà bà làm việc, nhưng bà không bao giờ nghĩ đến chuyện vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng nhỏ bé hiện có của mình.

Một đêm, khi bà đang đi trên phố, bà nghe tiếng kêu cứu của một phụ nữ. Chính giây phút người phụ nữ này hấp hối trong cánh tay bà là lúc đã mãi mãi thay đổi cuộc đời của Mẹ Têresa.

Nhận thấy tình trạng nguy kịch của người đàn bà kêu cứu, Mẹ đưa vội chị ta đến bệnh viện. Nhân viên bệnh viện bảo mẹ ngồi đợi. Mẹ biết rằng người phụ nữ này sẽ chết nếu không được cấp cứu, nên Mẹ phải đưa chị ta đến một bệnh viện khác. Ở đây cũng thế, người ta bảo Mẹ đợi; đẳng cấp xã hội thấp của người phụ nữ đã khiến người ta coi chị không quan trọng bằng những bệnh nhân khác. Cuối cùng, mẹ Têresa thất vọng đưa chị về nhà mình. Ngay đêm hôm đó, chị đã chết an bình trong vòng tay yêu thương của Mẹ Têresa.

“Thời điểm quyết định” cuộc đời Mẹ Têresa đã điểm: đó là giây phút mẹ quyết định với mình rằng, trong khả năng của mẹ sẽ không còn để cảnh này diễn ra cho một người nào khác nữa. Từ giây phút đó trở đi, mẹ đã quyết định hiến trọn đời mình để xoa dịu nỗi khổ đau quanh mẹ và dù họ sống hay chết, họ sẽ sống hay chết xứng với phẩm giá con người. Mẹ sẽ đích thân làm mọi điều có thể để cho những người này được đối xử tử tế hơn trước kia, với tình thương và sự kính trọng mà mọi ngưởi đều có quyền được hưởng.

Thách đố của cảnh vô gia cư

Chúng ta ý thức rằng nơi mỗi con người chúng ta đều có sẳn tia lửa của đức tính anh hùng đang đợi được quạt lên để bừng cháy, vậy chúng ta phải làm cách nào để đối phó với một vấn đề xã hội khổng lồ như cảnh vô gia cư đang diễn ra trên khắp thế giới? Chìa khóa thứ nhất để thay đổi tình trạng này là chính chúng ta phải vươn tới một tiêu chuẩn cao hơn. Chúng ta phải quyết định rằng mình không thể chấp nhận để cho có quá nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ con cũng như người già, bị vứt ra ngoài đường phố như những cặn bã của xã hội.

Mỹ là một quốc gia thuộc hàng giàu nhất thế giới, thế mà tỷ lệ dân số vô gia cư không phải là nhỏ. Các cuộc điều tra dân số không thể cho con số chính xác có bao nhiêu người vô gia cư, vì thực ra, bản chất của cảnh vô gia cư là những con người liên hệ không có một địa chỉ. Người ta ước tính rằng ở Mỹ có ít là 3 triệu người vô gia cư, hay khoảng 1% người không có nhà cửa phải sống ngoài đường hay trong những túp lều lụp sụp.

Chìa khóa thứ hai để đối phó với vấn đề này là thay đổi những niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải bỏ thái độ tin rằng đây là những vấn đề rắc rối muôn thuở mà các cá nhân dù có muốn cũng chẳng thể làm gì được. Thái độ lực bất tòng tâm này phải được phá vỡ bằng cách chấp nhận niềm tin rằng mỗi cá nhân chúng ta có thể tạo sự thay đổi và trong thực tế, mọi phong trào đổi mới lớn đều được thực hiện bởi những cá nhân có ý chí dấn thân.

Một niềm tin nữa chúng ta phải thay đổi, đó là niềm tin rằng sở dĩ những người vô gia cư sống trong hoàn cảnh như thế là vì tất cả họ bị “rối lạon tâm thần”. Các số liệu thống kê cho thấy chỉ có khoảng từ 16 tới 22 phần trăm người vô gia cư là mắc một hình thức tâm bệnh nào đó.

Vậy thì đâu là nguyên nhân chính của cảnh vô gia cư? Ngoài nguyên do tâm thần nói trên, các lý do thường được kể gồm việc giá nhà ở tăng trong khi thu nhập giảm, chứng nghiện rượu hay ma túy và đời sống gia đình tan vỡ. Tất cả những lý do nêu trên đều chính đáng. Nhưng đàng sau tất cả những lý do đó là các hệ niềm tin. Dù sao, cũng có vô số người đã trãi qua những sự tàn phá của rượu và ma túy, đã mất hết nhà cửa hay không làm ra đủ tiền để trả tiền thuê nhà và không bao giờ được hưởng một đời sống gia đình ổn định- thế nhưng họ không bao giờ trở thành vô gia cư.

Sự khác biệt ở chỗ nào? Tất cả đều là ở những niềm tin, những giá trị cơ bản và ở tính cách của mỗi người. Nhiều người sống ngoài đường phố có thể tự coi mình là “vô gia cư”, nhưng những người khác lại thấy mình chỉ “tạm thời không có nhà cửa”. Vì thế họ cố tìm giải pháp và sẽ tìm ra được lối thoát để trở về với nếp sống truyền thống.

Để tạo ra sự biến đổi lâu dài cho cá nhân người vô gia cư, cần phải có sự thay đổi tính cách của người đó. Đây là con đường duy nhất để tạo sự thay đổi lâu bền nơi thái độ của họ.

Thách đố của tệ nạn băng nhóm bạo lực

Tuy rằng tình trạng phạm pháp ở người lớn là một vấn đề bức bách, nhưng chúng ta cũng cần đối diện vấn đề tội phạm của thanh thiếu niên. Chúng ta nghĩ thế nào về những vụ giết người vô lý diễn ra hằng ngày trong các thành phố do những băng nhóm thanh thiếu niên? Tính chất dữ tợn lì lợm của hai băng nhóm có nguồn gốc từ Los Angeles rồi lan tràn khắp nước Mỹ – băng Crisps và băng Bloods – đã cướp đi biết bao sinh mạng người trong thành phố khiến hầu hết chúng ta phải rùng rợn và hốt hoảng không biết phải đối diện với vấn đề này ra sao. tuy nhiên, tôi nghĩ một trong các việc đầu tiên chúng ta phải làm là tác động để cho những băng nhóm này suy nghĩ lại về những nguyên tắc hành động của họ. Cần nhớ rằng, mọi hành động của chúng ta đều bắt nguồn từ những niềm tin cốt yếu về những gì chúng ta phải làm và không được làm.

Mới đây tôi được đọc một đoạn trích của một cuốn sách viết về đời sống hằng ngày của nh84ng băng tội phạm. Đây là một đoạn về một lớp học cải tạo. Khi những học viên (thành viên của băng tội phạm) được hỏi tại sao chúng có thể giết một người, chúng đọc ra vanh vách một tràng 37 lý do, trong đó có những lý do sau đây làm tôi giật mình: Nếu có ai nhìn tôi ra vẻ giỡn chơi, nếu có ai hỏi tôi ở đâu, xin tôi một đồng, nếu có ai đi đứng buồn cười, nếu có ai đụng vào miếng bánh tôi đang cầm, nếu có ai cắt tóc tôi xấu.

