" Đừng đứng một chỗ rồi sợhãi – Cứ đi sẽ có đường – Never Stop Action "

Giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời

Filed under: Truyện ngắn — tonyfan @

Một chàng trai sắp bước sang tuổi 30 nhưng luôn lo lắng về tương lai của mình . Anh tự hỏi không biết giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời mình đang ở phía trước hay là những năm tháng của anh đã trải qua rồi . Thói quen hàng ngày của anh là đến phòng tập thể dục trước khi đến sở làm . Một buổi sáng, anh ta chú ý đến một ông lão đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ cường tráng và lạc quan . Anh đến làm quen và hai người trò chuyện với nhau về những kinh nghiệm trong cuộc sống . Cuối cùng chàng trai hỏi: “Đâu là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời ông ?”. Không chút lưỡng lự, ông lão đáp:

“Khi tôi còn là một đứa bé, tôi được chăm sóc, nuôi dưỡng bởi cha mẹ . Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi .

Khi đến trường, tôi học được những kiến thức mới mẻ từ thầy cô, bạn bè . Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi .

Khi tôi nhận được việc làm đầu tiên, được gánh vác trách nhiệm và được trả lương bởi những nỗ lực của mình . Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi .

Khi tôi gặp vợ tôi, chúng tôi yêu nhau, cùng nhau xây dựng gia đình . Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi .

Khi tôi là một người cha, nhìn những đứa con của mình lớn lên . Đó là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời tôi .

Và bây giờ, tôi đã 79 tuổi . Tôi có sức khỏe . Tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi đang yêu vợ tôi như lần đầu chúng tôi mới gặp nhau . Đây là giai đoạn đẹp nhất của đời tôi .”

Mỗi giai đoạn của cuộc đời đều là những giai đoạn đẹp nhất nếu chúng biết trân trọng và sống hết mình, đừng để thời gian trôi qua một cách vô ích .

Thanh Sơn

Dịch từ Internet

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Điều Không Bình Thường

Filed under: Truyện ngắn — tonyfan @

Larry và Jo Ann là một đôi vợ chồng bình thường. Họ sống trong một ngôi nhà bình thường trên một con phố bình thường. Giống như bao đôi vợ chồng bình thường khác, họ phải vật lộn với cuộc sống để lo cho con cái ăn học nên người.

Ngoài ra, họ còn bình thường về một phương diện khác: họ luôn có những cuộc cãi vặt. Đề tài là những bất đồng trong cuộc sống, và… ai là người có lỗi.

Cho đến một hôm, một sự kiện ngoại lệ đã xảy ra.

– Bà biết đấy, Jo Ann, tôi có những ngăn tủ kỳ diệu. Mỗi lần tôi mở chúng, chúng luôn có sẵn vớ và quần lót – Larry nói – Tôi muốn cảm ơn bà vì đã để mắt đến chúng suốt những năm qua.

Jo Ann nhìn chồng qua đôi kính:

– Ông muốn gì, Larry?

– Chẳng gì cả. Tôi chỉ muốn nói tôi đánh giá cao việc bà đã chăm sóc tôi.

Đây chẳng phải là lần đầu Larry có hành động kỳ lạ nên Jo Ann bỏ ngoài tai, cho đến vài hôm sau…

– Jo Ann, cám ơn bà đã ghi những con số chi phiếu rất đúng tháng này. Trong 16 con số thì bà đã ghi đúng hết 15 con. Quả là một kỷ lục.

Không tin vào những gì đang nghe, Jo Ann ngừng may.

– Larry, ông luôn cằn nhằn tôi về những con số sai, sao bây giờ lại thế?

– Vô lý. Tôi lúc nào cũng muốn bà biết tôi luôn ghi nhận những cố gắng của bà.

Jo Ann lắc đầu và tiếp tục may. “Ông ta làm sao ấy nhỉ?…”, bà tự hỏi.

Dù vậy, ngày hôm sau, khi Jo Ann ghi vào sổ tại cửa hàng tạp hóa của gia đình, bà cẩn thận để viết đúng số chi phiếu. Bà cố không nghĩ đến những điều không bình thường này nhưng thái độ kỳ lạ của Larry cứ tiếp tục.

– Jo Ann, thật là một bữa ăn ngon – ông ta nói trong một bữa tối – Tôi rất biết ơn bà. Trong 15 năm qua bà đã nấu hơn 14.000 bữa ăn cho tôi và lũ trẻ.

Rồi: “Ôi! Jo Ann, ngôi nhà mới ngăn nắp làm sao. Bà hẳn vất vả để giữ chúng luôn như thế…”.

Thậm chí: “Cảm ơn Jo Ann vì đã luôn bên cạnh tôi”.

Jo Ann trở nên lo lắng: “Đâu rồi những lời chê bai, chỉ trích?”.

Nỗi lo có điều gì không ổn xảy ra với chồng càng mạnh mẽ hơn khi Shelly, cô con gái 16 tuổi của bà, cằn nhằn:

– Bố lẩm cẩm rồi mẹ ạ! Bố bảo con xinh lắm với bộ quần áo cũ mèm này! Thật không phải là bố. Có gì xảy ra với bố rồi ấy!

Nhiều tuần trôi qua, Jo Ann trở nên quen thuộc với thái độ kỳ lạ của người bạn đời, và thỉnh thoảng bà cũng đáp trả lại “cảm ơn…”. Bà cảm thấy tự hào về bản thân như đã vượt qua được một chướng ngại vật. Nhưng đến khi một việc bất thường xảy ra thì bà hoàn toàn lúng túng.

– Tôi muốn bà nghỉ tay một chút – Larry nói – Tôi sẽ rửa chén. Nào, hãy bỏ cái chảo đó xuống và lên phòng khách xem tivi!

– (Sau một lúc lâu im lặng) Cảm ơn Larry, cảm ơn…

Bước chân của Jo Ann đột nhiên trở nên nhẹ tênh. Bà cảm thấy tự tin hơn và lần đầu tiên bà nghe mình khe khẽ hát. Câu chuyện sẽ dừng ở đây nếu không có một sự kiện đặc biệt nhất xảy ra. Lần này tác giả là Jo Ann. Một hôm, bà nói:

– Larry, tôi muốn cảm ơn ông vì đã làm việc nuôi sống gia đình suốt những năm qua. Tôi chưa từng nói cho ông biết, nhưng tôi rất biết ơn ông…

Larry đã không bao giờ hé mở lý do khiến ông thay đổi cách cư xử một cách tuyệt vời như thế, dù Jo Ann lục vấn đến đâu. Và điều này đã thành một trong những bí ẩn của cuộc sống, một điều bí ẩn mà tôi rất thích – vì tôi chính là… Jo Ann.