Với những nguyên tắc sai lạc như thế – những nguyên tắc mà hầu như không một ai khác trong xã hội chấp nhận- không lạ gì những thanh thiếu niên này là những con người nhẹ dạ. Họ có nhiều lý do để giết người hơn bất kỳ ai khác và vì thế họ hành động theo các nguyên tắc của họ. Tuy nhiên, điều làm tôi phấn khởi, đó là nhân viên quản giáo đã hiểu rõ sức mạnh của những câu hỏi để làm suy yếu cả những niềm tin mạnh mẽ nhất. Ông hỏi, “Trong số những lý do này, bạn muốn chết vì lý do nào?” Nói cách khác, nếu bạn biết rằng vì giết một người do vụ hớt tóc xấu mà bạn cũng chết, liệu bạn có vẫn giết người đó không?

Dùng câu hỏi này, ông đã làm cho họ đánh giá lại những nguyên tắc của họ và nghiền ngẫm lại tầm quan trọng của chuyện mà trước đó họ coi là đáng để giết người. Khi ông đã xong tiến trình nêu những câu hỏi này, những phạm nhân trẻ đã thay đổi hẳn những nguyên tắc cơ bản của họ.

Qua phương pháp hỏi và trả lời câu hỏi, “Lớp học” này đã thuyết phục được rất nhiều trẻ phạm pháp để họ thay đổi lối sống. Nó làm suy yếu những niềm tin tai hại trước kia của họ cho tới khi họ không còn chắc chắn về chúng nữa. Chúng ta nên nhớ rằng, mọi thái độ có thể được thay đổi nhờ thay đổi các niềm tin, giá trị, nguyên tắc và tính cách.

Thách đố đối với môi trường của chúng ta

Vấn đề môi trường ngày nay đã trở thành mối quan tâm của mọi quốc gia và của chung nhân loại. Sau bốn năm liên tiếp có thời tiết nóng nhất từ trước tới nay, người ta đã trở nên hết sức lo lắng về tình trạng nóng dần lên của trái đất- hiện tượng gây nên bởi lượng khí carbon dioxid dư thừa bị hấp thụ bởi tầng ôzon, gây nên sự gia tăng nhiệt độ. Những nguyên nhân chính là gì? Một nguyên nhân là những chất Flurocarbon có trong các máy điều hòa không khí và các bình xịt. Một nguồn gốc khác nữa của tình trạng trái đất nóng lên là nạn phá rừng. Rừng chiếm một tỉ lệ đáng kinh ngạc là 80% cây xanh của trái đất và thiết yếu đối với hệ sinh thái của chúng ta.

Cây cối hấp thu những khí độc của lượng carbon dioxid dư thừa mà chúng ta thải vào trong khí quyển, rồi biến đổi nó thành khí oxygen cho chúng ta hít thở. Cây cối làm hồi xuân trái đất: không có cây cối, đời sống trên trái đất không thể tồn tại như chúng ta thấy hôm nay. Các cây rừng cũng cung cấp một môi trường cho vô số chủng loại động vật và côn trùng trên thế giới. Khi đốt rừng, không những chúng ta phá hoại cây cối tạo oxy và môi trường sinh sống của các loài động vật và thực vật, mà chúng ta còn thải vào trong không khí một lượng khổng lồ carbon dioxid và làm tăng nhanh hiệu quả nguy hiểm của việc trái đất nóng lên.

Bạn có muốn ngăn chặn nạn phá rừng không? Bạn có muốn giúp cân bằng lại hệ sinh thái của chúng ta không? Ngoài việc đóng góp tài chánh cho các tổ chức môi trường như Greenpeace, điều có tác dụng mạnh nhất bạn có thể làm là nhận thức rằng thái độ sử dụng bừa bãi hành tinh của chúng ta sẽ làm chúng ta đau khổ. Việc tẩy chay sử dụng thịt cá ngừ đã có tác dụng hiệu quả trong công nghiệp, nó cũng có tác dụng trong lãnh vực môi trường. Đây không phải chuyện tiền bạc. Chính trái đất đang có nguy cơ bị hủy diệt.

Một vấn đề lớn nữa chúng ta lo lắng là nạn đói trên thế giới. Với 60 triệu người chết đói mỗi năm trên thế giới, rõ ràng đã đến lúc chúng ta phải xét lại cách thức chúng ta sử dụng tài nguyên của chúng ta. Hãy nhớ rằng mọi quyết định đều kéo theo hậu quả và nếu chúng ta không hiểu biết ảnh hưởng dài hạn đối với hành tinh của chúng ta, chúng ta sẽ làm những quyết định sai lầm. Mỗi ngày có 40 ngàn trẻ em chết đói, những rõ ràng chúng ta có thể nuôi chúng nếu chúng ta biết sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Hiển nhiên chúng ta vẫn còn phải đương đầu với những thách đố chính trị về việc phân phối, nhưng chắc chắn lương thực thì không thiếu. Sau cùng, một trong những nguồn tài nguyên chúng ta đang phá hoại là lớp đất màu trên mặt đất. Thiên nhiên cần 500 năm để tạo ra 3 centimet đất màu, thế mà hiện nay cứ 16 năm chúng ta làm mất đi 3 centimet. Không có đất màu, lượng sản xuất lương thực sẽ mất và đời sống chúng ta cũng sẽ biết mất.

Nếu bạn có một lập trường, không những bạn sẽ ngưng tham gia vào việc hủy hoại môi trường, mà bạn còn tạo ảnh hưởng đối với lề lối của những ngành kinh doanh gây thiệt hại đến môi trường.

Hãy giáo dục con cháu bạn,

hướng dẫn bằng gương sáng

Giống như với những thách đố khác, những vấn đề môi trường của chúng ta đòi hỏi sự giáo dục và hành động để tạo thay đổi. Tiếc thay nhiều người nghĩ rằng giáo dục là việc của nhà trường và khi tốt nghiệp xong – thậm chí trước khi tốt nghiệp – họ khỏi cần học gì nữa!

Vậy chúng ta có thể làm gì để tạo sự thay đổi?

Chúng ta có thể giữ một vai trò tích cực trong việc xác định chất lượng giáo dục con em chúng ta. Nhưng quan trọng hơn hết, chúng ta phải giáo dục con em chúng ta về những hậu quả của hành động của chúng. Chúng ta phải làm chúng ý thức về ảnh hưởng của chúng trên bình diện cá nhân và tập thể. Đừng bao giờ để chúng rơi vào não trạng cho rằng các hành động của chúng chẳng có hệ quả gì. Ngược lại, như chúng ta đã học trong cuốn sách này, mỗi quyết định và hành động của chúng ta, cho dù là nhỏ bé, vẫn dẫn tới những hậu quả sâu rộng. Và bạn hãy chứng minh cho chúng thấy điều đó bằng gương sáng của bạn.