Võ Hoàng Lan

Từ Chicken soup for the soul

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Người Đẹp Nhất

Filed under: Truyện ngắn — tonyfan @

Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, một công ty mỹ phẩm nổi tiếng tổ chức cuộc thi: “Người phụ nữ quanh tôi”. Theo đó, người dự thi phải gửi đến những lá thư ngắn nói về người phụ nữ đẹp nhất mà mình đã gặp, đã quen biết và đã cùng sống. Kèm theo là chân dung của người đẹp này. Trong vài tuần lễ, công ty đã nhận được hàng ngàn lá thư gửi về.

Trong số này có một lá thư gây được sự chú ý đặc biệt. Tác giả lá thư là một cậu bé 9 tuổi, sống trong ngôi nhà ở một ngõ cụt của khu xóm ven kênh rạch. Lá thư còn đầy lỗi chính tả, có đoạn viết:

“Người phụ nữ đẹp nhất đó ở cách nhà cháu một dãy phố. Cháu đến thăm bà mỗi ngày. Bà làm cháu cảm thấy mình là một đứa trẻ có giá trị và quan trọng nhất trên đời. Bà cùng chơi cờ với cháu và chăm chú lắng nghe những câu hỏi của cháu. Bà hiểu cháu rất rõ, và khi cháu ra về bà luôn nói to lên là bà rất hãnh diện về cháu.

Bức ảnh đó cho các ngài thấy bà quả là người phụ nữ đẹp nhất. Cháu hy vọng sau này sẽ có một người vợ đẹp như bà”.

Bị hấp dẫn bởi lá thư, ông giám đốc công ty muốn xem ngay hình người phụ nữ đó. Cô thư ký đưa ra tấm hình của một bà cụ tươi cười nhưng đã rụng hết răng! Mái tóc muối tiêu của bà được búi gọn sau gáy, và những nếp nhăn hằn sâu hai bên má dường như lu mờ đi phần nào dưới vẻ lấp lánh của đôi mắt sáng trong xanh đầy tự tin.

Cuối cùng, ông giám đốc mỉm cười:

– Rất tiếc là chúng ta không thể dùng chân dung người phụ nữ này để quảng cáo cho công ty được vì bà chứng tỏ cho mọi người biết: để trở nên người phụ nữ đẹp, chẳng cần đến những mỹ phẩm của công ty chúng ta! Thật tiếc!

Nguyên Vũ Sao Đêm

Theo The love and life

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Kẻ ruồng bỏ

Filed under: Truyện ngắn — tonyfan @

Mã Kiện

Năm 1979, một tháng trước khi chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con được ban hành, vợ của phó chủ tịch ủy ban tài chính đã sinh một đứa con gái mắc bệnh thiểu năng, con bé tên Miêu Miêu.

Bảy năm sau đó, khi người vợ sinh đứa con gái thứ hai, một đứa trẻ hoàn toàn bình thường, người ta thường thấy phó ban đưa Miêu Miêu xuống phố, ánh mắt bao giờ cũng có vẻ lén lút. Khuôn mặt của ông nhàu nhò, hai bên má hóp lại, tất cả toát lên một nỗi thất vọng chán chường. Nét mặt của Miêu Miêu hầu như vô cảm, chỉ hơi ngơ ngác một chút. Người trong thị trấn để ý thấy hình như hai cha con họ lúc nào cũng có vẻ như đang trên đường đến một nơi nào đó.

Phó ban vốn là người có nhóm máu A, lại sinh năm thỏ, thế nên tính cách của ông vừa ngang ngạnh, vừa khép kín. Hồi ông hai mươi tuổi, có một mụ già mặt mũi nhăn nheo ở cửa hàng gạo đã xem chỉ tay cho ông và bảo rằng ông không thể nào có con trai được. Thế nhưng mụ đã không nói cho biết đứa con gái đầu lòng của ông sẽ là một đứa bé mắc bệnh thiếu năng hay là nhà nước sẽ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con mà thôi. Nếu lúc đó biết tương lai là thế này thì ông đã bảo vợ đi nạo ngay từ lúc cô ta biết mình có thai.

Sau khi đứa con gái thứ hai của ông chào đời, cả tuần ông giam mình trong phòng và uống hết bốn chai rượu. Thế rồi sau đó, ông cạo râu, ăn mặc tử tế đến gặp một lão què có tên là Tăng để xem bói lại lần nữa. Ông trả cho lão Tăng sáu tệ và nghe lão phán: vào năm bốn mươi tám tuổi, ông sẽ được thăng chức lên một cấp cao hơn; năm bốn chín tuổi, ông sẽ gặp một cái hạn nhưng nếu ông thắt một sợi dây màu đỏ quanh lưng thì có thể sẽ tai qua nạn khỏi; năm năm mươi tuổi, có một vị khách từ tây nam tới và sẽ đem đến cho ông vận may (phó ban nghĩ mãi trong số họ hàng và bạn bè xem có ai sống ở miền nam không, cuối cùng mới nhớ ra mình có một ông chú từng làm tướng của Quốc dân đảng, hiện đang sống với lực lượng phiến loạn ở Miến Điện mặc dù đã ba mươi năm rồi gia đình ông chẳng biết tin tức gì về ông chú này); vào năm ông năm mươi bảy tuổi, mẹ ông sẽ qua đời, và vợ ông mất vì bệnh phổi; năm sáu mươi tuổi, ông sẽ gặp một goá phụ trẻ cũng có nhóm máu A, sinh vào năm Trâu, cô này sẽ lấy ông và sinh cho ông đứa con gái thứ ba. Năm sáu mươi ba tuổi, ông sẽ chết. Ông hỏi lão Tăng xem có cách nào giúp ông sống thêm vài năm nữa — chỉ hai năm thôi cũng được — nhưng lão thầy bói bảo không thể nào làm thay đổi số phận được.

Thực ra thì phó ban lo cho chuyện mình không có con trai để nối dõi tông đường hơn là chuyện tuổi thọ ngắn ngủi. Ông gạt ra một bên ý nghĩ về người goá phụ trẻ nọ và tập trung suy nghĩ tìm cách làm thế nào để sinh được một cậu quý tử. Vì nhiễm sắc thể của Miêu Miêu bất thường khiến con bé vừa có vấn đề về thần kinh lại vừa tật nguyền nên đơn vị của vợ ông dành cho chị một ngoại lệ, cho phép chị được sinh hai con nhưng không bao giờ họ đồng ý để chị sinh thêm đứa thứ ba. Quả thật, ngay sau khi chị sinh đứa con gái thứ hai, một người của uỷ ban kế hoạch hoá gia đình đã đến đặt vòng cho chị. Trường hợp duy nhất khiến chị có thể kiếm cớ mang thai lần nữa đó là nếu như xảy ra chuyện một trong hai đứa con của chị bỗng nhiên biến mất. Với tình hình như bây giờ, phó ban nghĩ, hy vọng duy nhất của ông là tống khứ được con bé Miêu Miêu này.

Vì thế mà phó ban lao vào cuộc chiến với số phận. Khi đứa con gái thứ hai của ông mới được hai tuần tuổi, ông liền bế Miêu Miêu ra một công viên định bỏ rơi nó ở đó. Trước khi ông đi, vợ của ông cũng sụt sùi nước mắt nhưng chẳng biết làm gì hơn. Buổi tối, ông về nhà, trên tay vẫn bế Miêu Miêu. Ông kể với vợ là ông đã đặt con bé trên một cái ghế băng suốt cả buổi chiều và đứng ở xa quan sát nhưng chẳng có ai đến đem con bé đi cả. Sau ba lần cố gắng bỏ rơi con bé mà không thành, ông quyết định nghỉ việc một ngày, hy vọng giải quyết xong xuôi chuyện này.

Miêu Miêu có một cái đầu bẹt, lơ thơ một nhúm tóc tơ, trán dô và nhăn nheo, hai con mắt như con nòng nọc ăn sâu vào những hốc mắt nông choèn, mũi tẹt mà lỗ mũi lại lớn, mỗi lần lấy hơi thở, cánh mũi lại xoè ra. Cái miệng của nó không bao giờ ngậm lại được khiến nước dãi và thức ăn luôn trào ra rơi xuống cằm, bết lại quanh những nếp nhăn trên cái cổ vốn to của nó. Nó có sống thì cũng chỉ đem lại khổ sở cho ông mà thôi.

Suốt bảy năm qua, con bé cũng nhận biết được một vài điều. Nó biết gào lên khi muốn đi tiểu tiện, và biết nghe lời khi bảo nó ăn hay uống thuốc. Sau vài lần cha nó cố tìm cách bỏ rơi nó, con bé cũng biết sợ mỗi khi bị đưa ra khỏi căn phòng tối om trong nhà đi ra ngoài trời. Hễ khi nào cha nó bế nó, đem nó đến một nơi mà ở đó có thể thấy được bầu trời rộng mở trên cao là tóc con bé lại dựng ngược lên, nó bặm miệng thật chặt đến độ khó có thể cậy ra được. Con bé đã từng ở lại một mình trong rừng suốt cả ngày nghỉ cuối tuần, nằm lại một đêm trên một cái ghế đá, sáu ngày tại một đồn công an ở một vùng quê, bốn mươi tám giờ trên một chuyến tàu đến thành phố. Lúc những chuyện không hay này bắt đầu xảy ra, con bé bao giờ cũng thấy bỗng nhiên cha nó biến đi đâu mất và nó chỉ còn lại một mình. Nhưng cuối cùng thì con bé luôn được thoát nạn và an toàn trở về căn phòng tối om đầy mùi bùn và bắp cải thối.

Phó ban không biết đến khi nào việc bỏ rơi con bé Miêu Miêu này mới thành nhưng ông quyết định tiếp tục đương đầu với số mệnh. Vì đứa con trai tương lai, vì mục đích để lần thụ thai tới của vợ ông thành công, phó ban tiếp tục theo đuổi kế hoạch của mình. Ông tự nhủ lý do duy nhất khiến ông bây giờ phải chăm sóc tử tế cho Miêu Miêu là nhằm chuẩn bị cho một cơ hội để ông có thể rũ bỏ nó. Còn đối với Miêu Miêu, mỗi một chuyến đi ra thế giới bên ngoài là một cơ hội để nó chứng tỏ cái sức sống bền bỉ của mình.

Phó ban vào Đảng năm 1958. Thời kỳ Cách mạng văn hoá, ông gia nhập một phe chính trị không đồng tình với những chỉ thị cải cách của Mao chủ tịch và bị hất cẳng bởi phe đối thủ. May mắn là ông lại kết hôn với một người thuộc phe thắng thế, do vậy mà thoát khỏi việc bị đấu tố. Ông làm tình với vợ trong căn buồng tối tăm của họ trong khu nhà dành cho công nhân ở, khi đó, ngoài trời, đạn bay vèo vèo. Cả hai người hầu như chẳng có kinh nghiệm gì trong chuyện tình dục, ngoài một ít điều họ biết được qua những câu chuyện tục tĩu, vì thế mãi đến năm thứ tư kể từ ngày họ kết hôn, vợ ông mới mang thai. Bác sĩ bảo khuyết tật của đứa trẻ là hậu quả từ việc họ đã quá đà trong chuyện chăn gối hồi vợ ông mang thai.

Sáu tháng theo đuổi kế hoạch của mình, phó ban vẫn không sao tìm được cách để rũ bỏ Miêu Miêu. Ông dồn nhiều sức lực hơn vào kế hoạch này và bắt đầu xao lãng công việc của mình. Lão thầy bói đã bảo rằng ông chỉ có thể rũ bỏ được đứa con gái của mình khi nào ông chắc chắn có một người tử tế nào đó nhận nuôi nó. Ông sẽ không thể nào bỏ rơi nó được nếu còn băn khoăn nghĩ đến có chuyện nào rủi ro khiến con bé có thể bị hại hay phải chết đói. Chuyện này không thành hẳn là có mối liên hệ với con giáp mà ông cầm tinh. Ông tin là nếu sinh năm Dần hay năm Dậu thì bây giờ ông đã có thể ẵm một thằng cu trên tay rồi.