Sự cống hiến

Nhiều năm trước, tôi đã quyết định coi việc cống hiến không phải một sự bó buộc, mà là một cơ hội để cho lại điều chúng ta đã nhận. Hồi tôi 11 tuổi, năm ấy gia đình tôi không đủ tiền để tổ chức bữa tiệc mừng Lễ Tạ Ơn và có một tổ chức từ thiện đã đem đến cho chúng tôi bữa ăn đó. Kể từ dạo ấy, việc giúp đỡ những người nghèo đói và vô gia cư đã trở thành một sứ mệnh mà tôi dâng hiến cả đời mình để thực hiện. Kể từ năm 18 tuổi, hằng năm cứ đến Lễ tạ Ơn là tôi chuẩn bị những giỏ thức ăn đem đi tặng những gia đình túng thiếu. Cũng từ năm đó, lần đầu tiên tôi gia nhập tổ chức hỗ trợ nhà tù Chino. Qua việc phục vụ cộng đồng, tôi trở thành một nhà từ thiện, một người thực sự muốn tạo nên sự thay đổi, một người đầy nhiệt tình cống hiến. Điều này làm tôi thêm hãnh diện, làm cá tính tôi phong phú và cũng giúp tôi thêm khả năng để cho người khác nhiều hơn. Nó cũng giúp tôi khuyến khích những người khác cũng làm như mình.

“Chỉ những ai học được sức mạnh của việc

cống hiến chân thành và vô vị lợi mới cảm nghiệm

được niềm vui sâu xa nhất: Sự sung mãn đời mình”.

-ANTHONY ROBBINS

Nếu một người nữ tu đơn sơ như mẹ Têresa Calcutta, đơn sơ, nghèo nàn không có của cải gì ngoài đức tin và lòng tận tụy của bà, đã có thể đem lợi ích đến cho biết bao nhiêu người nghèo khổ, thì chắc chắn bạn cũng như tôi đều có thể đối diện với những thách đố chúng ta gặp hàng ngày. Nếu Ed Roberts có thể chống cự được với những đau đớn của căn bệnh bại liệt và phải thở bằng máy của mình để thức dậy tươi tỉnh mỗi buổi sáng và nghĩ ra cách thay đổi thái độ của cả nước đối với những người tàn tật – và ông đã thành công – thì bạn và tôi cũng có thể là những anh hùng như thế. Nhiều khi chúng ta không biết sự việc rồi sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng chúng ta hãy cứ tin vào trực giác của mình và trao ban tất cả tấm lòng của mình: chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên vì những sự kỳ diệu sẽ xảy ra.

Nếu bạn quyết tâm dành ra một hay hai giờ đồng hồ mỗi tháng để cống hiến cho người khác, nó sẽ làm phong phú tính cách của bạn và bạn chắc chắn sẽ trở nên “loại người” biết thực sự quan tâm, biết hành động để tạo sự biến đổi. Bạn sẽ không còn gặp vấn đề rắc rối nào trong công việc của mình nữa, vì bạn đã thấy những vấn đề đích thực là gì rồi. Những buồn bực bạn nghĩ là sẽ cảm thấy vì bị thua lỗ trong công việc làm ăn của bạn hôm nay sẽ tan biến khi bạn đưa tay dìu một người què cụt lên giường, hay khi bạn ôm ấp một đứa trẻ bị AIDS trong cánh tay của bạn.

“Một ngày nào đó, sau khi chúng ta đã làm chủ

được bão táp, sóng biển, thủy triều và trọng lực,

chúng ta sẽ trang bị cho Tạo Hóa những năng lượng

của tình yêu. Lúc ấy, lần thứ hai trong lịch sử thế giới,

con người lại khám phá ra lửa”.

-TELHARD DE CHARDIN

HẾT

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 25 NGHỈ NGƠI VÀ GIẢI TRÍ: NGAY CẢ THƯỢNG ĐẾ CŨNG NGHĨ MỘT NGÀY!

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày bảy

* Mục tiêu của bạn:

Đạt mức quân bình.

Bạn đã làm việc vất vả và bạn đã hoạt động hết sức. Hãy dành một ngày để giải trí! Hãy thoải mái, hảy sôi nổi, hảy làm điều gì giúp bạn ra khỏi chính mình. Điều gì có thể tạo sự phấn khích nhất cho bạn?

“Thánh nhân quân tử là người không đánh mất tâm hồn trẻ thơ của mình”.

-MẠNH TỬ

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 24 LÀM CHỦ THỜI GIỜ VÀ ĐỜI SỐNG CỦA BẠN

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày Sáu

* Mục tiêu của bạn:

Học cách dùng thời giờ cho ích lợi

thay vì để cho thời giờ điều khiển mức độ

thỏa mãn và căng thẳng của bạn.

Nếu có khi nào bạn cảm thấy căng thẳng – ai mà lại không? – lý do rất có thể là chỉ vì bạn cảm thấy không có đủ thời giờ để làm những điều bạn muốn ở mức chất lượng bạn đòi hỏi nơi mình. Ví dụ bạn có thể cảm thấy sự thất vọng này vì bạn chỉ tập trung vào những đòi hỏi của lúc đó: những yêu cầu hiện tại, những thách thức hiện tại, những biến cố hiện tại. Trong tình trạng căng thẳng vì quá tải này, hiệu năng của bạn bị giảm sút rất nhanh. Giải pháp cho vấn đề này đơn giản thôi: kiểm soát khung thời gian bạn đang tập trung vào. Nếu lúc hiện tại bạn đang căng thẳng, bạn hãy tập trung vào tương lai và vào việc hoàn thành hay giải quyết thành công nhiệm vụ trước mắt bạn. Tiêu điểm tập trung mới này sẽ lập tức thay đổi tâm trạng của bạn và cho bạn những nguồn lực cần thiết để bạn giải quyết những khó khăn của hiện tại.

Tình trạng căng thẳng thường là cảm giác bị “bế tắc” trong một khung thời gian nhất định nào đó. Ví dụ như trường hợp một người luôn luôn nghĩ đến tương lai của mình theo những cách bi quan. Bạn có thể giúp người này hướng tiêu điểm tập trung của họ sang những gì họ có thể kiểm soát trong hiện tại. Hoặc có những người khi phải đảm nhận một thách đố nào, thường chỉ tập trung suy nghĩ về những thất bại trong quá khứ của họ. Vì họ sống trong quá khứ, nên mối căng thẳng của họ gia tăng. Nếu biết chuyển đổi sang hiện tại, hoặc dự kiến trước tương lai, họ có thể thay đổi tình trạng cảm xúc của họ ngay. Vì vậy, các cảm xúc của chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh bởi khung thời gian mà chúng ta đang hoạt động trong hiện tại.

Chúng ta thường hay quên rằng thời gian là một sản phẩm của trí khôn, nó hoàn toàn có tính tương đối và kinh nghiệm của chúng ta về thời gian hầu như hoàn toàn là kết quả của sự tập trung tâm trí của chúng ta. Ví dụ, làm sao biết thời gian là dài hay ngắn? Nó hoàn toàn tùy thuộc hoàn cảnh, phải không? Đứng xếp hàng hơn 10 phút có thể coi như dài đằng đẵng cả thế kỷ, đang khi ngồi nói chuyện tâm tình với người yêu một giờ sao mà qua mau thế! Một ngày trong tù dài hơn cả ngàn năm tự do ở ngoài.

Các niềm tin của chúng ta cũng phản ánh quan niệm của mình về thời gian. Với một số người, bất kể trong hoàn cảnh nào, 20 phút được coi lâu như cả đời. Với những người khác, một thế kỷ mới được gọi là thời gian dài. Chính vì thế những loại người này đi đứng khác nhau, nói năng khác nhau, nhìn các mục tiêu khác nhau và nếu họ phải dùng chung một khung thời gian như nhau, bạn thử tưởng tượng họ sẽ bị căng thẳng đến thế nào!

Trong bài luyện tập hôm nay, chúng ta sẽ tóm tắt và áp dụng ba lời khuyên” tiết kiệm thời giờ”.

Bước thứ nhất

KHẢ NĂNG ĐẢO NGƯỢC THỜI GIỜ

Sau khi đã làm chủ được khả năng thay đổi khung thời gian bằng cách thay đổi điểm tập trung, bạn đã sẳn sàng để chuyển sang khả năng lớn thứ hai trong việc làm chủ thời giờ, đó là khả năng đảo ngược thời giờ để một phút tưởng như một giờ, hay một giờ tưởng như một phút. Bạn có nhận ra rằng khi đầu óc bạn quá chìm ngập trong điều gì, bạn quên mất thời gian không? Tại Sao? Vì bạn không còn tập trung vào thời gian nữa. Bạn không đếm thời gian nữa. Bạn đang tập trung vào một điều gì thú vị và vì thế thời gian trôi qua rất nhanh. Bạn hãy nhớ mình phải nắm quyền điều khiển. Hãy điều khiển tiêu điểm của bạn và ý thức chọn cách đo thời gian của mình. Nếu bạn thường xuyên kiểm tra đồng hồ, thời gian xem như bò chậm như sên. Đây cũng thế, kinh nghiệm thời gian của bạn được điều khiển bởi tiêu điểm chú ý của bạn. Bạn định nghĩa cách dùng thời gian của mình thế nào? Bạn đang sử dụng thời giờ, phung phí thời giờ, hay giết thời giờ? Người ta thường nói rằng”giết thời giờ không phải là giết mà là tự sát”.

Bước thứ hai

LÀM ĐIỀU QUAN TRỌNG

Một sự phân biệt có lẽ quan trọng nhất, đó là phân biệt rõ sự cấp bách và sự quan trọng của việc kiểm soát các quyết định của bạn liên quan tới việc bạn sử dụng thời giờ và vì thế liên quan tới mức độ thỏa mãn của bạn. Tôi muốn nói gì? Tôi xin hỏi bạn câu này: Có khi nào bạn làm việc trối chết, hoàn thành đầy đủ những “việc phải làm” trong danh sách, nhưng vào cuối ngày bạn vẫn cảm thấy không thỏa mãn không? Lý do là bạn đã làm tất cả những gì cấp bách và đòi hỏi bạn chú ý trong lúc đó, nhưng bạn quên làm những gì quan trọng, những gì sẽ có ảnh hưởng lớn về lâu về dài. Ngược lại bạn có bao giờ gặp những ngày mà bạn chỉ làm xong một ít việc thôi nhưng đến cuối ngày lại cảm thấy ngày hôm đó có giá trị không? Đó là những ngày mà bạn đã tập trug vào những điều quan trọng thay vì vào những gì cấp bách đòi hỏi bạn chú ý.

Sự cấp bách hình như điều khiển cuộc sống chúng ta. Chuông điện thoại reo trong lúc chúng ta đang bận một việc quan trọng, thế nhưng chúng ta “phải” nhấc điện thoại lên. Lỡ ra chúng ta mất dịp may thì sao? Đây là một ví dụ điển hình về việc bỏ cái quan trọng để làm cái cấp bách. Hoặc chúng ta mua một cuốn sách mà chúng ta nghĩ sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta chần chờ chưa đọc vì còn phải dành thời giờ để đọc thư, hay chạy ngoài đường, hay xem tin tức trên TV. Cách duy nhất để làm chủ thực sự thời giờ của bạn là tổ chức thời biểu hằng ngày của bạn thế nào để có thể sử dụng phần lớn thời giờ vào việc làm các điều quan trọng hơn là các việc cấp bách.

Bước thứ ba

TIẾT KIỆM THỜI GIỜ

Cách hiệu quả nhất để tiết kiệm thời giờ là học hỏi kinh nghiệm của người khác. Chúng ta sẽ không bao giờ thực sự làm chủ được thời giờ nếu chiến lược chủ yếu của chúng ta về học hỏi và điều khiển thế giới chỉ dựa trên phương pháp mò mẫm thử và sai. Học kinh nghiệm của những người đã thành công sẽ có thể giúp chúng ta tiết kiệm được biết bao năm trời vất vả. Chính vì thế mà tôi đọc sách một cách ngấu nghiến, thường xuyên dự các khóa học và nghe các băng từ. Tôi luôn luôn coi các kinh nghiệm này là một nhu cầu, chứ không phải những thứ phụ thuộc và chúng đã cống hiến cho tôi kinh nghiệm của nhiều năm cũng như sự thành công từ đó. Tôi khuyên bạn nên học hỏi kinh nghiệm của người khác thường xuyên tối đa và sử dụng những gì bạn đã học.

“Chúng ta luôn có đủ thời giờ;

Chỉ cần chúng ta sử dụng thời giờ cho đúng”.

-JOHANN WOLFGANG VON GOETHE

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 23 SỐNG TRUNG THỰC: QUI LUẬT CƯ XỬ CỦA BẠN

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày năm

* Mục tiêu của bạn:

Ta có thể có những giá trị lớn, những qui luật lớn để bênh vực những giá trị ấy, biết đặt đúng những câu hỏi cho mình, nhưng lại không sống những giá trị của mình trong thực tế không? Nếu bạn thành thật với chính mình, bạn biết câu trả lời là có. Mọi người chúng ta lúc này hay lúc khác vẫn để cho các hoàn cảnh chi phối mình, thay vì chúng ta phải kiểm soát các trạng thái và quyết định của mình về ý nghĩa của các hoàn cảnh. Chúng ta cần có một cách rõ nét để đảm bảo mình trung thực sống các giá trị mình đã chọn và cần có cách để đánh giá xem chúng ta có thực sự đạt những giá trị đó trong cuộc sống hàng ngày không.

Người thanh niên ấy đã thành đạt một cách xuất sắc khi mới 27 tuổi đời. Anh rất thông minh, đọc nhiều và cảm thấy mình có thể lay chuyển được thế giới. Nhưng một hôm anh nhận ra điều này: anh không được hạnh phúc bao nhiêu! Nhiều người ghét anh ta vì vẻ kênh kiệu và hống hách của anh ta. Anh cảm thấy mình không còn làm chủ của đời mình, càng không làm chủ được số phận của mình.

Anh quyết định sẽ làm chủ đời mình bằng cách đề ra những chuẩn mực cao hơn cho mình, khai triển một chiến lược để đạt những chuẩn mực đó và tạo ra một hệ thống để đo lường những kết quả anh đạt được mỗi ngày. Anh bắt đầu chọn ra 12 “đức tính” – 12 trạng thái mà anh muốn cảm nghiệm hàng ngày – để làm cho đời sống mình đi đúng hướng mình muốn. Rồi anh lấy cuốn nhật ký viết ra 12 trạng thái đó, bên cạnh danh sách đó anh vẽ những ô vuông dành cho mọi ngày trong tháng. “Mỗi lần tôi vi phạm một đức tính nào, tôi sẽ tô một chấm đen vào ô vuông bên cạnh đức tính đó. Mục tiêu tôi nhắm tới là sẽ không có một chấm đen nào trên danh sách. Lúc đó tôi sẽ biết là mình thực sự sống với các đức tính ấy.”