Thường thì ông hay đem Miêu Miêu ra vùng ngoại ô, hy vọng có thể vứt nó lại ngoài cánh đồng. Ông đặt con bé xuống bên cạnh một mô đất rồi nấp sau một bụi rậm quan sát. Thi thoảng có một người qua đường dừng lại chỗ con bé, đá đá vào ống chân nó để xem nó còn sống hay không. Thế rồi họ nhìn xung quanh và khi chắc chắn rằng không ai nhìn thấy mình, họ lần lần sờ sờ con bé. Nếu tìm thấy cái phong bì có nhét tiền mà phó ban đã gài vào trong túi áo của con bé thì họ sẽ rút nó ra và xoáy luôn số tiền ấy. Một vài kẻ thậm chí còn định lột cả áo quần của con bé nữa. Hễ thấy cảnh này là ông lại xổ ra đuổi theo tên trộm, giật lại mớ quần áo và tiền từ tay hắn. Rồi ông lại bế Miêu Miêu lên, đem nó đến một cánh đồng khác. Khi mặt trời bắt đầu ngả bóng và nếu như vẫn không có ai nhặt con bé đi thì ông đành lê chân đến chỗ con bé, trong cảm giác mệt mỏi vì đói, ông bế con bé lên mang về nhà.

Một ngày nọ, phó ban đọc được một bài báo nói về một trại trẻ mồ côi ở thị trấn bên. Trại trẻ có những phòng ngủ sạch sẽ và sáng sủa, bài báo tả như vậy, ngoài sân còn có cả một chiếc xích đu. Khách nước ngoài từ sáu nước đã đến thăm trại trẻ và chụp ảnh với những đứa trẻ với khuôn mặt rất vui tươi ở đó. Tim ông đập mạnh khi đọc mẩu tin này: “Tuyệt vời!” ông thầm nói. “Đấy là cái mà Đảng đã cho ta! Một trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý — cuối cùng thì Miêu Miêu cũng có được một nơi để đến!”

Ngày hôm sau ông nghỉ việc và đến thành phố đó cùng với Miêu Miêu. Khi đến trước cổng trại trẻ, ông ngừng lại một lát và lẩm nhẩm lại những gì định nói. Ông thầm thì với Miêu Miêu, bảo nó không được để lộ ra ông là cha nó — một sự cẩn trọng không cần thiết, vì ông biết rõ là con bé không thể thốt lên được một lời. “Mẹ mày giờ phải trông em” ông bảo với nó. “Mẹ mày không có thời giờ để chăm sóc mày. Ở đây mày sẽ hạnh phúc. Ngày nào người ta cũng cho mày ăn mì, và cả kẹo nữa. Thậm chí người ta còn dạy cả tiếng Anh cho mày. Mày sẽ sung sướng hơn ở nhà nhiều.” Ông lau dãi cho con bé, bế nó qua cổng của trại trẻ và gõ cửa.

Giám đốc trại trẻ mở cửa. Đó là một phụ nữ có gương mặt nghiêm nghị, ít hơn vợ ông chừng vài tuổi. Phó ban đặt Miêu Miêu lên bàn tiếp khách và quả quyết rằng ông đã nhặt được con bé ngoài phố. “Tôi đã hỏi xem nó là con ai nhưng không ai biết cả”, ông bảo bà giám đốc, mặt tỏ vẻ bình thản như không. “Một người bán dạo nói với tôi nó có thể là một đứa trẻ mồ côi và tôi nên đem nó đến chỗ của đồng chí.”

Bà giám đốc săm soi nhìn vào mắt Miêu Miêu. “Đồng chí bảo là mình đã nhặt được nó ngoài phố ư?” bà hỏi. “Chúng tôi không thể chắc chắn đây là một đứa trẻ mồ côi được. Có thể là nó bị lạc, hay bị cha mẹ nó bỏ rơi. Thật ra ông nên đem nó đến đồn công an.”

Phó ban bắt đầu toát mồ hôi. “Tôi chỉ muốn làm việc tốt mà thôi”, ông nói. “Tôi không biết đường sá ở thị trấn này như thế nào. Tôi chỉ ở lại đây trong ngày hôm nay. Và hơn nữa, tôi lại còn phải bắt kịp một chuyến tàu”. Ông rút ra một tấm vé tàu, huơ huơ nó lên. Bà giám đốc thở dài và miễn cưỡng đồng ý sẽ tự mình dẫn con bé đến đồn công an.

Phó ban trở lại nhà ga. Trong lúc đợi tàu, hân hoan vì cuối cùng cũng đã thực hiện được ý định của mình, ông chạy đến quán ăn ở cuối sân ga và tự thưởng cho mình một đĩa tai lợn và hai cốc rượu ấm.

Ngày hôm sau, ông ngồi ở bàn làm việc nhìn ra cửa sổ, nghĩ xem phải viết bức thư thông báo việc Miêu Miêu mất tích như thế nào, sau đó là lá đơn mà ông và vợ phải thảo để xin phép sinh thêm đứa nữa. Đúng lúc ông đang mơ màng nghĩ đến hình ảnh cậu con quý tử tương lai của mình đang bú ti mẹ như thế nào thì chuông điện thoại reo. Ông trưởng đồn công an ở thị trấn bên gọi ông đến để đem Miêu Miêu về.

Sáng hôm sau nữa, ông lại nghỉ làm, điều này làm lãnh đạo đơn vị hết sức ngạc nhiên, bởi vì như thế nghĩa là ông đã vắng mặt trong buổi họp chi bộ hàng tuần, để đến đón Miêu Miêu về. Phó ban băn khoăn không biết vì sao công an lại có thể lần ra ông được. “Tai mắt đám đông chuyện gì cũng có thể biết được,” ông lầm bầm. Ông nhận ra để tống khứ được con bé Miêu Miêu này có lẽ ông phải đến một nơi xa hơn.

Vào ngày sinh nhật lần thứ tám của Miêu Miêu, phó ban cho con gái một tấm vải nhựa để che mưa. Sau bữa mì xào làm nhân sinh nhật của con bé, ông lại chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của hai cha con. Đầu tiên, ông mặc một chiếc áo khoác không thấm nước và đi một đôi ủng mới. Rồi ông nhét một viên thuốc ngủ vào miệng Miêu Miêu. Ông không nỡ bỏ rơi con bé lúc nó còn đang thức, làm như thế, ông sẽ không phải nghe thấy nó nấc nghẹn hay chứng kiến cảnh nó khóc gào giữa một bầy sói.