Anh rất tự hào về ý tưởng này và anh đã đem ra khoe với một anh bạn. Bạn anh nói, “Tuyệt vời! Chỉ có điều tôi nghĩ anh nên thêm đức tính khiêm tốn vào danh sách các đức tính của anh”. Và Benjamin Franklin cười ồ lên rồi thêm đức tính thứ 13 vào danh sách của mình.

Tôi nhớ đã đọc được câu chuyện này trong cuốn tiểu sử Ben Franklin trong lúc tôi đang bận bịu với công việc tại một phòng khách sạn ở Milwaukee. Mới trước đó, tôi đã có ý tưởng về các giá trị và bậc thang của chúng và tôi đã làm ra một dah sách mà tôi nghĩ là giá trị lớn cho chính mình và tôi nghĩ tôi sẽ thỏa mãn khi sống những giá trị ấy. Nhưng khi tôi suy nghĩ về danh sách các đức tính của Ben Franklin, tôi tự hỏi, “Được rồi, mày đã lấy tình yêu làm một giá trị, nhưng ngay bây giờ mày có yêu thương không? Cống hiến là một giá trị lớn của mày, nhưng ngay lúc này máy có cống hiến không?” Và câu trả lời là không.

Tôi có giá trị lớn, nhưng tôi không đo lường xem mình có thực sự sống những giá trị ấy từng giây từng phút không. tôi biết mình có lòng thương người, nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra có nhiều lúc tôi không biết thương người!

Tôi ngồi xuống và tự hỏi, “Tôi sẽ có trạng thái nào nếu tôi thỏa mãn nhất? Tôi muốn có trạng thái nào mỗi ngày, bất kể điều gì xảy ra?” Bất kể môi trường nào, bất kể khó khăn nào chung quanh tôi, tôi sẽ giữ những trạng thái này ít nhất là một lần mỗi ngày!” Những trạng thái tôi quyết tâm giữ là thân thiện, vui vẻ, yêu thương, cởi mở, mạnh mẽ, phấn khích, say mê và khôi hài. Một số những trạng thái này có trong những giá trị của tôi, một số không có. Nhưng tôi biết rằng nếu thực sự sống những trạng thái này mỗi ngày, tôi sẽ liên tục sống các giá trị của mình. Và bạn có thể tưởng tượng ra đây là một công việc khá hấp dẫn.

Tôi đã quyết định sống theo những trạng thái đó mà tôi gọi là Qui luật Sống của mình. Tôi cũng có cảm giác thỏa mãn vì biết rằng khi sống những trạng thái này – sống trung thực với chính mình – tôi thực hiện đúng các giá trị của mình trong lúc đó.

“Hãy đem tôn chỉ của bạn vào hành động”.

-RALPH WALDO EMRSON

Có rất nhiều Qui Luật Sống để bạn noi theo. Bạn nghĩ gì về qui luật sống của Mười Giới Răn? Hay lời thề của Hướng Đạo Sinh? Hay Tôn Chỉ của Hội Những Người Lạc Quan?

Bạn có thể soạn ra Qui Luật Sống của riêng mình bằng cách dựa theo những Qui Luật đã có sẵn…

Khi Jonh Wooden, huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng của UCLA, tốt nghiệp tiểu học năm 12 tuổi, cha của cậu cho cậu một tôn chỉ bảy điểm. Jonh nói rằng tôn chỉ này đã gây một trong những ảnh hưởng lớn nhất cho cả cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tôn chỉ này ông vẫn nắm giữ từng ngày trong cuộc sống:

TÔN CHỈ BẢY ĐIỂM CỦA JONH WOODEN:

“THỂ HIỆN BẢN THÂN CÁCH TỐT NHẤT”

1. Hãy trung thực với chính mình.

2. Hãy biến mỗi ngày thành kiệt tác của mình.

3. Hãy giúp đỡ người khác.

4. hãy say mê đọc sách tốt.

5. Hãy làm cho tình bạn trở thành một nghệ thuật.

6. Hãy dự phòng cho những ngày khó khăn.

7. hãy cầu xin ơn soi dẫn và tạ ơn vì những phước lành con nhận được mỗi ngày.

TÔN CHỈ CỦA

HỘI NHỮNG NGƯỜI LẠC QUAN

Tôi xin hứa…

* Sống mạnh mẽ để không một điều gì có thể làm xáo động bình an của tâm hồn.

* Nói về sức khoẻ, hạnh phúc, sung túc với mọi người tôi gặp.

* Làm cho mọi bạn bè tôi cảm thấy họ có những giá trị.

* Nhìn khía cạnh tốt đẹp của sự vật và làm cho niềm lạc quan của tôi thành hiện thực.

* Chỉ nghĩ đến điều tốt nhất, hành động cho điều tốt nhất và mong đợi điều tốt nhất.

* Vui vì sự thành công của người khác như của chính mình.

* Quên đi những lỗi lầm của quá khứ và chú tâm tới những thành quả của tương lai.

* Giữ dáng vẻ tươi cười và biết mỉm cười khi gặp bất cứ ai.

* Dành thật nhiều thời giờ để tu dưỡng bản thân, như thế bạn sẽ không còn thời giờ để phê bình người khác. * Hết sức độ lượng để không áy náy, hết sức thanh cao để không giận dữ, hết sức mạnh mẽ để không sợ hãi và hết sức vui vẻ để không cảm thấy bối rối.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Chương 22 SỐ MỆNH TÀI CHÁNH: PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ LÀM RA CỦA CẢI

Filed under: Truyện chia sẻ — tonyfan @

Ngày Bốn

* Mục tiêu của bạn:

Kiểm soát tương lai tài chánh của bạn bằng cách

học những yếu tố cơ bản của việc thiết lập của cải.

Tiền! Đó là một trong những vấn đề gây cảm xúc nhiều nhất trong đời người ta. Nhiều người sẵn sàng từ bỏ nhiều điều quí giá gấp bội để có được thêm nhiều tiền. Họ cố gắng quá mức khả năng trước kia của mình, lấy đi thời gian dành cho gia đình và bạn bè, hoặc thậm chí phá hoại sức khoẻ của mình. Tiền là một nguồn gốc mãnh liệt tạo ra đau khổ cũng như vui sướng trong xã hội chúng ta. Lắm khi tiền được dùng làm thuớc đo phẩm chất đời sống con người, mở rộng hố ngăn cách giữa những người có của và những người không có.

Một số người cố gắng đối phó với vấn đề tiền bạc bằng cách coi nó không quan trọng, nhưng sức ép tài chánh là điều ảnh hưởng tới mọi người chúng ta hằng ngày. Đặc biệt đối với những người lớn tuổi, thiếu tiền thường được coi như thiếu những nguồn lực chủ yếu quan trọng. Với một số người, tiền bạc là cái gì bí nhiệm. Với một số khác, tiền là nguồn gốc của dục vọng, kiêu ngạo, ganh tị và thậm chí sự khinh bỉ. Thực ra tiền là gì vậy? Phải chăng nó là người làm cho các giấc mơ của con người thành hiện thực, hay nó là nguồn gốc của mọi tội ác? Nó là dụng cụ hay vũ khí? Là nguồn của tự do, quyền lực, an toàn? Hay nó chỉ là một phương tiện cho một mục đích?

Trên lý thuyết, cả bạn và tôi đều hiểu tiền bạc như một phương tiện trao đổi. Nó cho phép chúng ta đơn giản hóa qui trình sáng tạo, chuyển đổi và chia sẻ giá trị trong xã hội. Nó là một tiện nghi mà chúng ta đã cùng nhau tạo ra để giúp chúng ta có sự tự do chuyên hóa trong công việc mà không cần lo ngại việc người khác có coi công việc của chúng ta có giá trị trao đổi hay không.

Chúng ta đã quen gắn liền những đau khổ trong đời sống chúng ta vào việc thiếu tiền: lo âu, thất vọng, sợ hãi, thiếu ổn định, tức giận, nhục nhã, căng thẳng và nhiều thứ đau khổ khác. Bạn có thể nghĩ đến đời sống của một quốc gia nào, tổ chức nào, hay cá nhân nào mà không gặp những căng thẳng về tiền bạc không?

Nhiều người lầm tưởng rằng mọi khó khăn trong đời họ sẽ tan biến nếu họ có đủ tiền. Không gì sai lạc bằng. tự nó việc kiếm ra thật nhiều tiền ít khi làm cho người ta tự do. Nhưng đồng thời cũng là điều ngớ ngẩn nếu bạn cho rằng có nhiều tiền và làm chủ nền tài chánh của mình không đem lại cho bạn nhiều cơ hội để phát triển, chia sẻ và sáng tạo những giá trị cho mình và cho người khác.

Vậy tại sao nhiều người không đạt được sự sung túc về tài chánh trong xã hội hôm nay? Trên thế giới hôm nay, có những người chỉ cần có một ý tưởng nhỏ bé về chiếc máy tính họ làm thử trong nhà để xe của họ mà đã làm giàu đến hàng trăn triệu đôla! Cũng có những người có những khả năng không thể tin nổi đã biết cách làm ra vô số của cải và duy trì được nó. Vậy thì cái gì đã cản trở chúng ta không làm ra được của cải?

Khi tôi đi tìm những bí quyết để làm ra của cải bền vững, tôi thấy rõ một điều; làm ra của cải là chuyện đơn giản. Thế nhưng nhiều người không bao giờ làm ra của cải bởi vì họ có những lỗ hổng trong nền móng tài chánh của họ. Đó là những xung đột về giá trị và niềm tin, cũng như những kế hoạch kém cỏi khiến hầu như luôn luôn bảo đảm sự thất bại về tài chánh. Chương này sẽ không cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn cần biết để làm chủ toàn thể đời sống tài chánh của bạn. Một chương sách không tài nào nói hết được! Nhưng chương này muốn cống hiến cho bạn một ít yếu tố căn bản mà bạn có thể sử dụng để kiểm soát ngay lãnh vực hết sức quan trọng này trong đời sống.

Chúng ta bắt đầu bằng cách nhớ đến sức mạnh mà niềm tin của chúng ta phải có để kiểm soát hành vi của mình. Lý do phổ biến nhất cắt nghĩa tại sao nhiều người không thành công về tài chánh, đó là họ có những liên tưởng lẫn lộn về việc cần phải làm gì để có nhiều tiền, cũng như về ý nghĩa của việc có tiền bạc dư thừa, nghĩa là tiền bạc vượt quá nhu cầu cuộc sống hàng ngày của họ. Như bạn đã học ở chương 5, trí óc chúng ta chỉ biết phải làm gì khi nó có ý tưởng rõ rệt cần phải tránh gì và cần phải đi đến đâu. Đối với tiền bạc, chúng ta có những kết quả lẫn lộn. Chúng ta tự nhủ rằng tiền sẽ cho chúng ta tự do, có cơ hội cống hiến cho những người chúng ta yêu, cơ hội làm tất cả những gì chúng ta mơ ước, cơ hội có thời gian thư thả. Nhưng đồng thời chúng ta lại có thể tin rằng để tích lũy được nhiều tiền, chúng ta phải làm việc vất vả hơn nhiều, phải dành quá nhiều thời giờ đến nỗi có thể chúng ta đã quá già để có thể hưởng thụ. Hoặc chúng ta có thể tin rằng nếu chúng ta có tiền bạc thừa thãi, chúng ta sẽ không là con người đạo đức, chúng ta sẽ bị chê trách, hoặc có thể bị người khác lường gạt để cướp mất. Vậy thì cố gắng làm ra nhiều tiền để làm gì?

Những liên tưởng tiêu cực này không chỉ giới hạn nơi chúng ta. Một số người cảm thấy đố kỵ đối với những ai thành công về tài chánh và thường nghĩ rằng nếu ai làm ra quá nhiều tiền, chắc hẳn họ đã phải làm một điều gì đó để giành giật với những người khác. Thế là họ có liên tưởng đại khái rằng, ” Có quá nhiều tiền là điều xấu”. Liên tưởng này có thể làm bạn đi đến kết luận rằng làm giàu sẽ làm bạn thành người xấu. Bằng cách đố kỵ sự giàu sang của người khác, chúng ta dễ kích động mình để xa tránh chính sự đầy đủ về của cải mà mình cần và ao ước cho đời sống.

Lý do phổ biến thứ hai khiến nhiều người không bao giờ làm chủ được tiền bạc là vì họ nghĩ việc này quá phức tạp. Họ cần có một “chuyên gia” giúp xử lý vấn đề này cho họ. Tuy sự hướng dẫn của chuyên gia trong vấn đề này là điều quý báu, nhưng tất cả chúng ta phải học tập để hiểu rõ những hậu quả của các quyết định tài chánh của mình. Nếu bạn chỉ biết nhờ vả vào một ai khác, thì dù họ có tài giỏi đến đâu, bạn cũng sẽ luôn luôn đỗ lỗi cho họ về bất cứ điều gì xảy ra. Nhưng nếu bạn tự gánh lấy trách nhiệm hiểu biết nền tài chánh của mình, bạn có thể bắt đầu điều khiển số mệnh của mình.

Lý do lớn thứ ba khiến nhiều người không thành công về tài chánh là quan niệm về sự khan hiếm. Nhiều người tin rằng chúng ta sống trong một thế giới mà cái gì cũng giới hạn; thực ra là còn biết bao nhiêu đất trống, biết bao nhiêu dầu lửa, biết bao căn nhà chất lượng, biết bao cơ hội, biết bao thời gian. Với não trạng tin ở sự khan hiếm, thì nếu bạn muốn thắng, một ai khác phải thua. Đó là trò chơi có tổng số zero.

Thực tế cho thấy quan niệm khan hiếm của cải là một quan niệm ngăn cản việc làm ra của cải. Một người bạn thân của tôi, nhà kinh tế học Paul Pilzer, đưa ra một lý thuyết kinh tế rất nổi tiếng gọi là lý thuyết hóa kim. Theo anh, của cải thực sự là do khả năng áp dụng lý thuyết “hóa kinh kinh tế”, đó là khả năng tận dụng một điều gì rất ít giá trị và biến đổi thành một điều gì có giá trị to lớn hơn nhiều. Thời trung cổ, những người thực hành thuật hóa kim đã cố gắng hóa chì thành vàng. Họ đã thất bại. Nhưng nhờ cố gắng này của họ, họ đã đặt nền móng cho khoa hóa học ngày nay. Những người giàu có ngày nay thực sự là những người hóa kim hiện đại. Họ đã học cách biến đổi những gì tầm thường thành những gì quí giá và đã đạt được những phần thưởng kinh tế nhờ sự biến đổi này. Mọi của cải đều bắt đầu từ khối óc!