Mặc dù ban đầu vợ ông đã phản đối kế hoạch này của ông nhưng dần dần ông đã thuyết phục được vợ, và bây giờ vợ ông còn ủng hộ ông hết lòng. Trước lúc ông đi, bao giờ vợ ông cũng chuẩn bị cho ông một bi đông trà nóng và một hộp thịt bò khô nhét vào trong ba lô. Sự quyết đoán và mạnh mẽ của ông khiến bà thấy kính nể. Bà ngỡ ngàng trước vẻ đưòng hoàng của ông trong bộ đồ mới này. Ước muốn duy nhất của bà là làm sao để chồng mình vui vẻ và sinh được cho ông đứa con trai mà ông đã mong đợi từ lâu. Một tháng trước đó, chính bà đã trả tiền cho một mụ già nhờ giàn xếp để bán Miêu Miêu cho một cặp vợ chồng vô sinh, nhưng ngay khi biết con bé mắc bệnh thiểu năng thì cặp vợ chồng này đã đem nó trả lại và đòi hoàn tiền. Sau thất bại này, bà vợ đã nghĩ đến việc phá rào, cố tìm cách để sinh đứa thứ ba. Bà nghe nói có một bệnh viện tư ở một vùng nông thôn có thể tháo vòng với giá 30 tệ. Nhưng khi nhìn thầy tờ áp phích dán trên cửa hàng gạo: “Một con là quá nhiều: đủ để khổ cả đời”, bà không còn can đảm nữa.

Thế đó, Miêu Miêu vẫn không chịu biến mất. Nó phải chịu hết tai nạn này đến tai nạn khác nhưng bao giờ cũng thoát nạn an toàn. Trước khi lẫm chẫm bước đi, nó đã sống sót sau một vụ hai xe ô tô tông nhau và một cú ngã từ cửa sổ tầng ba rơi xuống. Không đêm nào là nó không lăn từ trên giường xuống sàn nhà bê tông nhưng chẳng bị hề hấn nghiêm trọng gì bao giờ.

Một hôm, phó ban để con bé lại trên một lối đi vắng vẻ bên một con kênh. Sau khi đặt con bé lại ở đó vài phút, một cái máy kéo không biết từ đâu lăn qua chỗ con bé. Bánh xe sượt qua đầu nó và làm bùn bắn tung toé lên mặt con bé. Khi phó ban chạy tới, ông thấy con bé vẫn bình an vô sự. Lốp xe đã lăn qua hai bên thân mình của con bé. Hàng xóm nghe câu chuyện này bảo rằng chỉ có những đứa bé được thần linh phù hộ mới không bị việc gì khi gặp một tai nạn như vậy, và họ đoán rằng con bé sẽ đem lại may mắn và tài lộc cho gia đình này. Bởi lẽ đó suốt cả một tháng phó ban không nghĩ đến chuyện tìm cách bỏ rơi Miêu Miêu nữa và đợi vận may đến.

Nhưng không có gì thay đổi cả, một lần nữa phó ban lại tin rằng cái hậu vận mà lão thày bói Tăng tiên đoán cho ông là chắc như đinh đóng cột. Đầu óc ông bị ám ảnh nặng nề bởi chuyện nhà mình nguy cơ tuyệt tự. Ông biết rằng nếu vợ ông vượt quá chỉ tiêu sinh hai con thì ông sẽ đánh mất tất cả những gì mình đã cật lực mới có được: công việc ở cơ quan nhà nước, thẻ Đảng viên, nhà cửa, lương bổng.

Vài tháng sau ngày sinh nhật lần thứ bốn mươi tám của mình, ông được đề bạt làm trưởng ban tài chính, đúng như những gì mà lão Zeng đã đoán trước. Nếu những lời phán khác của lão Zeng cũng đúng cả thì năm sau một tai hoạ sẽ đổ ập xuống đầu ông. Nếu không qua được cái nạn này thì gia đình ông sẽ vĩnh viễn tuyệt tự. Bây giờ chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, ông quyết định, là từ bỏ vị trí mới của mình và tập trung tất cả thời giờ vào chuyện tìm cách để bỏ rơi Miêu Miêu.

Điều rắc rối là cứ mỗi lần định rũ bỏ Miêu Miêu là ông lại thấy mình gắn bó với con bé sâu sắc hơn. Ông bắt đầu thấy hứng thú những chuyến đi cùng nó về nông thôn. Hầu như cả đời chỉ quanh quẩn bên bàn giấy, bây giờ ông thấy thật tuyệt vời khi cảm nhận được gió lùa trên mái tóc và nắng hắt trên da mặt. Ông thấy thích thú khi khoác trên mình bộ đồ đi cắm trại và được ngủ ở ngoài trời. Những chuyến đi cùng Miêu Miêu làm ông nhận thức sâu sắc hơn về đời mình và theo một nghĩa nào đó, ông biết ơn con bé.

Nhiều năm qua, ông đã hy vọng Miêu Miêu sẽ hợp tác với kế hoạch của ông và sẽ lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời ông. Nhưng khi cái hy vọng này cứ dần dần tiêu tan thì con bé lại trở thành người duy nhất an ủi ông và cảm thông với ông — nó là người bạn thân thiết nhất của ông. Cho dù ông có đặt nó vào những chỗ nguy hiểm thì con bé vẫn là người duy nhất trên thế gian này có thể tha thứ cho ông. Ông bắt đầu dốc lòng tâm sự với nó, kể cho nó nghe những vấn đề của ông với vợ mình, những mối quan tâm của ông về tình hình thế giới, nỗi đau lòng của ông vì tất cả những gì ông đã gây cho nó. Biết là con bé chẳng thể nói gì để đáp lời, ông cảm thấy có thể thoải mái nói tục ngay trước mặt nó.

Khi nhận ra những cố gắng của mình là vô ích, dần dần ông không thể tự chủ trong suy nghĩ được nữa. Mỗi lần cố gắng ruồng bỏ Miêu Miêu ông lại cảm thấy cứ như thể thật sự là ông đang ruồng bỏ chính mình và thấy rõ cái tương lai đã được định đoạt của mình. Đôi khi ông cảm thấy chính Miêu Miêu đã kéo ông ra khỏi thị trấn, chứ không phải là ngược lại. Cả nó nữa, nó cũng đã học được nhiều từ những chuyến đi này. Mỗi lần nằm ngả lưng giữa một cánh đồng vắng không, gào khóc trong vòng tay của một kẻ xa lạ, hay những lúc nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của cha mình, những hiểu biết của nó về thế giới này được rộng mở.

Một buổi tối, bên rìa một ngôi làng xa xôi, khi ngài trưởng ban đã từ nhiệm nằm ngả xuống mặt đất bởi kiệt sức, ông có cảm giác như nghe thấy Miêu Miêu nói với mình: “Hơn hai năm qua, con đã phải chấp nhận vai trò của một đứa trẻ bị ruồng bỏ. Con đã tìm được chính mình, và chính từ những cuộc vật lộn để rũ bỏ con, cha đã học được đôi điều về cuộc sống. Một người cha có thể đánh lừa một đứa con mắc bệnh thiểu năng nhưng một đứa con mắc bệnh thiểu năng cũng có thể đánh lừa được cha mình. Con đã tạo cho cuộc sống của cha một khuôn thức, một nhịp điệu. Con đã dạy cho cha những gì thuộc về chính bản thân cha mà cha thấy có lẽ nếu không biết thì hơn. Cha phải hiểu nhiệm vụ này của cha cuối cùng sẽ huỷ diệt chính cha. Trong cái thế giới điên đảo này, chỉ có một đứa trẻ mắc bệnh thiểu năng mới có thể tìm thấy hạnh phúc. Con chẳng chia sẻ bất cứ lỗi lầm hay trách nhiệm nào của cha. Con chẳng bận tâm bất cứ điều gì về quá khứ hay tương lai, hay chuyện liệu tinh trùng của cha có phối được với một tế bào trứng của ai đó không. Thậm chí con còn không chắc chắn là mình có tồn tại trên đời này hay không nữa. Nếu cha cũng mắc bệnh thiểu năng như con, cha sẽ hiểu những gì con nói. Con ước là cha sẽ từ bỏ cái nhiệm vụ vô ích này của mình. Cha đã tận lực cho mọi người rồi. Cha đã không làm cả con và cha thất vọng. Cha chẳng còn gì nữa để làm đâu.” Khi con bé nói, nước mắt và nước dãi của nó chảy long tong xuống ngực cha mình. Lúc này, ông đang ngủ, đầu ông tựa vào một bức tường gạch nung. Phía trên ông có một khẩu hiệu: “Thêm mười ngôi mộ còn tốt hơn một cái nôi!”.

Chiều hôm đó, sau khi ngài trưởng ban đã từ nhiệm bỏ rơi Miêu Miêu một lần nữa không thành, một người nông dân trong làng nói với ông rằng không có ai ở đây cần con bé này cả. Ông ta bảo: “Ban kế hoạch hoá gia đình đã kiểm tra chúng tôi rồi. Người nào cũng chỉ muốn có con trai để giúp đỡ việc đồng áng. Không ai muốn một đứa con gái cả, một đứa con gái khuyết tật thì lại càng không. Tốt nhất là ông đêm thả nó trôi sông. Ở làng này, nếu sinh một đứa bé không hợp pháp, các bác sĩ sẽ tiêm một liều nước muối vào đầu đứa trẻ ngay khi nó vừa được sinh ra, chỉ mười phút sau nó sẽ chết.”

Khi đời sống người ta thay đổi theo sự phát triển kinh tế của đất nước, người ta ít chú ý hơn đến ông trưởng ban đã mất cả đời để vứt bỏ đứa con gái đầu lòng của mình và rồi lại đem nó về cưu mang. Nhưng người nào cũng biết ông là ai.

Cứ để ý là họ lại bắt gặp hình ảnh một người đàn ông cổ áo và ống tay áo là lượt (chỉ nhìn thoáng qua họ cũng biết trước kia ông đã từng là viên chức nhà nước) đi ngang qua bảo tàng của thị trấn một cách vội vã, bế trên tay một đứa trẻ tật nguyền. Ông băng qua cầu vượt dành cho người đi bộ và đi về phía vùng ngoại ô mới, ông không nhằm hướng đi về phía công viên bên bờ sông mà về phía những cánh đồng ở ngoài xa .

Đến khi ông trưởng ban cận kế sáu mươi tuổi, sức lực của ông đã sa sút nhiều, ông không thể đem con gái mình đến những cánh đồng được nữa. Thay vào đó, ông đặt con bé ở chỗ gần cửa hàng gạo, đầu nó nghếch về phía tây nam. Rồi ông ngồi nấp sau một bụi cây cách đó mười mét, sợi dây lưng màu đỏ của ông cứ lòng tha lòng thòng trên mặt đất. Khách qua đường để ý rằng khi ông ngồi nấp sau bụi cây như thế những nếp nhăn trên mặt ông dường như biến mất. Ông cứ ngồi đợi hàng giờ liền, kiên nhẫn như một người đi câu bên hồ vậy. Nhưng ngay khi có kẻ nào đi qua và sờ vào “cái của để rơi” của ông là ông dựng người lên, nhảy bổ tới và bế xốc Miêu Miêu lên. Trong thị trấn này ông trở thành người bảo vệ duy nhất của đứa con tật nguyền.

Nguyên tác: “The abandoner”, do Flora Drew dịch từ tiếng Trung,

in trong tạp chí New Yorker, số ra ngày 10-5-2004.

Độc giả có thể tham khảo bản điện tử của tác phẩm này trên trang web:

http://newyorker.com/fiction/content/?040510fi_fiction

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Hay Dở Tự Ở Mình

Filed under: Truyện ngắn — tonyfan @

Mõ Saigòn

Khổng Tử đang dạy học trò, bỗng thấy người hơi oải, liền đứng dậy bước ra hòn non bộ. Ngó vào nơi xa vắng, mà tự nhủ lấy thân:

– Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa. Uống rượu mà gặp được người hiểu mình, thì dẫu nốc cả ngàn chung, cũng chẳng ăn thua gì hết cả. Còn trò chuyện mà gặp người tầm phào ba láp, thì dẫu nói nửa câu, cũng giống như chưa nói gì đó vậy. Ta, bởi mang tiếng là hiền sĩ. Chuyên nói chuyện nghĩa nhân, nên… thiên bôi thiểu chưa bao giờ có đặng. Thiệt là đáng tiếc!

Rồi đang lúc thả hồn theo đầu mây ngọn cỏ. Chợt nghe tiếng rào rào chan chát tận bên tai:

– Lễ to, lộc nhiều. Thầy đã có học trò khắp hang cùng ngõ hẻm. Sao lại chẳng vui?