Thuật hóa kim hiện đại đã là nguồn gốc của những thành công kinh tế cho những người giàu nhất thế giới hiện nay, như Bill Gates, Ross Pero, Sam Walton hay Steven Jobs. Tất cả những người này đều đã tìm cách để lợi dụng những vật có giá trị tiềm ẩn- ý tưởng, thông tin, hệ thống -và tổ chức chúng sao cho nhiều người hơn có thể sử dụng chúng. Và khi họ tăng thêm giá trị này, họ bắt đầu tạo dựng những vương quốc kinh tế khổng lồ.

Chúng ta lược qua 5 bài học cơ bản để tạo dựng của cải lâu dài. Sau đó chúng ta sẽ hành động ngay để bắt đầu kiểm soát số mệnh tài chánh của mình.

1. CHÌA KHÓA THỨ NHẤT LÀ

KHẢ NĂNG LUÔN KIẾM ĐƯỢC

THU NHẬP NHIỀU HƠN TRƯỚC,

KHẢ NĂNG TẠO RA CỦA CẢI.

Tôi xin đặt cho bạn một câu hỏi đơn giản. Bạn có thể kiếm được gấp đôi số tiền bạn đang kiếm được bây giờ với cùng một lượng thời gian không? Bạn có thể kiếm được gấp ba không? Gấp 10? gấp một trăm? Dứt khoát là được- nếu bạn biết cách để làm cho mình có giá trị hơn 100 lần cho công ty của bạn hay cho người thân của bạn.

Bí quyết của sự giàu sang là tăng thêm giá trị của mình. Nếu bạn có nhiều tài hơn, nhiều năng khiếu hơn, nhiều thông minh hơn, nhiều kiến thức hơn, khả năng làm những cái mà ít người biết làm, bạn có thề kiếm được nhiều tiền hơn là bạn nghĩ.

Một cách quan trọng nhất và hiệu quả nhất để tăng thu nhập của bạn, đó là tìm ra phương pháp để luôn luôn tăng thêm giá trị thực cho đời sống con người. Tại sao những nhà doanh nghiệp thành công lớn trên thế giới đạt được nhiều của cải như thế trong xã hội chúng ta? Chính là vì họ tăng thêm nhiều giá trị hơn hầu hết những người khác quanh họ. Có hai ích lợi lớn mà các nhà doanh nghiệp này tạo ra. Thứ nhất, họ tăng thêm giá trị cho khách hàng bằng cách tăng chất lượng đời sống của khách hàng qua việc sử dụng sản phẩm của họ. Mục đích thực sự của một công ty không phải chỉ là thêm lợi nhuận, mà là tạo ra những sản phẩm và dịch vụ giúp gia tăng chất lượng đời sống của mọi khách hàng mà họ phục vụ.

Lợi ích thứ hai mà những nhà doanh nghiệp mang lại là, trong khi tạo ra sản phẩm, họ tạo ra việc làm. Vì có việc làm, các con cái của công nhân có thể được đi học đầy đủ, học lên cao để trở thành những bác sĩ, luật sư, giáo sư, những nhà hoạt động xã hội và tăng thêm giá trị cho toàn xã hội. Khi Ross perot được hỏi về bí quyết làm giàu của mình, ông nói, “Điều tôi làm được cho đất nước này là tạo ra công ăn việc làm. Tôi khá giỏi về việc này và Chúa biết rằng chúng ta cần đến chúng”. Ta càng cống hiến được nhiều giá trị, ta càng kiếm được nhiều tiền hơn nếu ta chú tâm làm việc đó.

Làn sóng phân phối của tương lai

Một trong những cách mạnh nhất để tăng giá trị trong thập niên 90 trở đi là hiểu rằng trong xã hội hôm nay, của cải được tạo ra nhờ việc phân phối. Các sản phẩm và dịch vụ thay đổi liên tục, nhưng những ai biết tìm ra cách làm ra giá trị to lớn và cung cấp cho số lượng lớn khách hàng sẽ phát đạt. Đây đã là bí quyết thành công của người giàu nhất nước Mỹ, Sam Walton. Ông trở nên giàu có nhờ đã sáng tạo ra một hệ thống phân phối. Ross Perot cũng đã làm chuyện đó với ngành thông tin ở EDS. nếu bạn biết nghĩ ra cách sử dụng những gì có sẵn giá trị lớn và phân phối cho dân chúng, hay phân phối với giá thấp, là bạn đã tìm ra một cách nữa để tăng thêm giá trị. Tăng giá trị không chỉ là tạo ra sản phẩm, mà là tìm ra một cách để bảo đảm người ta gia tăng chất lượng của đời sống.

Đương nhiên xét kỹ ra, bạn và tôi đều hiểu tại sao người ta không thành công về tài chánh. Lý do là họ có những niềm tin hạn hẹp. Nhưng quan trọng hơn nữa, hầu hết người ta có niềm tin cố hữu là muốn đón nhận mà không phải bỏ ra cái gì. Ví dụ, nhiều người muốn tăng thu nhập mỗi năm một nhiều hơn, bất kể là họ có tăng phần đóng góp cho công ty của mình hay không.

Việc tăng thu nhập phải gắn liền với tăng giá trị và chúng ta có thể dễ dàng tăng giá trị của mình nếu chúng ta chịu khó học hỏi và gia tăng khả năng của mình.

Với các công ty cũng thế. Paul Pilzer nói, lao động là vốn. Nếu một người có thu nhập hàng năm là 50 ngàn đôla và có thể tạo ra 500 ngàn đôla giá trị, thì tại sao không nhận người này và đầu tư để gia tăng tài năng, hiểu biết, thái độ và trình độ của họ, để họ có thể tăng thêm 1 triệu đôla không phải là một tài sản quí báu lắm sao? Không có sự đầu tư nào tốt hơn là sự đầu tư của công ty cho việc đào tạo và phát triển nhân viên của chính công ty.

“Của cải là sản phẩm của

khả năng tư duy của con người”

-ANY RAND

2.CHÌA KHÓA THỨ HAI LÀ

DUY TRÌ CỦA CẢI

Sau khi bạn đã có một chiến lược hiệu quả để tích lũy tiền của, để kiếm được một lượng tiền lớn, bạn sẽ duy trì nó thế nào? trái với suy nghĩ của nhiều người, bạn không thể không duy trì của cải bằng cách chỉ việc tiếp tục kiếm tiền. Chúng ta từng nghe nói về những người nổi tiếng đã tích lũy được một tài sản khổng lồ để rồi bị mất trắng tay trong chốc lát, ví dụ những ngôi sao điền kinh nhờ tài năng đã tạo được một tài sản lớn nhưng đã tạo ra một nếp sống làm tiêu tán tài sản ấy khi thu nhập của họ thay đổi. Khi thu nhập sa sút, họ thường có những đòi hỏi to lớn mà họ không đáp ứng nổi, thế là họ mất trắng tay.

Chỉ có một cách để duy trì tài sản của mình, một cách đơn giản thôi: tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được và đem phần thặng dư vào đầu tư. Rõ ràng nguyên tắc này không hấp dẫn mấy, nhưng nó là cách duy nhất để bảo đảm duy trì lâu dài tài sản của bạn. Tuy nhiên, điều chúng ta luôn lấy làm lạ là người ta dù kiếm được nhiều tiền bao nhiêu đi nữa, họ hình như luôn tìm cách để tiêu số tiền đó. Ngay cả những người thuộc loại kiếm ra tiền nhiều nhất cũng thường rơi vào cảnh “phá sản”. Tại sao? Vì họ làm mọi quyết định kinh tế của mình dựa trên tiêu chuẩn ngắn hạn chứ không dài hạn. Họ không có một kế hoạch chi tiêu rõ rệt, càng không có một kế hoạch đầu tư. Họ đi vào con đường tuộc dốc.

Cách duy nhất để tạo dựng của cải là rút ra một tỷ lệ phần trăm số thu nhập của mình và đem đầu tư trước cho mỗi năm. Thật ra nhiều người biết điều này, nhưng ít người áp dụng và vì thế có ít người trở nên giàu. Phương pháp tốt nhất để bảo vệ bạn duy trì được của cải của mình là dành riêng 10% số tiền mình kiếm được để đầu tư ngay cả trước khi bạn nhận được số tiền ấy. Để duy trì của cải, bạn phải kiểm soát việc chi tiêu của mình. Nhưng đừng khai triển một ngân sách; hãy khai triển một kế hoạch chi tiêu. Hãy tỏ ra thông minh: chi tiêu ít hơn là số tiền bạn kiếm được và bạn sẽ duy trì được của cải của mình.

3. CHÌA KHÓA THỨ BA LÀ

TĂNG THÊM CỦA CẢI

Làm thế nào? Bạn hãy thêm một yếu tố đơn sơ nhưng hiệu quả nữa vào phương trình mà tôi vừa cắt nghĩa: Bạn phải chi tiêu ít hơn bạn kiếm được, đầu tư số thặng dư và tái đầu tư số tiền lời phát sinh.

Nhiều người nghe nói về số gia tăng lũy tiến của tiền lời, nhưng rất ít người hiểu nó. Tiền lời phát sinh giúp bạn sử dụng số tiền đó để sinh lời tiếp theo thay cho bạn. Những người thành công về tài chánh là những người dành ra một tỷ lệ phần trăm số tiền của họ, đầu tư nó và tiếp tục tái đầu tư số tiền lời cho tới khi nó tạo ra một nguồn thu nhập khá lớn để cung cấp những nhu cầu của họ mà họ không làm lại.

Nhưng phải đầu tư thế nào và vào cái gì? Không có câu trả lời đơn sơ cho câu hỏi này. Trước tiên bạn phải quyết định mục tiêu tài chánh của bạn là gì. Bạn muốn đạt tới điều gì và trong thời gian nào? Đâu là những rủi ro có thể chấp nhận, sự rủi ro không gây nhiều rắc rối cho bạn? Nếu không hiểu rõ bạn muốn gì, cần gì và những mối quan tâm của bạn về những điều có thể xảy ra, thì bạn sẽ không rõ được phải đầu tư vào cái gì. Điều quan trọng nhất trong đời sống tài chánh của bạn là quyết định hiểu rõ những loại đầu tư khác nhau và những rủi ro cũng như lợi tức có thể có của những loại đầu tư đó. Các nhà tư vấn kinh tế sẽ giúp bạn hiểu rõ những loại đầu tư khác nhau cùng với những lợi tức và rủi ro có thể có. Bạn cũng có thể đọc các sách của các tác giả chuyên môn về vấn đề này. Nhưng điều quan trọng là bạn hiểu rõ và quyết định chịu trách nhiệm về những kế hoạch tài chánh của chính mình.

4. CHÌA KHÓA THỨ TƯ LÀ

BẢO VỆ CỦA CẢI CỦA BẠN

Nhiều người khi đã có nhiều của cải lại vẫn cảm thấy bất ổn định như trước và thậm chí hơn trước khi họ có của cải. Người ta thường cảm thấy ít an toàn hơn khi họ nghĩ họ sẽ có nhiều của cải hơn để mất. Tại sao? Vì họ biết là bất cứ lúc nào cũng có thể có người kiện tụng họ một cách vô cớ hay vô lý và hậu quả là bạn bị mất của cải.

Ví dụ, một chuyện xãy ra đã được báo the Wall Street Journal thuật lại. Một người đàn ông lái xe trong lúc say rượu, đã cầm vào khẩu súng để ở ghế bên cạnh và vô ý khẩu súng bị cướp cò đã giết chết ông ta. Vợ ông, thay vì nhìn nhận lỗi của chồng mình là ở trong tình trạng say rượu, đã kiện hãng chế tạo khẩu súng là không có bộ phận an toàn cho người say rượu, bà đòi hãng bồi thường 4 triệu đôla và bà đã thắng kiện!

Một sự ngộ nhận phổ biến là muốn bảo vệ tài sản, người ta phải kín đáo và dối trá. Thực ra thành thật vẫn là chính sách tốt nhất. Bạn không cần che giấu tài sản, mà chỉ cần bảo vệ nó. Nếu hôm nay bạn chưa thấy nhu cầu này bao nhiêu, thì một ngày kia bạn sẽ thấy khi bạn đã tích lũy được nhiều của cải.

5. CHÌA KHÓA THỨ NĂM LÀ

HƯỞNG CỦA CẢI MÌNH LÀM RA

Nhiều người có thật nhiều của cải nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc; họ cảm thấy trống rỗng. Lý do là họ chưa hiểu được rằng tiền bạc không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Bạn và tôi phải bảo đảm mình tìm ra cách để chia sẻ với người khác những lợi ích mà tiền của mang lại cho chúng ta, bằng không, tiền bạc chẳng có giá trị gì. Khi bạn khám phá ra cách để cống hiến cân xứng với thu nhập của bạn, bạn sẽ cảm nhận được những niềm vui to lớn của cuộc đời.

Bạn hãy nhớ tới sức mạnh và giá trị của việc bố thí. Tôi có thể kể cho bạn về bước ngoặt trong quan niệm tài chánh của tôi vào ngày tôi cho một người hơn 20 đôla trong lúc tôi thật sự không có đủ 20 đôla để cho. Hôm ấy, tôi thấy thoải mái vô cùng và nguyên chỉ những cảm giác ấy đã giúp tôi làm việc tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhiều người sẽ nói, “Đợi bao giờ có tiền tôi sẽ bố thí”. Nhưng bạn thử nghĩ coi, cho mười xu khi bạn có 1 đôla thì khó hơn, hay cho 100 ngàn đôla khi bạn có 1 triệu thì khó hơn? Câu trả lời đã rõ ràng, phải không bạn? Tôi không ngụ ý bạn phải dành 10 % để cho người khác, nhưng bạn cần có quyết tâm luôn luôn dành ra một phần tỷ lệ số tiền bạn kiếm được và cho đi một phần bạn kiếm được, nó sẽ tạo ra cho đầu óc của bạn ý tưởng là bạn luôn luôn có đủ rồi. Bạn sẽ không cảm thấy túng thiếu và cách tin tưởng này sẽ thay đổi đời bạn.

Tôi xin kết thúc chương này bằng câu nói đơn giản với bạn: thay đổi các lối tin tưởng của bạn và làm chủ tài chánh của bạn có thể là một kinh nghiệm làm hài lòng bạn trong việc phát triển con người mình. Bạn hãy quyết tâm bước vào con đường này ngay bây giờ.

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

« Về Lại Trang TrướcXem Tiếp Trang Sau »