Khổng Tử giật mình quay lại, thấy Mạnh Tử đang khoanh tay đứng lặng gần bên, bèn nhỏ giọng nói rằng:

– Ta lỡ mang tiếng dạy Đạo Thánh Hiền, nên suốt tuổi thanh xuân chưa một lần nhậu mút chỉ cần câu, đâm dâng niềm tiếc nuối. Ta lại buồn lòng trộm nghĩ: Đời người như giấc mộng. Thoáng một cái đã tóc bạc tùm lum – mà chẳng chịu vui chơi – thì hối hận mang mang e khó lòng tránh đặng!

Mạnh Tử chau mày lại mà suy nghĩ, rồi cẩn trọng thưa:

– Mới lúc nãy trời đang tốt đẹp. Giờ đã âm u. Thời tiết thay đổi bất thường. Thật chẳng khác đời người khi đen khi sáng. Lúc lạnh lẽo co ro. Lúc ấm áp tâm can như bên nồi bánh chưng vậy. Nay thầy đã hiểu được tình tri kỷ, mà muốn chuyện… dzô dzô, thì cõi nhân sinh ắt mừng vui lắm lắm!

Khổng Tử dịu nét mặt lại. Hít một hơi sâu, rồi khoan khoái nói:

– Tâm bệnh ta ngươi đã rõ. Ước vọng ta ngươi đã hay. Chờ chi không tính?

Mạnh Tử bỗng nở một nụ cười thật tươi. Ngước mặt lên trời. Tha thiết nói:

– Xin Hoàng Thiên phù hộ. Cho việc lớn hóa nhỏ. Việc nhỏ hóa không, để nhậu nhẹt vui chơi đừng đụng chạm đến bàn dân bá tánh!

Khổng Tử nghe vậy, phớn phở cả mặt mày. Cất tiếng đáp:

– Gặp bất cứ việc gì, mà biết thu dọn vén gom, thì dẫu đã thác đi vẫn còn là quân tử!

Mạnh Tử liền nhìn thẳng vào mắt của thầy. Chợt thấy cả một trời mơ ước, bèn động mối quan hoài mà tự nhủ lấy thân:

– Thầy tới tuổi da mồi tóc bạc, mà vẫn sợ tiếng đời dị nghị khen chê, thì chẳng trách cõi nhân sinh… nổ tùm lum tứ tán.

Đoạn, trìu mến nhìn thầy. Chậm rãi thưa:

– Nước Quắc đất rộng người thưa, lại cầu hiền như khát nước, là một điều hay. Rượu nước Quắc dẫu độ hơi cao, nhưng cái hậu như… trời bay mây cuốn, là hai điều hay. Đất Quắc gần rừng hơn biển, nên gánh chịu cái âm, thành thử quý mến nam nhi hổng biết bao nhiêu mà nói, là ba điều hay. Học trò theo thầy mài dùi kinh sử. Chưa thấm chuyện yêu đương. Nếu qua kia kết nối tình giai ngẫu, thì trước là có hương khói dành tặng tổ tiên. Sau tiết kiệm được kim ngân vì bên ấy người ta lo hết cả, là bốn điều hay. Theo thầy, vừa đặng chữ Thánh Hiền. Vừa được hiền thê, thì công đức ấy tính trăm năm cũng khó lòng so sánh đặng, là năm điều hay. Với năm điều hay ấy, thì chữ lợi danh đã bày ra trước mắt. Sao lại bỏ đi?

Khổng Tử bèn chớp mắt mấy cái, rồi bảo dạ rằng:

– Điều quan trọng nhất của đời người, là biết chụp cơ hội. Không để nó chạy đi. Chớ có là quân tử tiểu nhân cũng chẳng nhằm chi hết cả!

Rồi gật đầu ưng thuận. Quyết chẳng đắn đo gì nữa cả. Qua ngày mai, Mạnh Tử thay thầy công bố chuyến du hành qua đất Quắc. Chợt thấy Bật Tử Tiện đứng ào lên ghế. Vội vã thưa:

– Đi sang đất Quắc để xiển dương Đạo Thánh Hiền, mà thiếu hụt kim ngân, thì dẫu chơi hết sức cũng đến ngày… đứt chến!

Mạnh Tử nghiêm mặt lại. Chắc nịch đáp rằng:

– Mỗi người ủng hộ cho thầy một con gà, một giạ lúa, thì có đi đến sang năm, cũng chẳng bao giờ đói cả!

Ngày nọ. Thầy trò Khổng Tử đi đến biên thùy của đất Quắc, mới dừng chân hạ trại. Nam phụ lão trừ… ấu của đất Quắc, mừng hơn bắt được vàng, bèn hè nhau ngã heo bò ra mà đãi. Rượu thịt no say, khiến Khổng Tử cảm thấy thảnh thơi trong cõi đời ô trọc. Lúc ấy, có Điền Phương là võ quan cai quản địa hạt đó, mới nhân lúc Khổng Tử vừa mới… khà xong. Kính cẩn hỏi rằng:

– Thầy hiểu nhiều biết rộng, xin phân giải dùm con. Làm vua. Dễ hay là khó?

Khổng Tử liền với tay ực cho một phát. Khẳng khái đáp:

– Làm vua một quốc gia, nếu gặp hạng bất nhân, thì không thể nào nói phải trái với họ được. Quốc gia suy yếu. Ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên. Thiên tai loạn lạc khắp nơi, họ không cho là hại. Thậm chí con đường diệt vong đang bày ra trước mắt, họ vẫn cứ vui chơi, mà chẳng nghĩ đến bá tánh đang tàn trong nước mắt. Còn gặp phải hạng người nhu nhược, thì trước là sợ ngoại bang. Sau o đám nịnh thần đang ngày đêm bâu xé. Còn như gặp phải người nhân hậu, biết nghĩ đến bàn dân lê thứ, thì… mệnh yểu mạng vong. Chẳng có ngon cơm gì hết cả!

Rồi yên lòng mà nhậu. Điền Phương thấy vậy, mới về lại chốn quan nha. Gọi thuộc quyền đến, mà nói rằng:

– Đất ta rừng vàng biển bạc, mà mấy năm liền không đủ thuế để nộp cho triều đình. Là cớ làm sao?

Thuộc quyền nhao nhao đáp:

– Nhân lực không đủ. Mần răng mà khai thác?

Lúc ấy, Điền Phương mới cười mĩm chi một phát. Hớn hở nói:

– Ta quan sát mấy ngày, thấy học trò của Khổng Phu Tử chẳng ma nào đeo nhẫn. Ắt còn sự… trinh nguyên. Sao không tính cho ngày sau sung túc?

Thuộc quyền sáng rỡ cả mặt mày. Khoan khoái đáp:

– Vậy ta phải làm sao?

Điền Phương liền dõi mắt vào cõi mông lung, như cố thấy một bình minh tươi sáng. Quyết liệt nói rằng:

– Hãy hạ lệnh cho tất cả con gái chưa chồng. Tập dịu ngọt khoan thai, thì dân số sẽ tăng liền trong năm tới!

Rồi một hôm, Khổng Tử đang uống rượu cần. Chợt có đứa trẻ ngồi ở lưng trâu tà tà qua trước ngõ. Mở miệng hát vang:

– Thương lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh. Thương lang chi thủy trạc hề, khả dĩ trạc ngã túc. Còn thương lang chi thủy nửa trạc nửa thanh, thì… túc túc anh anh cái gì cũng đặng.

Khổng Tử bỗng biến đổi sắc mặt. Hớt hãi nói:

– Chân lý cuộc đời. Sao thằng này lại biết?

Rồi nghệch mặt ra mà suy nghĩ. Lúc ấy, có Mạnh tử đang hầu rượu gần bên, bất chợt thấy da mặt của thầy đang chuyển dần qua tái. Sợ hãi nói rằng:

– Lời của đứa trẻ chăn trâu. Hà cớ chi thầy phải ưu tư nhiều đến thế?

Khổng Tử như còn ở trong mơ, nên chẳng buồn đáp lại. Đã vậy còn thì thào tự nhủ lấy thân:

– Nước sông Thương lang nếu mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ. Nước sông Thương lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân. Còn nước sông Thương lang nửa đục nửa trong, thì giặt mũ rửa chân cái gì chơi cũng được…

Rồi miệng hít hà. Đầu gật năm ba cái, khiến Mạnh Tử chẳng hiểu đặng mô tê. Dọt miệng nói rằng:

– Chỉ một lời nói, mà khiến thầy phải dừng ngay… cơn nhậu. Là cớ làm sao?

Khổng Tử thở liền ra mấy cái. Thận trọng đáp:

– Nước trong người ta mới giặt giải mũ. Nước đục chỉ để rửa chân. Đều do nước tự mình mà làm ra cả.

Đoạn, ngừng một chút để tâm hồn lắng xuống, mới từ từ nói tiếp:

– Còn nước nửa đục nửa trong, thì ai làm gì cũng được. Ta nghĩ. Chân lý cuộc đời nó nằm ngay đó. Ở chỗ đục trộn trong. Chớ không thể tách đục trong ra hai phần khác đặng…

Tử Tiện vừa bưng dĩa mồi vô. Nghe vậy, buột miệng nói:

– Thầy có thể giải thích phần nào cho rõ thấu được chăng?

Khổng Tử sửa tướng lại. Một tay gắp mồi. Tay cụng ly. Thong thả đáp:

– Việc thiên hạ yêu thương ghen ghét. Xét cho cùng, đều do tự mình mà ra cả. Người ta tất tự khinh mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau. Mình tự hủy nhà mình trước, rồi người ngoài mới hủy sau. Thế nhưng khi họa đã xảy ra, thì trước là đổ cho trời. Sau quy tội cho người. Chớ không tỉnh trí để hiểu được – mọi tai họa gây ra đều do ở mình hết cả – Có thân không biết tu. Có nhà không biết ở. Có vợ không biết… hầu, thì lúc mọi chuyện tanh banh. Tưởng có… đậu hủ quanh năm cũng chẳng ăn nhằm gì hết vậy!

Tối ấy, Khổng Tử không tài nào ngủ được, bèn loanh quanh ngoài vườn. Chợt thấy Tử Tiện đang ngồi bên gốc táo, liền dịu giọng hỏi han:

– Con sương sương từ chiều tới giờ, mà lại ra đây ngồi im trong bóng tối, là cớ làm sao?

Tử Tiện bùi ngùi đáp:

– Trái ngon nhờ cây, Cây tốt nhờ đất. Đất tốt nhờ mưa thuận gió hòa. Có phải vậy chăng?

Khổng Tử gật gù đáp:

– Đúng!

Tử Tiện lại nói:

– Một đứa trẻ chăn trâu, mà biết nói lời nghĩa khí, làm động đến lòng thầy, thì phải liệt vào hàng quý hiếm. Có phải vậy chăng?

Khổng Tử xúc động, đáp:

– Đúng! Ta nay da mồi tóc bạc, nhưng để lời một đứa trẻ đụng đặng trái tim, thì xưa nay chưa từng xảy ra vậy!

Tử Tiện lại nói:

– Đành rằng nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng nếu cha mẹ không nuôi dưỡng cái Thiện ấy. Phỏng con mình có hiểu đặng vậy chăng?

Khổng Tử bỗng nghe lòng dâng lên một niềm nôn nao khó tả, bèn kéo vạt áo, lôi ra một xị nếp than. Tha thiết nói:

– Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Ta chỉ có bấy nhiêu, thì cũng cứ… cưa hai cho tới bờ tới bến.

Tử Tiện gật đầu vâng dạ. Được đâu vài tuần, lại rộn ràng nói tiếp:

– Con gái đất Quắc đối với con còn biết dạy như vầy. Huống hồ với chồng. Sao dại dột bỏ đi?

Khổng Tử buồn buồn đáp:

– Số tám đối với đàn ông không tốt. Ta đã bảy bà. Lẽ nào dzớt nữa mà coi đặng hay sao?

Tử Tiện lắc đầu nói:

– Bỏ bớt thành kiến, thì chuyện khó thành dễ. Chuyện dễ thành… trơn. Chuyện chẳng có chi cũng biến thành ấm mặn. Sao thầy lại chấp nhất với lời đàm tiếu – mà bỏ phí tuổi xuân – thì ở mai sau muốn dzô cũng không còn dzô đặng. Chẳng tiếc lắm ư?

CỔ PHIẾU THỰC CHIẾN: FOXSIGNAL.COM

Xem Tiếp Trang Sau »